Hàng nghìn người đổ về Lễ hội gò Đống Đa ngày mùng 5 Tết, tưởng nhớ chiến thắng vĩ đại trong lịch sử dân tộc
Cứ vào mùng 5 Tết hàng năm, người dân Hà Nội lại nô nức đổ về gò Đống Đa để tham dự lễ hội kỷ niệm chiến thắng vĩ đại trong lịch sử dân tộc và tưởng niệm tinh thần bất khuất của người "anh hùng áo vải" - vua Quang Trung.
Theo truyền thống, vào ngày mồng 5 Tết hàng năm, người dân lại hướng về gò Đống Đa, nơi không chỉ là địa danh lịch sử mà còn là không gian tưởng niệm, tri ân những anh hùng đã ngã xuống, qua đó tái hiện và truyền cảm hứng về một thời đại hào hùng, một niềm tự hào dân tộc mãnh liệt. Lễ hội gò Đống Đa năm 2024 do quận Đống Đa chủ trì diễn ra từ ngày 14/2 đến ngày 16/2 Dương lịch (tức từ ngày mùng 5 Tết đến mùng 7 Tết). Ngay từ sáng sớm, công tác chuẩn bị đã được thực hiện nghiêm ngặt, đảm bảo cho an ninh, trật tự, ngăn ngừa và kịp thời xử lý, không để xảy ra các hiện tượng trộm cắp, cờ bạc, mê tín dị đoan tại khu vực tổ chức lễ hội.
Chương trình lễ hội kỷ niệm 235 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa diễn ra trong 3 ngày từ mùng 5 Tết đến mùng 7 Tết. Ngay từ tờ mờ sáng mùng 5 Tết, trong khung giờ 6 giờ đến 8 giờ diễn ra lễ dâng hương, tế lễ của các đoàn lễ địa phương và lễ rước kiệu. Từ 8 giờ đến 8 giờ 30 sẽ đón tiếp đại biểu, khách quý và người dân. Tiếp đó là lễ dâng hoa, tuyên Chúc văn, thực hiện lễ dâng hương tưởng niệm Hoàng đế Quang Trung; trống hội chào mừng; chào cờ, tuyên bố lý do, giới thiệu đại biểu; diễn văn kỷ niệm; chương trình biểu diễn nghệ thuật "Màn sử thi" kỷ niệm 235 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa của Nhà hát tuồng Việt Nam; thi đấu biểu diễn cờ người; các đoàn tế lễ tiếp tục dâng hương;...
Trong tiết trời nắng ấm, khi bình minh ló rạng trên bầu trời, tiếng trống từ xa vang dội dậy lên không khí rộn ràng của xuân mới. Phần tế lễ được diễn ra long trọng, các bô lão của các làng tề tựu cùng con dân quận Đống Đa trong khói hương nghi ngút hòa quyện với sương sớm, nghi thức tưởng nhớ chiến công oanh liệt bắt đầu từ làng Khương Thượng. Tiếng trống trầm hùng vang lên 3 lần 9 tiếng cùng cờ Tiết Mao kiêu hãnh bay trong gió dẫn đầu đoàn rước thần, khởi đầu cho hành trình tôn vinh chiến thắng vẻ vang. Sau khi đám rước về đến gò Đống Đa sẽ tiến hành thực hiện lễ dâng hương. Bắt đầu đến phần hội, khi tiếng trống hội bắt đầu cất lên, người dân khắp nơi đổ về nghiêng mình tham dự lễ hội.
Trình diễn "Màn sử thi" kỷ niệm 235 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa được tái diễn hào hùng thu hút đông đảo người dân theo dõi với những tràng pháo tay không ngớt. Ngày hội thứ 2 vào mùng 6 Tết sẽ thực hiện các nghi lễ, dâng hương và các hoạt động tín ngưỡng truyền thống; tổ chức các trò chơi dân gian; chương trình văn nghệ "Hào khí Tây Sơn", "Giếng làng" có múa rối nước, hát quan họ, chầu văn, hát chèo, độc tấu nhạc cụ dân tộc,... Ngày thứ 3 vào mùng 7 Tết tiếp tục thực hiện dâng hương và các hoạt động tín ngưỡng truyền thống, tổ chức trò chơi dân gian, chường trình văn nghệ quần chúng, ca múa nhạc nghệ thuật mừng Đảng mừng Xuân chào mừng kỷ niệm 235 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa. Vào ngày khai hội, thời gian diễn ra từ 6 giờ đến 22 giờ, hai ngày còn lại diễn ra từ 7 giờ đến 22 giờ.
Màn trích đoạn lại quá trình dựng nước và đập tan hàng vạn quân xâm lược được tái hiện bởi những diễn viên của Nhà hát Tuồng Việt Nam. Đây là phần trình diễn mang đậm những nét văn hóa nghệ thuật dân gian đặc sắc tôn vinh tinh thần thượng võ và không khí hứng khởi cho năm mới.
Lễ hội gò Đống Đa không chỉ là điểm hẹn của người dân Thủ đô mà còn thu hút đông đảo du khách từ muôn phương đổ về, là một lễ hội truyền thống mang nét đẹp văn hóa tinh thần của người Việt. Khắp nơi tràn ngập sắc xuân, niềm vui và ánh mắt của mỗi người đều phản chiếu niềm tự hào của một dân tộc hào hùng. Đúng như những câu thơ rằng: " Mồng năm Tết, trận thắng to/Gió reo còn vẳng tiếng hò ba quân. Hằng năm giỗ trận tưng bừng/Nhớ ngày Chiến thắng vang lừng núi sông. Noi gương chiến đấu anh hùng/Quang Trung sống mãi trong lòng chúng ta!".