Lam lũ phận má hồng làm nghề “rảo cá”

Lê Phong,
Chia sẻ

Mỗi lần mùa cá ngừ đại dương (cá “Bò gù”) về, những người làng biển Phú Yên lại í ới gọi nhau: “Đi rảo cá”. Thế là các dì, các chị tạm gác việc vá lưới để ra cảng hành nghề khuân vác cá mưu sinh.

Cơ cực, bất kể sáng tối

Chúng tôi có mặt tại cảng cá Phường 6 (TP. Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên) lúc 5 giờ sáng. Sớm thế, nhưng bấy giờ đã có hàng chục phụ nữ ngồi thành từng nhóm nhỏ, từ 4-8 người. Vào thời điểm này, tàu cá chưa cập bến, nhưng họ cố gắng đến thật sớm mong “xí” được một chân khuân vác cá ngừ đại dương.

Gió biển thổi vào khiến tiết trời se lạnh, có chị mang sẵn ấm trà nóng nhâm nhi trên cát biển, vừa đợi vừa “tám” chuyện chồng con, nhà cửa. Ông xã của các chị đa phần đang ra khơi.

Lý giải về cụm từ “rảo cá”, chị Lê Thị Luận (35 tuổi, khu phố 3, phường 6, TP. Tuy Hòa) giải thích: “Không có việc gì để làm, nhiều phụ nữ thường ra cảng để làm khuân vác cá, rồi cái tên gọi “rảo cá” xuất hiện khi nào không biết”.

Ngồi kế bên, chị Trần Lên (27 tuổi) nói thêm: “Phụ nữ vùng biển dù nhỏ người hay lớn tướng, bất kể ngày hay ban đêm, hễ nghe tin tàu cá chuẩn bị vào bờ là sẵn sàng vào việc”.

Lam lũ phận má hồng làm nghề “rảo cá” 1
Tàu cập bến và các chị đã sẵn sàng
.

Khi chúng tôi thắc mắc vì sao không làm nghề nào khác nhẹ nhàng hơn, chị Nhung phân bày: “Việc khuân vác thuộc cánh đàn ông nhưng họ bận đi thuyền rồi nên phụ nữ làm thay”.

Đang trò chuyện, chiếc tàu cá đầu tiâcập bến, những người phụ nữ lại nhao lên. Không ai bảo ai, hàng chục phụ nữ chia ra từng nhóm nhỏ, mỗi nhóm gồm 4 người, lội ra biển ngâm mình dưới nước để khuân cá vào bờ. Mỗi con cá ngừ đại dương mà họ khiêng nặng trên dưới 1 tạ.

Đoạn đường từ tàu cá đến kho luân chuyển biển cách hơn 300m đã in sâu trên cát dấu chân của những người hành nghề “rảo cá”.

Sau khi đưa được 5 con cá vào kho, 4 người phụ nữ gồm chị Kiều (34 tuổi), chị Nhàn (34 tuổi), chị Tâm (32 tuổi) và chị Tiên (28 tuổi) phải dừng lại bên bụi cây thở dốc lấy lại sức. Ít lâu sau, cả 4 chị tiếp tục đứng dậy vội chạy ra thuyền tiếp tục công việc. Vừa khuân vác con cá thứ 6, chị Kiều vừa trò chuyện: “Nắng ở biển như đổ lửa, chúng tôi tranh thủ khuân vác vào buổi sáng để ít mệt”.

Lam lũ phận má hồng làm nghề “rảo cá” 2
Các chị khiêng những con cá rất to và nặng
.
Còn đó những nỗi lo

Khi chúng tôi hỏi về tiền công, chị Nhung rầu rĩ: “Tiền công cho những người phụ nữ khuân vác bèo bọt lắm, mỗi con cá đưa vào bờ, 4 chị em chúng tôi nhận được từ 5-8 nghìn đồng. Chia ra mỗi người chỉ có vài trăm đồng đến 2 nghìn cho mỗi con cá”.

Theo lời kể của nhiều người, không phải lúc nào cũng có cá để khuân vác. Nhiều lúc tàu cá thua lỗ, thay vì trả công bằng tiền họ lại trả bằng… cá.

Lam lũ phận má hồng làm nghề “rảo cá” 3
Đường vào kho khá xa
.

Thân hình gầy gò, đôi vai bé nhỏ, chị Trần Bích Kiều (30 tuổi) cố gắng đi thật nhanh đến kho cá. “Đầu năm học phải lo đóng học phí cho 3 đứa con, tôi phải đi làm thêm để còn lo, dẫu biết rất cực. Chồng tôi đi đánh cá hơn 1 tháng nay. Cái nghề đó như đánh số với trời, đợt nào đi cá nhiều thì có tiền, còn mùa biển động tay trắng”.

Chị Kiều tâm sự: “Đây là lần thứ 4 tôi khuân vác cá, đêm đầu tiên về đôi vai sưng tấy, ngày thứ hai rỉ máu bây giờ tôi phải quấn khăn lên để giảm lực tiếp xúc. Mỗi ngày, một người thu nhập từ 60-100 nghìn đồng, số tiền đó chỉ đủ để ăn uống, không có dư”.

Lam lũ phận má hồng làm nghề “rảo cá” 4
Đàn ông đi biển, phụ nữ ở nhà cũng làm việc cật lực như nam giới.

Trò chuyện với chúng tôi còn có chị Lê Trang Diễm (45 tuổi). Chị Diễm đã hơn 27 năm làm nghề “rảo cá”, chị cho biết: “Chồng mất, một thân tôi phải nuôi 4 đứa con, làm nghề này riết cũng quen. Lưng bây giờ còng trước tuổi cùng vì khuân vác cá”.

Theo lời chị Diễm, nỗi lo của những người “rảo cá” chính là vào mùa mưa bão, những lúc biển động không có cá để các chị hành nghề.

Lam lũ phận má hồng làm nghề “rảo cá” 5
Gánh trên vai các chị không chỉ là cá mà còn là những lo toan về cơm áo gạo tiền.

Chúng tôi rời cảng cá Phường 6 (TP. Tuy Hòa, Phú Yên) để trở về TP.HCM. Trên tuyến QL 1A, chúng tôi lại bắt gặp rất nhiều hình ảnh của những người phụ nữ lam lũ bên các cảng cá Phú Hiệp (huyện Đông Hòa, Phú Yên), Vũng Rô (huyện Đông Hòa, Phú Yên), Đại Lãnh (huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa)… 
Chia sẻ