Không chỉ điển trai, anh chủ Park Sae Ro Yi còn gửi gắm nhiều triết lý công sở sâu sắc qua "Itaewon Class"
Start-up một quán nhậu "xịn sò" trong khu vực năng động bậc nhất Hàn Quốc, anh chủ Park Sae Ro Yi (Park Seo Joon thủ vai) mang lại không ít triết lý kinh doanh cùng bài học sâu sắc cho dân công sở.
Những ngày gần đây, bộ phim Itaewon Class (Tầng lớp Itaewon) đã và đang có dịp làm mưa làm gió trên hầu khắp các diễn đàn mạng xã hội Việt Nam. Đi đâu, người ta cũng bàn tán về Itaewon Class một cách sôi nổi với vô vàn ý kiến và quan điểm. Tại Hàn Quốc, bộ phim cũng nằm trong 10 được tìm kiếm nhiều nhất trong tháng 2-2020.
Bên cạnh một kịch bản sâu sắc, đa chiều; nhiều tình tiết, khúc quanh gây cấn, bất ngờ đẩy nhân vật đến những hoàn cảnh ngặt nghèo nhất để có thể bộc lộ tối đa cá tính, cảm xúc cũng như nội tâm; Itaewon Class còn thu hút người xem bởi dàn diễn viên cá tính và "nhan sắc" đang được yêu thích bậc nhất tại Hàn Quốc và châu Á như: Park Seo Joon (Park Sae Ro Yi), Kim Da Mi (Jo Yi Seo), Kwon Nara (Soo Ah)…
Gây chú ý hơn cả vẫn là chàng trai Park Sae Ro Yi do Park Seo Joon thủ vai. Với chiều cao lý tưởng và ngũ quan hài hòa, Park Seo Joon đã khiến mái tóc "húi cua" vốn đã lỗi mốt một thời bỗng dưng "hot" trở lại trên khắp phạm vi châu Á. Bên cạnh đó, mặc dù hóa thân vào chàng trai nghịch cảnh Park Sae Ro Yi - mất cha, tù tội, nuôi khát vọng mở chuỗi quán nhậu nhượng quyền DanBam tại Itaewon – nhưng khí chất "tổng tài bá đạo" trước giờ của Park Seo Joon vẫn không hề suy suyển.
Ngay từ khi xuất hiện, Park Sae Ro Yi đã khác biệt với tất cả mọi người. Anh không bao giờ chịu khuất phục trước bạo lực, cường quyền, mỗi lời nói ra đều tựa "dao chém đá". Dù xã hội có đảo điên, anh vẫn trung thành với nền tảng đạo đức mà mình hằng tin tưởng. Nhân vật này được khắc họa là một thanh niên trung thực, "giữa đường thấy chuyện bất bình chẳng tha".
Để rồi trải qua bao nhiêu thăng trầm, những "đòn roi" cuộc đời lại tiếp tục tôi luyện nên một Park Sae Ro Yi trách nhiệm, giàu lòng yêu thương, quảng đại và rộng lượng. Cái cách mà Park Sae Ro Yi một lòng xây dựng DanBam đã cho người xem, nhất là dân văn phòng vô vàn những triết lý sâu sắc và lý thú về cung cách làm việc, kinh doanh cũng như đối nhân xử thế, mà cụ thể hơn là đối đãi với đồng nghiệp và cấp dưới:
1. Kiên định với mục tiêu
Mơ ước từ ngày bé là trở thành một cảnh sát, tuy nhiên, do vướng vòng lao lý và trở thành kẻ có tiền án, Park Sae Ro Yi đành gác lại ước mơ đó. Tuy nhiên, bên cạnh việc trở thành một cảnh sát, làm chủ một quán nhậu của riêng mình cũng là điều mà chàng trai này "khắc cốt ghi tâm" sau khi bố mất.
Vì lẽ đó, trong thời gian 3 năm tù tội, Park Sae Ro Yi đã không ngừng đọc, tìm tòi, học hỏi để trang bị những kiến thức cho bản thân. Sau khi ra tù, anh tiếp tục bôn ba, lên tàu viễn dương làm việc để tích lũy cho bản thân mình một lượng vốn đủ để tiến hành start-up.
Sau khi DanBam đã được mở, khó khăn, vất vả liên tiếp ập đến như quán không có khách, bị đình chỉ kinh doanh vì bán rượu cho người chưa đủ tuổi, bị mua lại mặt bằng; tuy nhiên, bằng ý chí và sự kiên định của một chàng trai trẻ, Park Sae Ro Yi chưa một lần nao núng cũng như có ý định từ bỏ ước mơ làm chủ một quán nhậu ở khu Itaewon.
Những khó khăn mà Park Sae Ro Yi gặp phải vốn không phải là câu chuyện quá xa với mà đó là thực trạng chung của hàng loạt start-up hiện nay. Theo thông kê, số start-up thành công chỉ chiếm 10%, còn lại 30% thất bại và 60% sống dở chết dở.
Thua lỗ trong thời gian đầu, biến động nhân sự, đối tác cũng như nhà cung cấp không tin tưởng và hỗ trợ là chuyện thường như cơm bữa. Cho nên, start-up vốn là câu chuyện chẳng hề dễ dàng như nhiều bạn trẻ vẫn nghĩ.
Vì lẽ đó, người dẫn dắt phải sở hữu một tinh thần thép cũng như một sự quyết tâm đến cực độ để làm đầu tàu, đưa cả tập thể vượt qua khó khăn. Vấp ngã là có tuy nhiên nó không đồng nghĩa với thất bại mà thất bại chỉ xảy ra khi chúng ta quyết định bỏ cuộc và dừng lại.
2. Tầm nhìn rộng lớn
Nếu như theo dõi diễn biến của phim, người xem có thể thấy, mục tiêu của Park Sae Ro Yi không chỉ đơn thuần là mở một quán nhậu đơn thuần để làm ăn có lãi và kiếm tiền chi trả sinh hoạt phí hàng ngày. Mà hơn hết, DanBam đối với anh là cả cuộc đời, là thứ mà bản thân anh đặt hết tâm tư.
Anh muốn dùng DanBam để đấu với kẻ thù, một người khổng lồ như Jangga. Anh muốn biến DanBam thành một chuỗi nhượng quyền thương hiệu để nó ngày một lớn mạnh, và đủ sức giúp anh nuốt trọn con cá lớn Jangga.
Đối với người làm start-up cũng tương tự như vậy, ai cũng mong đứa con tinh thần của mình sẽ ngày một lớn mạnh, đủ sức cạnh tranh và đứng ngang hàng với những tên tuổi "sừng sỏ", lớn mạnh trong ngành.
Để đạt được điều đó, tầm nhìn của người lãnh đạo là yếu tố then chốt quyết định thành bại hay tương lai của start-up. Tầm nhìn đóng vai trò như một chiếc la bàn định hướng, giúp thuyền trưởng đưa con tàu của mình vượt lên những con sóng dữ trong mưa giông, bão táp.
3. Đầu tư cho bản thân mình
Nếu theo dõi đầy đủ diễn tiến 8 tập của bộ phim tính đến thời điểm hiện tại, chắc hẳn người xem sẽ không quên được những xúc cảm đan xen đến nghẹt thở khi Park Sae Ro Yi buộc phải lựa chọn giữa khoản đầu tư vào Jangga để thâu tóm công ty này nhằm mục đích hạ bệ kẻ thù và việc lấy tiền đi tìm chỗ mới để DanBam có thể tiếp tục hoạt động.
Để rồi khi "ông chủ quán nhậu" quyết định rút tiền đầu tư để mua hẳn một tòa nhà làm đại bản doanh cho DamBan, người xem lại không thể ngừng tấm tắc trước độ "ngầu" của chàng trai trẻ.
Trong thực tế cũng vậy, bài toán tài chính luôn là thứ khiến các start-up đau đầu và quyết định đầu tư vào đâu là thứ khiến không ít người làm sếp phải suy nghĩ. Giống như Park Sae Ro Yi, thứ chúng ta nên đầu tư chẳng phải là vào bản thân mình hay sao.
Thay vì cứ đi "hơn thua" với đối thủ, sao các start-up không tập trung nâng cấp bản thân và trở nên đáng giá hơn từng ngày. Khi bản thân bạn trở nên đáng giá, tài chính hay thành công sẽ tự tìm đến.
4. Chinh phục lòng người
Suốt 8 tập của bộ phim là không ít lần người xem cảm thán trước cung cách đối xử và chinh phục lòng người của Park Sae Ro Yi.
Điều đầu tiên chúng ta có thể thấy đó chính là sự đa dạng của DanBam: người có tiền án tiền sự, người có xu hướng chống đối xã hội, người luôn mặc cảm là người thừa trong gia đình, người khao khát sống thật với giới tính của mình và người da đen.
Tất cả bọn họ đều có vấn đề của riêng mình. Ai cũng có sai lầm, vấp váp và luôn phải đấu tranh nội tâm. Những mảng màu tưởng chừng như đối lập ấy lại được Park Sae Ro Yi phối trộn một cách tinh tế để vẽ ra được một quán nhậu đa sắc, không đụng hàng.
Tương tự như vậy, một công ty rộng lớn không phải là một công ty sở hữu nền tảng văn phòng rộng ngàn nghìn m2 hay số lượng nhân sự lên đến hàng trăm người. Mà thay vào đó, một tập thể rộng lớn là một tập thể sở hữu sự đa dạng, nơi mà mỗi con người là một màu sắc riêng, mỗi câu chuyện là một trường hợp cá biệt, và ai cũng cần được yêu thương, trân trọng.
Lúc này, vài trò của người dẫn đầu không hề đơn giản, bởi duy trì được sự đa dạng vốn đã khó, trung hòa nó còn khó hơn. Chính lòng yêu thương, rộng lượng và sự cảm thông là kim chỉ nam để cả tập thể có thể hòa chung nhịp đập.
Là người dẫn đầu, hơn ai hết Park Sae Ro Yi hiểu rõ được việc bản thân mình phải chịu trách nhiệm cũng như bảo vệ được người của mình. Không ít lần Park Sae Ro Yi gồng mình lên để chịu trách nhiệm cho những lỗi lầm cũng như tổn thất mà nhân viên mang lại. Park Sae Ro Yi thẳng thừng đề nghị tăng lương lên gấp đôi để đầu bếp của mình cố gắng gấp đôi, cho nhân viên đi học tiếng
Anh khi thấy cần thiết và không vì những khó khăn, áp lực mà để nhân viên phải nghỉ việc. Chia sẻ thẳng thắn, biết nhìn nhận vào ưu/khuyết điểm của từng cá nhân, vì cấp dưới của mình mà chịu trách nhiệm – đó là những phẩm chất mà người lãnh đạo cần có để chiến thắng tâm tư của nhân viên.
Và cuối cùng, chính sự cương trực, nghĩa khí của Park Sae Ro Yi chính là thứ khiến anh trở nên hấp dẫn. Jo Yi Seo quyết định cống hiến hết sức lực của bản thân vì cảm thấy đây là một người đàn ông đặc biệt, một người đàn ông có thể làm nên việc lớn.
Về phần mình, Park Sae Ro Yi cũng hiểu bản thân thiếu sót ở đâu để trao quyền cho người thực sự phù hợp. Anh mạnh dạn trao quyền lực cho một cô gái trẻ tuổi. Nếu kiến thức chuyên môn không vững thì khả năng nhìn người của Park Sae Ro Yi đã phần nào giúp anh bù đắp thiếu sót này.
Trong đời thật cũng vậy, không cần thông thuộc hết công việc chuyên môn để có thể làm lãnh đạo. Yếu tố cần thiết của một người sếp giỏi đó chính là đứng trên vai những người khổng lồ, nhìn ra được tiềm năng cũng như thế mạnh của mỗi cá nhân và đặt để vào những vị trí phù hợp để họ có thể phát huy hết năng lực của bản thân.
Ở Park Sae Ro Yi có vô vàn những thứ mà dân công sở nói chung và những người làm sếp nói riêng có thể học hỏi để trở thành phiên bản tốt nhất của bản thân mình. Cùng đón xem những tập tiếp theo của Itaewon Class để xem anh chủ quán nhậu còn những bài học gì để dạy chúng ta trên con đường kiến công, lập nghiệp, đi đến thành công nhé!