Khỏe mạnh nhưng thận vẫn có thể đang hư hỏng: Chuyên gia chỉ cách phát hiện bệnh sớm
Thận bị suy thường diễn biến rất âm thầm, kín đáo. Rất nhiều người trẻ nhìn bề ngoài vẫn khoẻ mạnh khi tới viện mới biết suy thận giai đoạn cuối.
Cận trọng hơn khi cơ thể mệt mỏi
Chỉ cảm thấy hơi mệt mỏi, hoa mắt, chóng mặt bệnh nhân đi khám kết quả đã suy thận giai đoạn cuối đó là chuyện không có gì lạ với các bác sĩ ngành thận.
Bởi vì, suy thận ở gian đoạn sớm rất ít người có thể phát hiện ra do triệu chứng mờ nhạt. Chỉ khi bệnh quá nặng bệnh nhân mới chịu tới viện thì đã muộn.
Theo PGS.TS Đinh Thị Kim Dung, nguyên Trưởng khoa Thận Tiết niệu, Bệnh viện Bạch Mai suy thận ở giai đoạn sớm rất khó phát hiện, do triệu chứng kín đáo, không rõ ràng. Có những bệnh nhân chỉ thấy hơi mệt, da xanh, phù nhẹ… các triệu chứng đó rất mơ hồ nên bệnh nhân thường bỏ qua không đi khám.
Đặc biệt ở người trẻ khi mắc bệnh thận vẫn có thể lao động bình thường cho nên lại ít để ý tới triệu chứng của bệnh.
Rất nhiều bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối mới phát hiện ra bệnh.
Bác sĩ Dung cho biết: "Suy thận tiến triển tới giai đoạn nặng sẽ có triệu chứng chán ăn, mệt mỏi, buồn nôn".
Rất nhiều bệnh nhân đã gặp sai lầm, khi mệt mỏi không đi khám tăng cường tẩm bổ, ăn nhiều thức ăn giàu đạm. Điều này khiến cho tình trạng suy thận diễn biến càng nhanh hơn.
Ths.BS Nguyễn Đăng Quốc, Phó Trưởng khoa Thận Tiết niệu, Trưởng đơn vị đơn vị Thận nhân tạo, Bệnh viện Thanh Nhàn cho hay, bệnh nhân suy thận thường không đến viện khám bệnh thận. Họ thường tình cờ phát hiện ra bệnh thận khi đi khám các bệnh lý khác.
Một số bệnh nhân có triệu chứng chóng mặt, hoa mắt đi khám thiếu máu đã phát hiện ra suy thận mãn tính giải đoạn cuối. Hay như bệnh nhân bị đau đầu, buồn nôn đi khám đau đầu thì ra mắc bệnh thận.
Nguyên nhân hỏng thận sớm
Bác sĩ Quốc cho hay, có nhiều nguyên nhân "phá hủy thận". Trước kia, nguyên nhân suy thận thường do các bệnh lý nhiễm trùng, bệnh lý miễn dịch, bể thận do sỏi, hội chứng thận hư, nhiễm khuẩn tiết niệu… Thì nay bệnh nhân suy thận do lối sống ăn uống không kiêng khem dẫn tới rối loạn chuyển hóa gây tổn thương thận tăng lên.
"Ăn mặn, uống ít nước không phải là nguyên nhân chính gây ra tổn thương thận. Nhưng nó có thể gây ra tăng huyết áp, giữ muối và nước tăng huyết áp và gây ra những tổn thương cầu thận. Từ những tổn thương cầu thận cơ năng sẽ diễn biến thành thực thể và gây ra tổn thương thận sau này.
Uống ít nước hạn chế vận động có thể gây ra lắng động cặn gây ra sỏi thận về lâu dài không xử lý tốt sẽ gây ra những tổn thương về sau", bác sĩ Quốc nói.
Bệnh nhân tới khám ở giai đoạn cuối phải lọc máu chu kỳ.
Để phòng tránh bệnh thận nên uống đủ nước hàng ngày 1,5- 2 lít/ngày. Uống nhiều nước sẽ giảm được nguy cơ bị nhiễm trùng đường tiết niệu.
"Người ở mọi lứa tuổi đang khỏe mạnh cũng nên đi tầm soát bệnh thận 6 tháng/lần. Đặc biệt, là nhóm tuổi thanh niên dù đang khỏe mạnh", bác sĩ Quốc nói.
Với người có bệnh lý tăng huyết áp, đái tháo đường, sỏi thận thì cần phải lưu ý tầm soát bệnh thận theo chỉ định của bác sĩ điều trị.
Theo bác sĩ Quốc, để phát hiện ra bệnh thận sớm chỉ mất chỉ phí khoảng hơn 100.000đ để là xét nghiệm máu và phân tích nước tiểu. Ngoài ra, nên thực hiện siêu âm thận thông thường để đánh giá hình thái thận và tìm hiểu một số nguyên nhân như sỏi, u, nang hay tình trạng ứ nước.
Khi phát hiện ra những bất thường bác sĩ sẽ cho làm thêm các xét nghiệm chuyên sâu để đánh giá chức năng thận. Người được chẩn đoán suy thận nên đi khám chuyên khoa sâu về thận để được tư vấn cách điều trị kịp thời.
Bác sĩ Quốc cho hay, hiện nay, phương pháp điều trị suy thận tối ưu nhất là ghép thận thay thế. Tuy nhiên, nguồn thận hiến ghép cho bệnh nhân vẫn rất khan hiếm. Phương pháp thứ hai, bệnh nhân đang thực hiện khá phổ biến là chạy thận nhân tạo và phương pháp thứ 3 là lọc màng bụng.