Phiên chợ đêm chỉ mở duy nhất 1 lần mỗi năm vào dịp Tết Nguyên đán, nơi người mua kẻ bán không cần mặc cả
Chợ Âm Dương (còn gọi là chợ Âm Phủ) là một chợ đặc biệt, theo quan niệm là nơi người chết và người sống có thể gặp nhau, họp tại một vài nơi trên cả nước, đặc biệt là ở Bắc Ninh.
Theo từ điển Bách khoa mở, chợ họp ở địa phận làng Ó, xã Võ Cường, thành phố Bắc Ninh. Tương truyền ngày xưa đó là bãi chiến trận và đã có rất nhiều người chết trong các cuộc giao tranh. Là chợ đặc biệt nên chợ Âm Dương chỉ họp duy nhất mỗi năm một lần vào đêm mùng 4 rạng sáng mùng 5 Tết Nguyên đán.
Theo quan niệm của người dân trong vùng, chợ Ó họp là cơ hội hiếm có cho người chết và người sống được gặp nhau. Chợ bắt đầu họp vào lúc "lên đèn" trên một bãi đất trống, cạnh một ngôi miếu có tiếng linh thiêng trong vùng. Đây là chợ mà không có lều quán, không sử dụng đèn nến để thắp sáng. Nhiều người đi chợ thường mang theo một con gà đen được chăm sóc cẩn thận trước đó để làm vật tế thần. Tuy không có lều quán nhưng trong chợ cũng có nhiều hàng mã, hương, nến, cau, trầu...
Chợ không phải là nơi mua may bán rủi như nhiều chợ nơi khác. Trong chợ người mua không ai mặc cả, người bán không đếm lại tiền người mua trả. Trong bóng đêm chỉ thấy bóng người đi lại và tiếng thì thào to nhỏ. Người ta hầu như không quan tâm nhiều đến việc "mua may bán rủi" như ở một số chợ khác.
Chợ họp là dịp để người cõi trần gặp người cõi âm. Ở đầu chợ, người ta đặt một chậu nước để thử tiền âm hay tiền dương. nếu đồng tiền đó nổi lên thì là tiền người âm còn chìm xuống là tiền của người dương Sáng hôm sau, có người xem trong túi đựng tiền của mình chỉ toàn là vỏ hến, lá dong... thậm chí có cả mẩu yếm sồi.
Ý nghĩa Những ai đi chợ đều vui vẻ, thoải mái, họ quan niệm rằng đó là dịp làm phúc, làm điều thiện với người đã chết. Cuộc sống tâm linh của họ sẽ thanh thản hơn.
Chợ tan khi còn đêm. Sau khi tan chợ, những người đi chợ lại mời nhau uống nước ăn trầu và hát quan họ Bắc Ninh.
Đây là một hình thức sinh hoạt văn hóa mang đậm màu sắc tín ngưỡng dân gian rất đặc trưng của vùng Kinh Bắc. Người ta quan niệm rằng, có như vậy thì việc làm ăn hay mùa vụ năm đó mới được thuận lợi.