Giới chuyên gia khẳng định: Uống rượu không giúp ngăn chặn được Covid-19 mà sẽ làm giảm khả năng miễn dịch của cơ thể
Dữ liệu gần đây từ nhiều nguồn khác nhau cho thấy doanh số bán rượu tăng đột biến trong đại dịch Covid-19. Chưa kể cũng có tin đồn uống rượu giúp diệt trừ virus gây bệnh Covid-19...
WHO, CDC... đồng loạt khẳng định uống rượu có thể làm suy giảm miễn dịch trong mùa dịch Covid-19
Giãn cách xã hội vẫn là câu chuyện diễn ra ở nhiều nước trên thế giới hiện nay vì đại dịch Covid-19 vẫn chưa đến hồi kết thúc. Các nhà hàng, quán bar tiếp tục đóng cửa và các khuyến cáo người dân cần hạn chế tối đa ra khỏi nhà vẫn tiếp tục được chính phủ đề cập. Mặc dù vậy, điều này không ngăn được những hoạt động trong cuộc sống hàng ngày của người Mỹ, điển hình trong số đó là việc uống rượu.
Dữ liệu gần đây từ nhiều nguồn khác nhau cho thấy doanh số bán rượu tăng đột biến trong đại dịch Covid-19. Một khảo sát từ Alcohol.org cho thấy hơn 1 trong 3 người Mỹ cho biết họ có khả năng uống nhiều hơn trong thời gian cách ly xã hội. Nghiên cứu thị trường từ Nielsen đã thấy doanh số bán rượu ở Mỹ đã tăng 55% trong tuần giãn cách xã hội đầu tiên, bắt đầu từ ngày 21/3.
Đối với nhiều người, việc tăng doanh số bán rượu có thể là kết quả đơn giản của việc dành nhiều thời gian ở nhà hơn.
Mặc dù vậy, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vẫn lên tiếng nhắc nhở mọi người rằng, việc uống rượu không đem lại bất cứ lợi ích nào để phòng tránh lây nhiễm cũng như chữa bệnh Covid-19, nếu uống phải các sản phẩm rượu khác với rượu ethyl (ethanol) thì cực kỳ nguy hiểm.
WHO nhận định "rượu có tác động, cả ngắn hạn và dài hạn, trên hầu hết mọi cơ quan của cơ thể bạn" và bằng chứng cho thấy "không có giới hạn an toàn" khi uống rượu, thêm vào đó là "sử dụng rượu, đặc biệt là sử dụng nhiều sẽ làm suy yếu hệ thống miễn dịch và do đó làm giảm khả năng đối phó với các bệnh truyền nhiễm". WHO cũng giải thích rằng sử dụng rượu bia nhiều cũng làm tăng nguy cơ mắc hội chứng suy hô hấp cấp tính (ARDS), một trong những biến chứng nặng hơn của bệnh Covid-19. Uống rượu cũng tạo điều kiện cho nhiều bệnh tật khác hình thành và phát triển.
"Đồ uống có cồn không bảo vệ bạn khỏi nguy cơ bị nhiễm Covid-19. Bạn nên hạn chế tối đa việc uống rượu, bia để bảo vệ sức khỏe", WHO thông báo rõ. Tổ chức này cũng khuyến cáo những người không uống được rượu, bia không nên tập uống để ngăn ngừa Covid-19 vì biện pháp này không có tác dụng.
Theo CDC, uống quá nhiều rượu (được định nghĩa là 8 ly trở nên đối với nữ, 15 ly trở lên đối với nam trong một tuần) và uống say (4 ly cho mỗi lần ngồi uống với nữ, 5 ly với nam) sẽ làm suy yếu hệ thống miễn dịch.
"Rượu không có tác dụng làm sạch bên trong cơ thể, nhưng nó có tác dụng phụ mạnh có thể thay đổi nhiều chức năng của cơ thể, khiến cơ thể không hoạt động đúng cách. Trên thực tế, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng uống đồ uống có cồn có hậu quả tiêu cực đối với sức khỏe và có thể ức chế hệ thống miễn dịch", TS Ellen F. Foxman (nhà nghiên cứu virus học lâm sàng tại Trường Y Yale), nói với Health.
Một số nghiên cứu trong một bài báo đánh giá nghiên cứu năm 2015 trên tạp chí Alcohol Research cho biết: "Các bác sĩ lâm sàng từ lâu đã quan sát thấy mối liên quan giữa việc sử dụng rượu quá mức và các tác động liên quan đến miễn dịch như mẫn cảm với viêm phổi". Các nhà nghiên cứu cũng lưu ý rằng những tác động liên quan đến miễn dịch gần đây đã "được mở rộng đến khả năng gây ra nhiều bệnh hơn ngoài chuyện làm phức tạp nhiều vấn đề sức khỏe khác. Theo đó, rượu làm gián đoạn các con đường miễn dịch theo những cách phức tạp và có vẻ nghịch lý", bao gồm làm suy yếu khả năng của cơ thể để chống lại nhiễm trùng.
Một nghiên cứu khác năm 2015 được công bố trên tạp chí Alcohol cũng cho thấy, nhiễm độc rượu bia có thể làm giảm số lượng bạch cầu chống lại virus, vi khuẩn và các bệnh nhiễm trùng khác trong cơ thể bạn trong tối đa 5 giờ, cuối cùng làm suy yếu hệ thống miễn dịch.
Nói về thông tin được đồn thổi uống rượu giúp ngăn chặn Covid-19, PGS.TS Trần Hồng Côn (khoa Hóa, Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN) khẳng định, đây là tin hoang đường, không có căn cứ. Xuất phát từ nguyên nhân rượu cũng chính là một chất diệt trùng, có thể tiêu diệt virus, vi khuẩn, nhiều người nghĩ rằng uống nhiều rượu có thể tiêu diệt virus SARS-CoV-2 cũng như tạo cho mình bức tường ngăn cách khả năng lây nhiễm Covid-19.
"Virus gây bệnh Covid-19 xâm nhập vào hệ thống hô hấp, làm suy yếu hệ thống. Trong khi uống rượu thì nồng độ cồn đi thẳng vào dạ dày, đến các cơ quan, không có tác dụng tiêu diệt virus, vi khuẩn như nhiều người nghĩ. Uống rượu nhiều còn làm suy yếu hệ thống miễn dịch, làm tăng nguy cơ mắc nhiều bệnh khác ngay trong mùa dịch Covid-19", chuyên gia khẳng định.
Uống rượu vừa phải thì sao? Điều này có ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch hay không?
Theo CDC, điều quan trọng nhất bạn cần nhớ là uống rượu vừa phải. Điều này được định nghĩa là một ly mỗi ngày đối với nữ, 2 ly mỗi ngày đối với nam. Vượt quá số lượng này được coi là nguy hiểm. BS Purvi Parikh (một bác sĩ chuyên dị ứng và bệnh truyền nhiễm với Mạng lưới Dị ứng và Hen suyễn tại NYU Langone Health) khẳng định hạn chế uống rượu "càng nhiều càng tốt".
Bởi lẽ, ngay cả khi uống rượu vừa phải cũng không hề an toàn cho một số người. Theo Hướng dẫn chế độ ăn uống của Hoa Kỳ, nhiều người vẫn không nên uống rượu, kể cả những người dùng thuốc không kê đơn hoặc thuốc theo toa hoặc những người có bệnh trạng nhất định, những người đang phục hồi nghiện rượu hoặc không thể kiểm soát số lượng họ uống và bất cứ ai dưới 21 tuổi.
Các hướng dẫn cũng nói rằng không có mức tiêu thụ rượu an toàn cho phụ nữ mang thai và những người đang cho con bú nên tham khảo ý kiến bác sĩ. Tiến sĩ Parikh cho biết thêm, rượu có thể làm trầm trọng thêm bất kỳ rối loạn mãn tính nào, chẳng hạn như bệnh tim, huyết áp cao và hen suyễn - những chứng bệnh khiến bạn dễ nhiễm Covid-19 cũng như dễ bị nặng hơn các đối tượng khác.
Nhìn chung, có vẻ như thỉnh thoảng uống một ly rượu hay một ly cocktail sẽ không gây ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch của bạn nhưng nếu quá chén sẽ cực nguy hiểm, đặc biệt nên tránh ngay vào thời điểm dịch Covid-19 đang có diễn biến phức tạp mỗi ngày.