Cách phòng bệnh sốt xuất huyết khi thời tiết vẫn liên tục nắng nóng kèm mưa nhiều

TT,
Chia sẻ

Thời tiết nắng nóng, kèm theo mưa nhiều tạo điều kiện cho muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết phát triển và gây bệnh. Người dân cần biết cách phòng bệnh sốt xuất huyết để tránh những biến chứng nguy hiểm.

Theo thông tin của Sở Y tế Hà Nội, tính từ đầu năm đến nay, Hà Nội có 185 ca sốt xuất huyết (tăng hơn 2,2 lần so với cùng kỳ năm 2018).

PGS.TS Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, khuyến cáo, dù các dịch bệnh này vẫn trong tầm kiểm soát nhưng thời tiết nắng nóng, kèm theo mưa nhiều là điều kiện thuận lợi cho muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết phát triển và gây bệnh. Tỷ lệ mắc SXH cao sẽ tập trung ở các khu vực mật độ dân cư đông, các khu lao động, khu công nhân và sinh viên thuê trọ. Vì vậy, phòng chống sốt xuất huyết vẫn là một trong những nhiệm vụ quan trọng tại các địa phương.

Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có thể gây thành dịch do virus dengue gây ra. Bệnh lây lan do muỗi vằn đốt người bệnh nhiễm virus sau đó truyền bệnh cho người lành qua vết đốt. Hai loại muỗi vằn truyền bệnh có tên khoa học là Aedes aegypti và Aedes albopictus, trong đó chủ yếu là do Aedes aegypti. Bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vắc-xin phòng bệnh.

Cách phòng bệnh sốt xuất huyết khi thời tiết vẫn liên tục nắng nóng kèm mưa nhiều - Ảnh 1.

Các biến chứng của sốt xuất huyết

Khi bị sốt xuất huyết người bệnh thường sốt cao 39-40 độ C kéo dài 2-7 ngày, khó hạ sốt và có thêm các triệu chứng như khó chịu vật vã, xuất huyết dưới da hoặc niêm mạc... Khi bị sốt xuất huyết cần phải theo dõi người bệnh sát sao, không được lơ là chủ quan. Người bệnh có thể trở nên nặng hơn và sốc, nguy cơ tử vong cao nếu không chữa trị kịp thời. Một số dấu hiệu nặng của bệnh bao gồm:

- Nôn nhiều

- Đau bụng

- Chân tay lạnh

- Tím tái

- Vã mồ hôi

- Chảy máu mũi

- Chảy máu chân răng...

Trong các biến chứng do sốt xuất huyết thì nặng nhất là tràn dịch màng phổi, máu đọng trong thận. Hai biến chứng này rất nguy hiểm và có thể ảnh hưởng đến tính mạng hoặc để lại những hậu quả nặng nề sau này cho người bệnh.

Một biến chứng thường gặp nữa là tổn thương một số cơ quan nội tạng như suy gan, não, suy hô hấp, thận. Đặc biệt, những bệnh nhân đã có những bệnh nền như suy thận, suy gan do rượu... mà bị sốt xuất huyết thì sẽ rất nguy hiểm đến tính mạng.

Đối với bệnh nhân xuất huyết nặng, biến chứng tiểu cầu giảm là tình trạng rất nguy hiểm. Nếu đã bị giảm tiểu cầu, bệnh nhân không được truyền kịp thời có thể dẫn đến xuất huyết não, dễ tử vong.

Cách phòng bệnh sốt xuất huyết khi thời tiết vẫn liên tục nắng nóng kèm mưa nhiều - Ảnh 2.

Hai Bà Trưng phun thuốc diệt muỗi tại điểm có nguy cơ cao về sốt xuất huyết. (MT)

Cách phòng bệnh sốt xuất huyết

Cách phòng bệnh sốt xuất huyết tốt nhất là:

- Diệt muỗi, lăng quăng/bọ gậy và phòng chống muỗi đốt.

- Loại bỏ nơi sinh sản của muỗi, diệt lăng quăng/bọ gậy như: Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng, thau rửa các dụng cụ chức nước vừa và nhỏ (lu, khạp…) hàng tuần, thu gom, hủy các vật dụng phế thải trong nhà và xung quanh nhà như chai, lọ, mảnh chai, mảnh lu vỡ, ống bơ, vỏ dừa, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá..., dọn vệ sinh môi trường, lật úp các dụng cụ chứa nước khi không dùng đến.

- Phòng chống muỗi đốt bằng cách: Ngủ trong màn/mùng kể cả ban ngày, dùng bình xịt diệt muỗi, hương muỗi, kem xua muỗi, vợt điện diệt muỗi.

- Tích cực phối hợp với chính quyền địa phương và ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng chống dịch.

Chia sẻ