Không phải tự nhiên mà con học kém bạn bè, nguyên nhân có thể bởi 4 cách kèm cặp sai lầm của bố mẹ sau đây
Muốn con có thành tích học tập tốt, bố mẹ cần tránh tuyệt đối những sai lầm tai hại trong quá trình dạy dỗ.
Thành tích học tập của một đứa trẻ ngoài nhờ trí thông minh có sẵn thì còn phụ thuộc lớn vào cách dạy dỗ của bố mẹ. Nhiều khi con vốn có nền tảng tốt nhưng vì cách dạy sai lầm của bố mẹ mà bị mai một, dần trở nên yếu kém.
Dưới đây là 4 sai lầm bố mẹ nên tránh tuyệt đối:
Liên tục thúc ép, bắt con học
Nhiều bậc cha mẹ khi thấy con có thành tích học kém thường cho là con đã mải chơi, lười học nên mới thế. Vậy nên họ cố gắng ép con học càng nhiều càng tốt.
Nhiều đứa trẻ phải đi học cả ngày ở trường, rồi lại tiếp tục học thêm ở trung tâm đến tối mịt mới về nhà. Ăn cơm, tắm rửa xong, trẻ lại phải vào bàn ngồi ôn lại kiến thức dưới sự kèm cặp của bố mẹ. Bất cứ khi nào thấy con ngồi nghỉ xả hơi, bố mẹ liền giục: "Mau vào bàn học đi. Chơi thế đủ rồi".
Học tập đáng lẽ phải là một quá trình tìm tòi thú vị nhưng vì sự thúc ép quá mức của người lớn mà con trẻ đâm ra chán nản, thậm chí sợ hãi. Nhiều trường hợp con học bài trong tâm thế đối phó, cố làm nhanh chóng, qua loa để đi chơi. Điều này dẫn đến việc kết quả học của con ngày càng giảm sút dù thời gian học tăng lên.
Thường xuyên mắng mỏ và chê bai con
Khi thấy con học kém, không ít cha mẹ nổi nóng và mắng mỏ: "Sao con học dốt thế?", "Sao mẹ nói mãi mà không hiểu", "Chỉ có việc học mà sao con cũng không làm tốt được". Nếu nghe những câu này thường xuyên, con có thể bị ám ảnh và tự nghĩ rằng mình học dốt thật. Điều này khiến con bị nhụt chí, không muốn cố gắng nữa vì mặc định bản thân kém cỏi.
Thay vì chê bai, bố mẹ nên khen ngợi và khuyến khích những điểm tốt của con trong học tập như: "Mẹ thấy được sự tiến bộ của con", "Mẹ biết con đã rất nỗ lực",… Những lời này sẽ khiến con thêm tự tin và có động lực, niềm yêu thích học tập.
Quá quan tâm đến kết quả
Không ít bố mẹ khi đón con đi học về thường hỏi: "Hôm nay có được điểm 10 không?". Khi con không được điểm cao, bố mẹ liền ỉu xìu mặt, tỏ rõ sự thất vọng.
Điều này làm con bị áp lực, mệt mỏi. Lúc nào con cũng ở trong trạng thái căng thẳng, phải cố đạt điểm cao bằng mọi cách để vừa lòng phụ huynh. Thực tế có nhiều trường hợp, con gian lận thi cử vì không muốn bố mẹ buồn.
Sự áp lực kéo dài khiến con mệt mỏi, không thể tập trung học hành. Thành tích cùng vì thế mà đi xuống. Bố mẹ cần sớm nhận ra rằng, không có đứa trẻ nào hoàn hảo, giỏi giang toàn diện. Trẻ có thể học giỏi môn này, nhưng lại học kém môn kia. Điểm số không phải điều quan trọng, cái quan trọng là con đã nỗ lực hết mình cho việc học.
Đến chính bố mẹ còn chưa phải là những người lớn toàn diện thì sao có thể ép con lúc nào cũng hoàn hảo được!
So sánh con với những đứa trẻ khác
Đây có lẽ là sai lầm kinh điển nhất của các bậc cha mẹ. Những câu như "Sao con không học giỏi được như con nhà người ta" hay "Mẹ chỉ mong con học tốt bằng 1 phần cái A" chẳng những không khiến con nỗ lực hơn mà còn tự ti đi.
Không chỉ vậy, con dễ nảy sinh cảm giác đố kị, ghen ghét với bạn. Điều quan trọng nhất bố mẹ cần hiểu: Học tập là một quá trình tích lũy kiến thức cho bản thân, là một hành trình đam mê chứ không phải sự cạnh tranh, hơn thua với người khác. Chỉ khi học tập vì yêu thích thực sự, con mới gặt hái được thành công, có bước tiến vượt trội.