Lời nói tiêu cực của cha mẹ có thể tác động đến cuộc đời con cái như thế nào? Những tâm sự đầy dằn vặt sau đây còn hơn cả một hồi chuông cảnh báo
Dù là thứ vô hình, không thể cầm nắm hay nhìn thấy, nhưng ngôn ngữ lại tiềm ẩn một sức mạnh khủng khiếp vượt xa mọi nguồn năng lượng.
Có thể bạn đã từng nghe qua câu chuyện về hai chậu cây được đem ra làm thí nghiệm. Một chậu luôn bị dọa nạt, mắng chửi, chê bai, một chậu luôn nhận được lời khen ngợi, thể hiện tình yêu thương. Sau 30 ngày, chậu cây bị dọa nạt trở nên héo úa, còn chậu cây được yêu thương phát triển xanh tươi dù với điều kiện chăm sóc hoàn toàn giống nhau.
Trong cuộc sống cũng vậy. Bố mẹ nào cũng yêu thương con, nhưng những lời nói tưởng chừng chỉ là thói quen hoặc vô tình đôi khi có thể là cơn ác mộng thật sự, là gông cùm trói buộc cuộc đời những đứa trẻ…
Mới đây, một topic về vấn đề này khi được mở ra đã nhận được rất nhiều chia sẻ từ cư dân mạng. Dù là thứ vô hình, không thể cầm nắm hay nhìn thấy, nhưng ngôn ngữ lại tiềm ẩn một sức mạnh khủng khiếp gây hậu quả hệ trọng mãi mãi về sau...
1. "Còn không phải do mày sao"?
Suốt 12 năm đi học tôi bị bạn bè cô lập, bị bắt nạt, về nhà nói cho mẹ, mẹ bảo: "Còn không phải do mày à? Mày bẩn, mày dốt, mày thế nọ thế kia... chúng nó không chơi cùng là đúng rồi". Vâng. Con bẩn, con dốt, con thế nọ thế kia.
Em gái cách tôi 2 tuổi, từ bé tôi đã phải nghe mòn tai "Chị cả phải nhường em"... Giờ nó nhảy lên đầu tôi ngồi, nó thoải mái cướp đồ lấy đồ chửi rủa tôi, bố mẹ tôi nhắc nó không được thì đổ tại tôi làm chị không biết dạy em. Ừ tại tôi, cái gì cũng tại tôi hết.
Đầu cấp ba đi xem phim với bạn 2h - 5h chiều, đã xin phép đầy đủ. Về nhà bị mắng vì sao mày về muộn, từ nay đừng mong xin phép tao ra khỏi nhà. Giờ suốt ngày hỏi sao mày ru rú trong nhà, suốt ngày dí mắt vào sách báo truyện, máy tính. Tại mày vô dụng. Ở nhà không cho cầm mấy cái này thì biết làm gì nữa?
Từ bé chuyện gì làm bố mẹ tôi cũng nhúng tay vào. Mua cái váy thôi cũng soi xấu soi đẹp, mua cây bút thôi cũng bị mắng mày tiêu xài linh tinh chưa hỏi ý kiến bố mẹ.
Vì khi học đại học bắt chọn khối thi không phù hợp nên dẫn đến ra trường bị mất phương hướng. Giờ cái gì tôi cũng không quyết định được. Ai cũng kêu tại tôi yếu đuối, thiếu chính kiến. Tại tôi à? Tôi muốn vậy à? Cái gì cũng là do tôi, vì tôi, cho tôi. Nhưng tôi thật sự muốn gì, người làm bố làm mẹ kia có bao giờ hiểu được?
2. "Có được giải đó thôi hả?"
Mình đi 3 ngày đến tỉnh khác để thi học sinh giỏi. Đi đường dài trên xe khách mệt mỏi các thứ, gọi bố đến đón, bố hỏi thi được giải gì rồi phán một câu "được có giải đó thôi hả", không quan tâm mình có đang buồn không. Từ lúc biết kết quả đến lúc lên xe về đến nhà mình luôn tỏ ra bình thường vui vẻ cho đến khi nghe được câu này mình đã ngồi khóc nức nở một mình ở hành lang, để rồi lau nước mắt trước khi bố thấy.
Đến khi mình có giải quốc gia cũng chưa từng nhận được một lời khen, một câu khích lệ mà vẫn là câu nói đó: "Được giải đó thôi hả?". Mình luôn rất tự ti, luôn cảm thấy thua kém người khác.
Hệ quả của chuyện này là bây giờ mình luôn chống đối dưới cái vẻ vô cùng hiểu chuyện. Thêm cái là không cách nào tự tin nổi, vô cùng cứng đầu nhưng không có chính kiến. Biết cái nào tốt cái nào xấu nhưng sẽ không có động lực làm.
3. "Nếu không phải vì con"
Bố mẹ tôi rất hay cãi nhau, nên câu này từ nhỏ đến lớn tôi nghe thường xuyên. Lớn lên trong gia đình như thế tôi thấy có lỗi, tự ti và từng hận nam giới vô cùng, không muốn kết hôn, cảm thấy mình như một cái máy chạy bằng cơm, không có tình cảm vốn có như một con người, tới giờ vẫn chưa biết yêu ai, sợ cái này cái kia.
Không biết ngày xưa mẹ tôi trải qua hay chứng kiến gì mà mẹ sợ tôi yêu sớm, bị dụ rồi khổ, nhưng mẹ không hiểu con gái mẹ sống vô cảm thế nào, điều lo lắng đó là vô ích. Giờ 24 tuổi rồi, tự lập rồi nhưng suy nghĩ vẫn không thể thoát ra khỏi cái khuôn khổ, cảm thấy mình như không thể sống và nghĩ như người bình thường được.
Dù cố gắng thế nào, làm cái gì thì vẫn không hề cảm thấy tự hào về bản thân cả, sống như một gánh nợ vậy, chỉ sợ làm ảnh hưởng đến người khác. Những điều này bố mẹ tôi chẳng biết đâu, tôi cũng không trách gì họ cả vì mỗi thế hệ một khác.
4. "Mày không bằng một con chó"
Mẹ mình rất khó tính. Mấy câu "mày là con người nhưng đầu óc mày không bằng con chó, tao biết trước mày như vậy thì tao đã giết chết mày khi còn nhỏ" thành bình thường như cơm bữa, và lúc nào mình cũng hứng những trận đòn roi tím tái tay chân.
Từ nhỏ mình luôn im lặng, mình không bao giờ tâm sự hay than phiền hoặc kể với mẹ bất cứ chuyện gì. Sau này mẹ luôn hỏi tại sao con gái lớn trong nhà lại không thể thân thiết với mẹ, mình nghĩ là vì những chuyện lúc nhỏ khiến mình ám ảnh.
Khi còn bé, mình tự thề với bản thân rằng lớn lên không được giống họ, phải đối xử thật tốt với con mình, đừng áp đặt nó, cũng đừng vì cáu giận mà đánh chửi nó. Nhưng rồi lớn lên, mình nhận ra rằng cách mình đối xử với mấy thằng bé, với em mình giống hệt cách mà phụ huynh đối xử với mình. Mình bực lên là sẽ chửi nó, nhưng ít nhất mình ghìm được không đánh nó. Vô thức hay bảo nó vô dụng và ngu dốt, bắt nó phải làm này kia....
Muốn thoát ra khỏi cái bóng quá khứ quá khó, rồi mình cũng sẽ trở thành cái bóng ám ảnh khác. Vẫn đang cố gắng từng ngày, vẫn đang tìm cách chữa lành và thay đổi từng chút một.
5. "Sau này tao trông cậy gì được vào mày"
Cái nào cũng nhịn được nhưng riêng cái kiểu nói "sau này tao trông cậy gì được vào mày"; "nuôi mày tốn kém sau này tao chết đi rồi không biết mày có nhớ thắp cho tao được nén hương không"... cứ có cảm giác như mình quá mức vô dụng vậy. Chẳng làm được gì, đến cả bố mẹ mình cũng chẳng lo nổi? Nghe chính bố mẹ mình nói ra câu đấy cảm giác bất lực vô cùng.
Bố mẹ mình cũng hay nói chuyện tiền bạc với mình, nên mình từ lâu đã tiêu xài tiết kiệm nhất có thể. Tới bây giờ mình cũng cứ thích lủi thủi một mình, sợ làm phiền người khác, sợ mắc nợ người khác.
Từ khi đi học xa nhà, biết yêu bản thân hơn, tự tin, lạc quan vui vẻ hơn, nhưng di chứng là tính cách mình lúc như con nít lúc như người già. Mình là đứa nhạy cảm từ nhỏ, rất dễ tổn thương, luôn cố tỏ ra mình mạnh mẽ vì cũng chẳng ai sẽ bảo vệ, ngã xuống chẳng lấy ai đỡ.
Nhưng dù sao đó cũng không phải là lý do để đổ lỗi hay oán trách bố mẹ. Khi mình đã trưởng thành rồi, mình nhận ra bản thân mình phải chịu trách nhiệm về chính mình chứ không phải một ai khác, kể cả bố mẹ đi chăng nữa...