Hàng triệu người Việt gặp nguy hiểm vì làm việc này, người lớn thường hay làm mỗi lần ra tiệm cắt tóc
Bác sĩ Nguyễn Phan Nguyên, Khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện (BV) Nhi đồng 1 (TP.HCM) cho biết, mỗi ngày số lượng bệnh đến khám vì những vấn đề liên quan này chiếm đến 5-10 ca.
Theo bác sĩ, ráy tai là cơ chế bảo vệ tự nhiên của cơ thể, giúp duy trì độ ẩm trong tai, ngăn ngừa vi khuẩn và vi nấm phát triển. Thói quen ráy tai khi tắm xong hay ra tiệm ráy tai đang góp phần phá hủy hàng rào bảo vệ này.
Lấy ráy tai không đúng cách nguy hiểm cho sức khỏe!
Bác sĩ Nguyễn Phan Nguyên, Khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện (BV) Nhi đồng 1 (TP.HCM) cho biết, mỗi ngày số lượng bệnh đến khám vì những vấn đề liên quan đến ráy tai chiếm đến 5-10 ca. Trong đó, mỗi ngày khoa phải điều trị đến 2-3 trường hợp bệnh nhi bị những vấn đề như rách da ống tai, nấm, nhiễm trùng, mưng mủ, thậm chí rách màng nhĩ vì cùng một lý do: Lấy ráy tai.
Bác sĩ Nguyễn Phan Nguyên, khoa Tai Mũi Họng, BV Nhi đồng 1 (TP.HCM).
Ráy tai bằng tăm bông sau khi tắm xong, cha mẹ đang hại con
Bác sĩ Nguyên cho biết, hiện nay việc ráy tai ở trẻ em rất được phụ huynh quan tâm, không chỉ ở trẻ lớn mà từ trẻ sơ sinh.
Vấn đề cần bàn là có nên lấy ráy tai thường xuyên cho trẻ, và có nên sử dụng thiết bị làm vệ sinh ống tai cho trẻ hay không.
Ráy tai nhìn chung thành phần là do những biểu bì trong lòng da ống tai tiết ra, sau đó do cơ chế tự nhiên sẽ từ từ vận chuyển ra ngoài ống tai. Biểu bì này sẽ quyện với chất tiết các tuyến bã, tuyến mồ hôi, tạo thành ráy tai ở đó.
Bác sĩ khám tai cho trẻ tại BV Nhi đồng 1 (TP.HCM).
"Về chức năng, ráy tai là cơ chế bảo vệ tự nhiên của cơ thể, lót bên trong lòng ống tai giúp duy trì độ ẩm trong tai, ngăn ngừa vi khuẩn và vi nấm phát triển. Việc nhiều bà mẹ mỗi ngày tắm xong thường lấy tăm bông ngoái vào tai con là thói quen không tốt, làm mất đi chức năng bảo vệ vốn có của ráy tay, thậm chí có thể làm tổn thương ống tai" - Bác sĩ Nguyên nói.
Tuy nhiên nói như vậy không có nghĩa là không bao giờ vệ sinh, ko lấy ráy tai. Theo bác sĩ, cần phải ráy tai khi có tình trạng bệnh lý. Bình thường khi ráy tai tích luỹ nhiều quá làm bít ống tai, sẽ có cơ chế tự đào thải ra ngoài ko cần can thiệp.
Phụ huynh chờ khám tai cho con.
Nhưng đối đối với một số trẻ có dị tật ở ống tai như ống tai quá nhỏ, ống tai bị gấp khúc, lông ống tai quá nhiều, trẻ đeo máy trợ thính, đeo tai phone quá nhiều... có thể làm tích luỹ ráy tai nhiều hơn, gây bít tắc hoàn toàn.
Một khi được chẩn đoán là nút ráy tai phải lấy ra là lúc bắt đầu triệu chứng viêm ống tai, tình trạng đau nhức, sưng, tiết dịch mủ.
Nếu không can thiệp kịp thời có thể dẫn đến hậu quả nặng hơn như gây điếc dẫn truyền, nghe kém, chóng mặt, ù tai… Khi đó bệnh nhân cần đến gặp bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng để khám, đánh giá, điều trị phù hợp.
"Phụ huynh không nên sử dụng cây tăm bông để lấy ráy tai, vì khi đó chỉ lấy chút xíu ráy tai bên ngoài nhưng lại mỗi ngày một ít đẩy sâu vào bên trong, gây ra nút ráy tai. Cha mẹ có thể quan sát tai trẻ, nếu thấy ráy tai nằm bên ngoài có thể dùng vải mềm lau cho cho con. Khi thấy tích luỹ nhiều quá nên đem đến bác sĩ để có xử trí phù hợp" - Bác sĩ đưa ra lời khuyên.
Với người thường xuyên đi bơi, nước sẽ làm rửa trôi lớp bảo vệ, thay đổi môi trường bên trong, tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển. Lúc này hầu hết mọi người lại có thói quen dùng tăm bông ráy tai làm trầy xước, tổn thương bề mặt niêm mạch ống tai.
Trong trường hợp này, bác sĩ khuyên người dân khi ướt tai nên nghiêng lỗ tai, cầm vành tai nhấc lên nhấc xuống tạo trọng lực chảy ra ngoài. Hoặc có thể dùng vải ẩm mềm lau bên ngoài, có thể dùng máy sấy tóc chế mức độ thấp, để xa rồi nhẹ nhàng làm khô, không ngoáy móc gì vào tai.
Nếu có tình trạng viêm tai thì đi gặp bác sĩ ngay và tạm dừng việc đi bơi lại.
Ra tiệm hớt tóc để ráy rai, thói quen sai lầm triệu người Việt mắc phải
Bác sĩ Nguyễn Tuấn Như, Trưởng khoa Tai Mũi Họng, BV Nhi đồng 1 chia sẻ thêm, nhiều trường hợp cha mẹ thường xuyên ngoáy tai cho con khiến đứa trẻ in vào hình ảnh đó vào đầu. Khi không có người lớn chúng sẽ tự động lấy ngoáy.
Với trẻ lớn khi gặp vấn đề chúng sẽ than đau tai, ngứa tai. Còn trẻ nhỏ không nói được sẽ quấy khóc và sốt nhẹ, lắc đầu, lấy tay đẩy tai. Nếu để chảy dịch mủ ra ngoài tức là tình trạng đã nặng hơn.
Bác sĩ Nguyễn Tuấn Như, Trưởng khoa Tai Mũi Họng, BV Nhi đồng 1 cho biết cơ thể có cơ chế tự đào thải ráy rai.
"Có 2 cơ chế tự động đào thải ráy tai. Một là trong ống tai có lông, lông có khuynh hướng đẩy chất tiết, chất bã ra ngoài. Cơ chế thứ hai là cơ học lúc nhai, nói, nuốt thì xương hàm có bộ phận nằm sát ống tai tạo ra chuyển động, giúp ráy tai đẩy ra bên ngoài. Sử dụng tăm bông để vệ sinh thì không nên làm sâu, chỉ làm bên ngoài để tạo cửa thoáng cho ráy tai bên trong đẩy ra" - Bác sĩ phân tích.
Bác sĩ Vũ Hải Bằng, Phó Trưởng khoa Khám bệnh, BV Tai Mũi Họng thì cảnh báo người dân không nên tự tiện ra tiệm ráy tai. Thứ nhất, người không có chuyên môn có thể gây trầy xước khi ráy tai, gây thủng màng nhĩ, tổn thương cơ quan tiền đình.
Ráy tai ở tiệm có thể lây lan nhiều bệnh nguy hiểm.
Dụng cụ ráy tai không giữ vệ sinh có thể gây nhiễm trùng, viêm nhiễm, vi nấm, nhiều khi lây nhiễm cả viêm gan siêu vi B, C, HIV…
Ngoài vấn đề chấn thương thì ráy tai có thể gây thay đổi, rối loạn môi trường ống tai.
"Đàn ông nghiện đi ráy tai, thậm chí còn đem con theo ra tiệm để ráy, vì khi lấy lớp biểu bì trong tai ra sẽ cảm giác đã. Tuy nhiên khi môi trường ống tai bị thay đổi thì sẽ gây ngứa lại. Một thói quen khác khi ra tiệm là được dùng cây lông vịt để quay quay. Dụng cụ này rất dơ, là ổ vi trùng, nguyên tắc sử dụng một lần rồi bỏ chứ không thể vệ sinh lại được. Người nhân viên khi làm cho một người thì đã có thể gây nấm mốc" - bác sĩ thông tin.
Người dân khi muốn kiểm tra bất thường trong tai nên đến BV.
Mỗi tháng, tại BV Tai Mũi Họng đều tiếp nhận nhiều trường hợp bệnh nhân đến khám vì đau tai. Hỏi ra mới biết, 1-2 ngày trước họ có đi hớt tóc và lấy ráy tai khiến ống tai ngoài bị đỏ, sưng, đau. Có trường hợp khởi phát đã bị viêm ống tai ngoài.
Bác sĩ cảnh báo người dân không bao giờ được tự ý lấy ráy tai. Nếu muốn kiểm tra thì phải đến cơ sở y tế.
Ngoài ra, người dân cũng cần chú ý khi sử dụng móc ráy tai tại nhà. Móc ráy tai phải là loại móc có đèn kiểm soát được động tác, để ra hướng sáng. Phụ huynh chỉ được thực hiện cho trẻ nếu quan sát thấy và trẻ chịu nằm yên hợp tác vì da ống tai trẻ rất mỏng và dễ tổn thương.
Bác sĩ cũng khuyên mọi người nên cân nhắc khi sử dụng máy làm vệ sinh tai, nhất là với trẻ nhỏ vì chúng không thể hiện được khi có vấn đề xảy ra.
"Phụ huynh không biết con mình ống tai ngắn dài thế nào, màng nhĩ gần hay ống tai gấp, hay là đang có tình trạng viêm tai bên trong hay không mà tự tiện dùng máy bơm rửa hút thì vô tình làm hại trẻ thêm" - bác sĩ cảnh báo.