Huyền sử Gò Đống Đa: Con số 13 bí ẩn và câu hỏi thế kỷ - gò đất tự nhiên hay "núi xương" chôn xác giặc ngoại xâm?

Vũ.,
Chia sẻ

Gò Đống Đa không chỉ là một di tích đánh dấu trang sử vẻ vang của dân tộc mà còn là một địa danh gắn liền với những câu chuyện nhuốm màu tâm linh nằm giữa trung tâm Hà Nội.

Sau trận thắng đi vào lịch sử Ngọc Hồi - Đống Đa mùa xuân năm Kỷ Dậu 1789 do vua Quang Trung lãnh đạo, người ta hay gọi đó là "mồ chôn tập thể" những thây xác quân Thanh thua trận. Những huyền sử liên quan Gò Đống Đa dấy lên cuộc tranh cãi lớn trong giới khoa học, liệu rằng đây có phải một ngôi mộ tập thể khổng lồ hay chỉ là một gò đất tự nhiên?

Vén màn huyền sử "Gò Đống Đa": Gò tự nhiên hay là "mồ chôn tập thể" thây xác tàn quân? - Ảnh 1.

Gò Đống Đa thời xưa

Gò Đống Đa được công nhận là Di tích Lịch sử - Văn hóa quốc gia năm 1962. Có diện tích hơn 6.000 m2, trên gò cũng từng thờ Trung Liệt miếu - nơi thờ những anh hùng lịch sử có công lớn với đất nước như Hoàng Diệu, Nguyễn Tri Phương... nhưng bây giờ chỉ còn lại dấu tích của dĩ vãng.

Hiện nay, Gò Đống Đa trở thành Công viên văn hóa Đống Đa có tổng diện tích lên tới 21.745 m2 bao gồm khu vực tượng đài Vua Quang Trung, nhà trưng bày và khu vực gò... Đi ngang qua, có lẽ trông Gò Đống Đa giống một dấu tích tiêu điều bị thời gian bào mòn đến xơ xác, nhưng bí ẩn thực sự lại nằm... trong lòng đất.

Chiến thắng Kỷ Dậu 1789 - Bản anh hùng ca còn ngân vang mãi

Ngược dòng về đêm mùng 4, rạng ngày mùng 5 Tết của 233 năm về trước, dưới sự chỉ huy uy vũ của vua Quang Trung, nghĩa quân Tây Sơn quật khởi đã đánh tan tác 20 vạn quân Thanh và khiến tướng Sầm Nghi Đống phải treo cổ tự tử ở núi Ốc (núi Loa Sơn), chính là gần Chùa Bộc hiện nay.

Vén màn huyền sử "Gò Đống Đa": Gò tự nhiên hay là "mồ chôn tập thể" thây xác tàn quân? - Ảnh 3.

Chiến thắng mùa xuân Kỷ Dậu 1789 đã trải thảm đỏ cho đại quân Tây Sơn mở đường, thừa thắng tiến về thành Thăng Long. Trong Loa Sơn điếu cổ, nhà thơ Ngô Ngọc Du đã ngợi ca chiến thắng oanh liệt, oai hùng đó qua câu thơ:

"Thánh nam xác giặc mười hai đống

Ngời sáng anh hùng đại võ công".

Hằng năm, cứ mỗi độ xuân về, vào ngày mùng 5 tháng Giêng, Lễ hội kỷ niệm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa được tổ chức để tưởng nhớ, tạc dạ công lao vĩ đại của người anh hùng áo vải Quang Trung - Nguyễn Huệ cùng các vị tướng lính anh dũng chiến đấu bảo vệ sự độc lập cho nước nhà.

Phần lễ hội được tổ chức hàng năm (Ảnh năm 2019, năm nay không tổ chức phần lễ hội)

Gò Đống Đa hiện tại và con số 13 huyền bí

Sử cũ có ghi, Gò Đống Đa xưa kia tọa lạc tại khu vực phía ngoài Kinh đô Thăng Long, thuộc làng Khương Thượng, huyện Quảng Đức, phủ Thuận Thiên. Nơi đây cũng là mảnh đất oai hùng chứng kiến và ghi tạc trận đại phá quân Thanh của vua Quang Trung vào đầu xuân Kỷ Dậu 1789.

Vén màn huyền sử "Gò Đống Đa": Gò tự nhiên hay là "mồ chôn tập thể" thây xác tàn quân? - Ảnh 2.

Gò Đống Đa trong bí sử có ghi là một trong những gò đất thuộc xứ Đống Đa. Các gò đống này được bồi đắp theo năm tháng, cây cối, cỏ dại mọc um tùm, chủ yếu là cây đa nên dân làng gọi đó là Gò Đống Đa. 

Tương truyền, sau trận đánh, nhà vua cho thu lượm, nhặt xác giặc vào 12 cái hố to rộng, lấp đất chôn và đắp cao thành gò. Gò ấy được gọi là gò chôn xác "kình nghê" (loại cá lớn hung tợn ngoài đại dương, ý chỉ quân xâm lược) - "Kình nghê quán".

Huyền sử kể lại rằng, 12 gò thây này nằm rải rác dọc từ làng Thịnh Quang đến làng Nam Đồng. Năm 1851, do đào đất xẻ thịt để mở đường, mở chợ, nhiều hài cốt được tìm thấy, thu lại đắp lại thành hố cao tựa vào núi Xưa, thành gò thứ 13. Gò này chính là gò còn lại hiện nay. Trong khi đó, 12 gò còn lại đã bị phá bỏ đi trong thời gian người Pháp cải tạo mở rộng Hà Nội năm 1890.

Liệu con số 13 này có liên quan gì đến việc vùng đất gò Đống Đa này luôn nhuốm màu buồn man mác và đậm chất linh thiêng như vậy?

Quan niệm dân gian cho rằng, con số 13 là số không may, mang đến nhiều vận xui rủi, chết chóc. Phải chăng gò thứ 13 còn lại này chính là dấu ấn cho những thây xác của quân Thanh bị vùi sâu dưới tầng tầng lớp lớp đất đá lạnh lẽo của năm tháng?

Con số 13 ở nhiều nơi trên thế giới được coi là một con số khiếp sợ, mang đến sự chết chóc và bất hạnh. Bởi vậy, người ta không thích dùng con số này. Không chỉ vậy, tổng của số 13 chính là con số 4, nếu như phương Tây có nỗi sợ với "thứ 6 ngày 13" thì người Á Đông lại có nhiều ám ảnh với số 4 (đọc gần âm với tử).

Tuy nhiên, ở mảnh đất Thăng Long, hội tụ linh khí, tinh khí đất trời, mọi con số đều mang ý nghĩa may mắn. Nếu như số 4 là biểu tượng của Thăng Long tứ trấn, thì gò đống thứ 13 tại Gò Đống Đa chính là nơi chôn thây, định kiếp của kẻ xâm lăng.

Gò đất tự nhiên hay mồ chôn tập thể?

Trải qua hàng thập kỷ với biết bao nhiêu cuộc tranh cãi trong giới sử học cũng như khoa học, cho tới tận bây giờ, vẫn chưa có một câu trả lời hiện hữu nào cho câu hỏi trên. Rất nhiều nghiên cứu, có người thậm chí dành thời gian cả đời để theo đuổi câu hỏi ấy, rằng Gò Đống Đa thực sự có phải một gò thây chôn vùi tàn tích quân xâm lược hung tàn, hay chỉ là gò đất tự nhiên được dân gian hóa thành huyền tích?

Theo thời gian, những lời truyền miệng xa xưa cứ thế nhuốm lên Gò Đống Đa một màu đen huyền bí.

Năm 2012, trong một nỗ lực vén màn bí ẩn Gò Đống Đa, thực nghiệm của Tiến sĩ Vũ Văn Bằng - nhà khoa học nổi tiếng với "tia đất" và Máy bức xạ từ tại đây đã gây chú ý lớn trong dư luận. Điều đáng nói, ông Bằng là nguyên Phó viện trưởng Viện Công nghệ Nước và Môi trường (thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam), ông không phải sử gia, không phải nhà khảo cổ học và cũng không có khả năng ngoại cảm tâm linh. 

Ông còn được nhiều người biết đến là nhà khoa học có đóng góp lớn trong việc tìm ra nguồn nước tại các địa điểm khô hạn cũng như tìm kiếm hài cốt liệt sĩ - bằng phương pháp khoa học (sử dụng "máy đo bức xạ từ"). Đồng thời là người sáng lập Công ty Nghiên cứu Môi trường Tia đất Bảo vệ sức khỏe.

Quá trình thực nghiệm thông qua các thiết bị máy móc và phương pháp chuyên biệt tại Gò Đống Đa, Tiến sĩ Bằng cho biết "Xạ khí" (chất khí phóng xạ) và "Địa từ" (từ trường Trái Đất) tại đây đều cao hơn mức bình thường. Đặc biệt, "Tia đất" (từ trường dị thường địa chất) đo được bằng "máy bức xạ từ" đã chỉ ra dấu vết về dòng sông, lạch cổ nằm sâu dưới gò lệch về phía Nam.

Chuyên gia Vũ Văn Bằng dùng máy đo đạc vật lý để khảo sát địa từ khu vực Gò Đống Đa.

Lòng sông cổ sâu gần 20m so với mặt đất, rộng gần 30m, chảy từ Tây sang Đông, tức là từ sau ra trước Gò Đống Đa. Về dị cốt của tàn quân, máy móc đã phát hiện có rất nhiều ở dưới và xung quanh Gò. Mật độ dày đặc, phủ đều từ trước ra sau gò, phía tượng đài vua Quang Trung và kéo dài cả vào khu dân cư.

Từ những dữ liệu nói trên, vị chuyên gia này cho rằng: "Gò Đống Đa là một nghĩa địa lớn, chôn vùi nhiều thây xác." Muốn đất lành thì phải xử lý tia đất để có thể "an cư, lạc nghiệp". 

Tuy nhiên, kết quả thực nghiệm của Tiến sĩ Vũ Văn Bằng không nhận được sự đồng thuận từ giới chuyên gia nghiên cứu lịch sử, trong đó có Nhà sử học nổi tiếng Giáo sư Lê Văn Lan. Trả lời báo chí, Giáo sư Lê Văn Lan khẳng định Gò Đống Đa là gò thiên tạo (gò tự nhiên - PV) chứ không phải "núi xương" như nhiều lời đồn đoán, dù đúng là dưới gò có hài cốt. 

Huyền sử Gò Đống Đa: Con số 13 bí ẩn và câu hỏi thế kỷ - gò đất tự nhiên hay mồ chôn tập thể giặc ngoại xâm? - Ảnh 7.

Giáo sư Lê Văn Lan

Thậm chí vị giáo sư sử học còn cho rằng không có chuyện vua Quang Trung cho đắp xác giặc thành 12 quả gò như nhiều tài liệu đã viết. Lý lẽ ông đưa ra là vua Quang Trung vốn được coi là "nhân tướng" trong lịch sử. "Chiếu phát phối hàng binh nội địa" do Ngô Thì Nhậm phụng thảo, vua Quang Trung đứng tên và cho ban hành đã thể hiện rất rõ lòng xót thương những người chết trận, sự nhân hậu đối với các hàng binh - Giáo sư Lan dẫn chứng.

Ngoài ra, Giáo sư Lan cũng chỉ ra bằng chứng cho thấy Gò Đống Đa được hình thành trước năm 1789 nằm trên tấm bia chùa Càn An (phía Bắc Gò Đống Đa, xây dựng năm 1621). Trên bia ghi: "Trước mặt có ngọn núi đất (thổ sơn) ở về phía Nam". Theo vị giáo sư, thổ sơn này chính là ám chỉ Gò Đống Đa. Việc Gò Đống Đa có trước thời điểm trận đánh đuổi quân Thanh khẳng định thêm nhận định nó là gò thiên tạo. Lý giải thêm về những hài cốt phát lộ dưới chân gò, Giáo sư Lê Văn Lan cho rằng 12 gò hài cốt quân Thanh là do Tổng đốc Đặng Văn Hòa, vào thời Thiệu Trị (1840-1847) - sau thời Quang Trung cả nửa thế kỷ - đã cho gom đắp nên.

Còn theo bản đồ địa hình khu vực Hà Nội năm 1926 của người Pháp, khu di tích đàn Xã Tắc nằm trên một dải địa hình cao hơn xung quanh có hướng chủ đạo gần Tây Bắc - Đông Nam. Kết hợp đặc điểm trầm tích của tầng đất nâu, nâu gụ nằm sát dưới di tích được xác định tuổi Holoxen muộn có nguồn gốc thành tạo do sông, có thể xác định đàn tế Xã Tắc được người xưa xây dựng trên một gò tự nhiên mà gò này còn sót lại của bãi bồi cao được thành tạo khoảng 4.000 năm trước đây; trường hợp Gò Đống Đa cũng như vậy.

Huyền sử Gò Đống Đa: Con số 13 bí ẩn và câu hỏi thế kỷ - gò đất tự nhiên hay mồ chôn tập thể giặc ngoại xâm? - Ảnh 8.

Dẫu vậy, huyền sử thì vẫn mãi lưu truyền theo cách của riêng nó. Và với mỗi người, chắc chắn chưa ai có một câu trả lời thực sự thỏa đáng. Giả như kết quả thực nghiệm của Tiến sĩ Vũ Văn Bằng là có căn cứ, thì nó cũng làm huy hoàng hơn nữa chiến công hiển hách, lẫy lừng của dân tộc ta trong công cuộc bảo vệ bờ cõi nước nhà.

Hiện nay, hoạt động của di tích này không có nhiều đặc biệt, khá đơn điệu, chỉ thấy nhiều người vào đi dạo, tập thể dục. Trên thực tế, khá khó để làm bật lên được cho du khách hiểu rõ về di tích. Tuy nhiên, những trang sử hào hùng, những giá trị từ quá khứ vẫn luôn vọng về trong mỗi người con dân đất Việt. Và để thấu rõ hơn rằng, nơi đây không chỉ mang nặng giá trị lịch sử mà còn mang hơi thở tâm linh, nhân chứng cho nền độc lập nước nhà, minh chứng cho tình yêu nước và trân trọng giá trị cha ông ta đã để lại.