Lê Bống chia sẻ hành trình trữ trứng: Trữ đông trứng là gì, có tác dụng gì?
Sau khi xem chia sẻ về hành trình trữ trứng của Lê Bống, nhiều người thắc mắc trữ trứng là gì?
Mới đây, trên trang cá nhân Tiktok của mình, Lê Bống đã chia sẻ tập đầu tiên trong hành trình trữ trứng của mình. Theo đó, cô nàng mất 9 ngày chuẩn bị để có thể lấy được trứng trữ đông, mỗi ngày cô đều phải sử dụng một dụng cụ giống như mũi tiêm để tiêm vào phần bụng dưới của mình. Kết thúc video ngắn, cô nàng vui mừng chia sẻ rằng mình đã lấy được 13 quả trứng trưởng thành để sẵn sàng cho quá trình trữ đông trứng.
Dưới phần bình luận video, nhiều cư dân mạng thắc mắc xoay quanh kỹ thuật trữ (đông) trứng như trữ trứng là gì, nó có công dụng gì hay việc tiêm vào phần bụng dưới mỗi ngày của Lê Bống để làm gì? Dưới đây là những giải đáp dành cho bạn.
Trữ trứng là gì?
Theo Hệ thống Chăm sóc sức khỏe Hoa Kỳ ULCA Health, trữ trứng (hay đông lạnh trứng, bảo quản đông lạnh tế bào trứng) là một quá trình trong đó trứng của phụ nữ (tế bào trứng) được lấy ra, đông lạnh và lưu trữ như một phương pháp để bảo tồn khả năng sinh sản ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản. Ca sinh con đầu tiên từ tế bào trứng đông lạnh được báo cáo vào năm 1986. Bảo quản đông lạnh tế bào trứng đã có những tiến bộ vượt bậc trong vài năm qua, với tỷ lệ thành công chung của trứng sống sót sau quá trình đông lạnh được cải thiện.
Việc bảo quản trứng bằng phương pháp đông lạnh có thể được cân nhắc vì nhiều lý do như:
- Người phụ nữ có một số vấn đề về sức khỏe sinh sản như các bệnh lý ung thư cần hoá trị, xạ trị; các bệnh lý phải cắt bỏ buồng trứng, ung thư buồng trứng…
- Người phụ nữ giảm dự trữ buồng trứng và cần gom trứng nhiều lần đến khi có nhu cầu sử dụng.
- Người phụ nữ muốn chủ động trữ trứng vì nhu cầu xã hội, chưa sẵn sàng có con.
Các bước trữ trứng
Theo Bệnh viện Medpak (Hoa Kỳ), quá trình trữ trứng sẽ gồm 3 bước chính:
1. Kích thích buồng trứng
Bước này bắt đầu bằng siêu âm qua ngã âm đạo và xét nghiệm máu để xác định số lượng trứng, chức năng buồng trứng và dùng thuốc kích thích buồng trứng trong 9-12 ngày. Đây chính là bước bạn nhìn thấy trong video của Lê Bống thực hiện.
Liều lượng cần thiết khác nhau tùy thuộc vào chức năng buồng trứng của bệnh nhân. Siêu âm theo dõi sẽ xem kích thước và số lượng trứng có đáp ứng các thông số kỹ thuật hay không. Nếu đáp ứng, việc dùng thuốc khác sẽ giúp trứng trưởng thành.
2. Lấy trứng
Lấy trứng được thực hiện bằng cách chọc hút kim dưới sự hướng dẫn của siêu âm qua ngả âm đạo và hút để lấy trứng từ nang trứng. Đây là một thủ thuật nhỏ được thực hiện dưới sự gây mê tĩnh mạch của bác sĩ gây mê. Bệnh nhân không được ăn hoặc uống ít nhất 8 giờ trước khi thực hiện thủ thuật. Việc lấy trứng mất khoảng 30-45 phút, tùy thuộc vào số lượng trứng có thể lấy được.
3. Chọn những quả trứng khỏe mạnh để đông lạnh
Việc này sẽ được bác sĩ thực hiện. Nhiệt độ đông lạnh trứng sẽ được làm lạnh đột ngột bằng nitơ lỏng để ngăn ngừa sự hình thành tinh thể băng có thể làm hỏng các tế bào trứng.
Trứng trữ đông sẽ được dùng làm gì trong tương lai?
Khi người phụ nữ đã sẵn sàng sử dụng trứng trữ đông để thụ thai, những quả trứng này được đặt trong dung dịch làm ấm (rã đông) và được đánh giá. Những quả trứng đạt yêu cầu sau quá trình đông lạnh được thụ tinh bằng phương pháp tiêm tinh trùng vào bào tương (ICSI), trong đó một tinh trùng được tiêm trực tiếp vào trứng và những quả trứng đã thụ tinh sẽ phát triển trong môi trường nuôi cấy cho đến khi phôi sẵn sàng để chuyển vào tử cung để thụ thai, thường là 3-5 ngày sau khi thụ tinh.
Trứng có thể lưu trữ trong thời gian bao lâu?
Trứng có thể được trữ lạnh ở thời gian dài và không ảnh hưởng nhiều đến chất lượng sau khi rã. Tuy nhiên, chị em nên cân nhắc thời gian mang thai, không nên để quá lớn tuổi vì có thể ảnh hưởng đến sức khỏe khi mang thai cũng như thời gian dành cho con cái.
Rủi ro và biến chứng khi trữ trứng
Cho đến nay, chưa có nghiên cứu nào cho thấy sự gia tăng nguy cơ dị tật bẩm sinh đối với trẻ sinh ra từ trứng đông lạnh.
Tuy nhiên, khi thực hiện kỹ thuật này, người phụ nữ vẫn có thể gặp một số rủi ro như đau bụng, chướng bụng, buồn nôn, nôn mửa và tiêu chảy; nguy cơ quá kích buồng trứng, đặc biệt là bệnh nhân mang hội chứng buồng trứng đa nang.