Khi phụ nữ làm nghề không dành cho phái yếu

Tạ Ban (tổng hợp),
Chia sẻ

Bởi vì đối với họ, đam mê thì không phân biệt giới tính!

Nhà báo

Nghề báo là nghề không có ngày nghỉ, luôn phải sẵn sàng 24/24, những ngày lễ lại càng bận rộn. Không chỉ nhà báo chiến trường mới phải đối mặt với những nguy hiểm thường trực, mà những phóng viên khi tác nghiệp ở khắp mọi nơi cũng phải đối phó với những vất vả và rủi ro cận kề. 

Do vậy, khi chọn nghề này, chị em đã phải từ bỏ và hi sinh nhiều thứ. Họ không thể chu toàn cho gia đình khi có tin bài, họ phải lao ra đường khi người khác đang trong vòng tay người yêu hay chồng con... 

Khi phụ nữ làm nghề không dành cho phái yếu 1
Helen Thomas - nhà báo gạo cội - luôn mạnh nẽ quyết đoán trong công việc và cuộc sống.
(
Ảnh: Allstarpics)

Tuy nhiên, sự khéo léo, tinh tế và nhạy cảm của người phụ nữ lại khiến họ có lợi thế trong tiếp cận và xử lý thông tin cũng như nhiều lĩnh vực như thời trang, giải trí... Lòng yêu nghề của họ hoàn toàn không kém những đồng nghiệp nam. 

Trong danh sách dài những nhà báo nổi tiếng thế giới không thể không nhắc đến Helen Thomas. Bà đã đạt 10 giải thưởng cao quý về báo chí, được vinh danh là nữ ký giả xuất sắc của Hoa Kỳ, được vinh danh trong top 20 Phụ nữ Mỹ nổi tiếng nhất, là nhà bình luận xuất sắc nhất của hãng truyền thông Hearst. 

Khi nói đến bà, người ta nhớ đến một người già dặn, nhiều kinh nghiệm, thành thục nhiều thứ  tiếng và một cây bút sắc sảo, độc đáo. 

Khi phụ nữ làm nghề không dành cho phái yếu 2
Margaret BourkeWhite luôn dũng cảm, dấn thân vào những vùng chiến sự nguy hiểm, ác liệt.

Hay Margaret Bourke White, phóng viên ảnh người Mỹ, với nhiều danh hiệu như phóng viên chiến tranh nữ đầu tiên, phụ nữ đầu tiên tác nghiệp tại chiến trường, nhiếp ảnh gia nước ngoài đầu tiên được phép chụp ảnh nền công nghiệp Xô Viết và nhiếp ảnh gia nữ đầu tiên có ảnh được đăng lên trang bìa của tạp chí Life. 

Ngoài ra, hàng ngày, trên thế giới, có hàng trăm ngàn nhà báo là phụ nữ đang đóng góp vào việc xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn bằng lòng nhiệt tâm, yêu con người và yêu hòa bình của họ.

Phi công 

Công việc căng thẳng, đòi hỏi sự tập trung cao độ và sức khỏe dẻo dai khiến cho phi công trở thành nghề đặc biệt cho nam giới. Nhưng không phải vì thế mà vắng đi những bông hồng bay với những điều làm người ta ngạc nhiên và khâm phục. 

Khi phụ nữ làm nghề không dành cho phái yếu 3
Amelia Earhart

Đó là Amelia Earhart, nữ phi công và nhà văn người Mỹ, người phụ nữ đầu tiên được nhận Distinguished Flying Cross của Hoa Kỳ cho việc đã trở thành nữ phi công đầu tiên bay một mình xuyên Đại Tây Dương. Amelia Earhart lập ra nhiều kỷ lục, trong đó các tác phẩm về kinh nghiệm bay của mình đã trở thành những cuốn sách bán chạy nhất thời đó. 

Khi phụ nữ làm nghề không dành cho phái yếu 4
Bessie Coleman trên con tem năm 1995 (Ảnh: BBC)

Đó là Bessie Coleman, vượt qua sự kỳ thị, tự học tiếng Pháp và thi vào trường dạy bay danh tiếng Ecole d' Aviation des Fretes Caudon ở Le Crotoy, trong đó, bà là học viên duy nhất không phải là người da trắng.

Bà có được sự ngưỡng mộ của cả người da trắng và da đen, nữ phi công da đen đầu tiên của Hoa kỳ . Bà được vinh danh với nhiều hình thức khác nhau. Ngoài việc được sở Bưu điện Hoa kỳ cho in hình lên tem năm 1995, tên của bà được đặt cho nhiều con đường dẫn vào phi cảng quốc tế. Đám tang của bà có đến 10,000 người tham dự. 

Ở Việt Nam, năm 2008, cũng bắt đầu có nữ phi công đầu tiên, đó là Nguyễn Thị Thanh Thủy và Nguyễn Ly Hương. Điều này mở ra một ước mơ nghề nghiệp mới cho các chị em cá tính, bản lĩnh và thích bay.

Thám tử 

Trong tiểu thuyết cũng như đời thật, đa số thám tử là nam giới. Tuy nhiên, có những danh tiếng khiến đấng mày râu cũng phải ngả mũ cúi đầu như Mariam Tomponzi. Bà không chỉ là nữ thám tử tư số 1 của Italia mà còn là người nổi tiếng khắp thành Rome về việc sử dụng hiệu quả công nghệ thông tin, điện tử vào công tác điều tra.

Khi phụ nữ làm nghề không dành cho phái yếu 5
Mariam Tomponzi - nữ thám tử với bộ não thông minh, sắc sảo và nhanh lẹ nhất.
(
Ảnh: Comunicocaserta)

Với việc xây dựng thành công Học viện Tomponzi chuyên dạy nghề thám tử của bà, dư luận đã đặc biệt chú ý và coi đây là bước tiến mới trong công nghệ ngành thám tử tư. 

Một người khác là Rajani Pandit, hành nghề thám tử ngay trong những ngày ở trường đại học. Đến năm 20 tuổi, cô chính thức thành lập công ty thám tử Rajani tại Mumbai. Hiện nay, cô là một trong những thám tử nổi tiếng nhất ở Ấn Độ, nhận được nhiều giải thưởng bao gồm giải thưởng Hirkani của Mumbai Doordarsahn - tôn vinh phụ nữ thành đạt trong các lĩnh vực khác nhau. Công ty thám tử tư của cô phổ rộng khắp Ấn Độ, cũng như có chi nhánh trong khu vực Châu Á.

Đạo diễn

Xa nhà thường xuyên, tốc độ làm việc siêu nhanh, khả năng giải quyết vấn đề và quản lý con người từ diễn viên, kỹ thuật luôn đạt tầm xuất sắc trở lên là những kỹ năng căn bản mà một đạo diễn cần có. 

Khi phụ nữ làm nghề không dành cho phái yếu 6
Kathryn Bigelow là một trong những nữ đạo diễn góp phần làm thay đổi suy nghĩ của mọi người
về khả năng của phái yếu. (
Ảnh: Movieblogbuster)

Người ta đã từng nghi ngờ nữ giới làm đạo diễn, nhưng giờ đây, qua nhiều cố gắng của những cá nhân bản lĩnh trong nhiều năm, mọi người mới nhận ra điều mà Martha Coolidge, đạo diễn, cựu Chủ tịch của DGA từng đặt ra: “Vậy nữ giới có thể đem lại điều gì?”. Câu trả lời Coolidge đưa ra thật đơn giản và chân thực: “Một tương lai tươi sáng”.

Những thước phim thấm đẫm nhân văn với sự rung động sâu xa của tâm hồn đẹp đã đưa những người phụ nữ là đạo diễn lên đài vinh quang. Ví dụ như nữ đạo diễn trẻ Sofia Coppola, sau thành công tại giải Quả Cầu vàng 2003 và chú ý đặc biệt trên đường đua giành tượng vàng Oscar  năm 2004. 

Hay Kathryn Bigelow với The Hurt Locker, trở thành người phụ nữ đầu tiên giành giải thưởng Đạo diễn xuất sắc tại lễ trao giải uy tín của Viện Hàn lâm Nghệ thuật điện ảnh và Truyền hình Anh, BAFTAS, vượt qua Avatar trong lễ trao giải Oscar. 

Những điều trên chứng tỏ nữ đạo diễn làm việc chẳng kém gì nam giới, có thể điều hành cả những diễn viên tính khí thất thường hay một ê kíp làm phim gồm toàn những bậc trượng phu.

Phi hành gia

Vì còn nhiều điều kiện phải cân nhắc để bảo toàn sức khỏe cho giới phụ nữ, nên mãi đến thập niên 70, giới khoa học Mỹ mới chấp nhận cho phụ nữ gia nhập vào ngành không gian. Bắt đầu từ đó, họ ngày càng khẳng định rằng phụ nữ làm giỏi tất cả những gì nam giới giỏi. 

Khi phụ nữ làm nghề không dành cho phái yếu 7
Eileen Marie Collins là một trong số những phi hành gia giỏi nhất lái tàu con thoi của Mỹ.
(Ảnh: Nasa)

Họ có nhiều điều kiện thích hợp với cuộc sống trên không gian: có thể chịu đựng được lâu về sức nóng, sự đau đớn cơ thể, sự rung động và về thời gian kéo dài trong tình trạng ít hoạt động. Ngoài ra giới nữ còn đòi hỏi thức ăn và dưỡng khí ít hơn và nhất là họ có sức chống cự thật dẻo dai đối với chất phóng xạ. 

Chính vì thế, những cái tên nữ ngày càng nhiều hơn trong lịch sử ngành không gian của con người. Người ta không thể quên sự đóng góp của Svetlana Savitskaya, Sally Kristen Ride, Shannon Matilda Well Lucid - nữ phi hành gia người Mỹ - đang giữ kỷ lục là người phụ nữ có thời gian sống và làm việc ngoài không gian lâu nhất. Bà Eileen Marie Collins - nữ phi công đầu tiên và nữ chỉ huy đầu tiên lái tàu con thoi của Mỹ. 

Dù bị hạn chế mặt về sức khỏe, thời gian, nhưng ngày càng có nhiều phụ nữ thành công trong nhiều ngành nghề được coi là khắc nghiệt, vì đối với họ, đam mê thì không phân biệt giới tính.
Chia sẻ