Lo lắng khi bố chồng mắc “hội chứng áo trắng”
Mọi thành viên trong nhà đều lo lắng, giục bố chồng cô đi kiểm tra sức khoẻ nhưng ông nhất định không đi. Vợ con chỉ cần nói đến câu thứ hai là ông mặt đỏ tía tai, bỏ sang phòng khác...
Gia đình chồng cô có 3 người con nhưng chị cả và anh trai thứ hai đều lập gia đình và ở xa nên vợ chồng cô sống cùng bố mẹ chồng. Không chịu áp lực mua nhà, lại sẵn có mọi thứ để dùng, đến lúc đẻ con thì có ông bà nội ở bên giúp đỡ, nên cũng dễ hiểu khi trông cô chả có vẻ gì bận rộn, ngày càng trẻ ra.
Vấn đề là từ ngày về hưu, bố chồng cô có điều kiện đi ăn nhậu với bạn bè nhiều hơn. Không biết có phải do stress sau khi nghỉ hưu hay không mà bố chồng cô lại bị nhiều bệnh, dễ nhận biết nhất là tình trạng huyết áp không ổn định và cáu kỉnh vô cớ, rồi những lần co thắt nhẹ ở ngực như kiểu nghẽn mạch.
Mọi thành viên trong nhà đều lo lắng, giục bố chồng cô đi kiểm tra sức khoẻ nhưng ông nhất định không đi. Vợ con chỉ cần nói đến câu thứ hai là ông mặt đỏ tía tai, bỏ sang phòng khác. Còn các con ở xa gọi điện về, hễ nhắc đến vấn đề này là ông cúp máy luôn.
Cô mong Thanh Tâm phân tích, tư vấn giúp cô cách thuyết phục bố chồng đi khám bệnh. Thanh Tâm thấy cô ấy là một cô con dâu tinh tế và giàu yêu thương khi rất quan tâm đến sức khỏe và tâm lý của bố chồng.
Nghe chia sẻ của cô, Thanh Tâm cảm nhận dường như có 2 hội chứng tâm lý đang ảnh hưởng tới bố chồng của cô cùng lúc. Thứ nhất là khủng hoảng tâm lý hậu nghỉ hưu. Nhiều người sau khi nghỉ hưu thường gặp khủng hoảng tâm lý vì mất đi vai trò xã hội của mình.
Trước đây là người "nắm công việc", "có tiếng nói", giờ ở nhà nên cảm thấy mình "vô dụng", "thừa thãi". Họ có thể bị hụt hẫng trong cảm giác bỗng dưng tự do sau thời gian dài kỷ luật. Nhiều người dễ tìm đến bia, rượu, tụ tập như một cách "bù lại" quãng thời gian làm việc vất vả.
Tuy nhiên, việc này lại ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Nghỉ hưu có thể đã làm thay đổi nhịp sinh hoạt, khiến bố chồng cô chưa thích nghi được, dễ gây mất ngủ, rối loạn tiêu hóa, tăng huyết áp…
Nhiều nghiên cứu cho thấy, đàn ông thường không dễ thể hiện cảm xúc, ít tìm kiếm sự giúp đỡ từ người khác, thay vào đó lại đè nén cảm xúc của mình. Thứ hai là hội chứng "áo trắng", sợ bác sĩ, sợ phát hiện ra bệnh.
Hội chứng này khiến người trong cuộc sợ mất đi sự tự tin, đi khám bệnh giống như thừa nhận mình yếu đi, già đi. Nỗi sợ biết mình bị bệnh - đặc biệt là những bệnh mãn tính - khiến người ta chọn cách… "không biết thì thôi".
Với những biểu hiện cô kể, sức khỏe của bố chồng cô đang báo động. Nhưng cách tiếp cận giục giã, ép buộc đi khám càng khiến ông phản kháng. Thay vào đó, cô và người thân có thể thử chiến lược nhẹ nhàng và tinh tế hơn.
Không nói trực tiếp đến việc đi khám nữa mà chuyển sang trò chuyện về những chủ đề ông yêu thích như thể thao, thời sự, bạn bè xưa…
Có thể lồng ghép câu chuyện của một người cùng tuổi ông đi khám ra bệnh sớm, chữa kịp nên giờ sống vui, khỏe để ông tự liên hệ bản thân. Cô cũng có thể tìm một cái cớ như cần người đưa cháu đi tiêm phòng để thuyết phục ông hoặc tạo trải nghiệm tích cực với việc khám bệnh bằng cách đưa ông đến nơi uy tín, có bác sĩ thân thiện.
Nếu cần, hãy đặt lịch khám trước, đi cùng ông như một chuyến đi kết hợp vừa kiểm tra sức khỏe vừa tạo điều kiện gần gũi, trò chuyện với ông qua việc ăn sáng, uống cà phê.
Sau khi khám, gia đình cô có thể lên kế hoạch sống vui- khỏe, giúp ông thấy tuổi hưu không buồn tẻ, thông qua những hoạt động như: Tạo lịch sinh hoạt ổn định, tập thể dục nhẹ nhàng vào buổi sáng, ăn đủ chất, hạn chế bia, rượu; khuyến khích ông nấu ăn, chăm sóc cây; gợi ý ông tham gia câu lạc bộ người cao tuổi, hội đồng niên, thực hiện những sở thích cá nhân như đọc sách, chơi cờ, viết hồi ký… để ông có thêm năng lượng sống tích cực.