Giấu thân thế để đồng nghiệp không biết mình là “con ông cháu cha” và cái kết không ngờ của hai chàng công sở

Louis,
Chia sẻ

"Có lúc mọi thứ không như những gì ta muốn bởi thế giới này vận hành theo cái cách luôn ghì ta xuống" - Đen Vâu.

"Con ông cháu cha" chính là cụm từ mà dân công sở khó tránh khỏi cảm giác ngán ngẩm mỗi khi có dịp nghe tới; bởi lẽ, những cá nhân thuộc dạng này thường là những thành phần vô cùng khó trị nơi công sở. Đối với những người ngoài cuộc là vậy, tuy nhiên, nếu chính bản thân là một "con ông cháu cha" thực thụ và đang có ý định vào công ty gia đình để làm, chắc hẳn chúng ta cũng sẽ có những cảm xúc đan xen.

Nên thẳng thắn vỗ ngực ta đây là "quý tử" hay thầm lặng làm "chân nhân bất lộ tướng" chính là thứ khiến các "con ông cháu cha" cân nhắc. Mỗi lựa chọn đều mang đến những kết quả nhất định. Đơn cử, vừa mới đây, trong một hội nhóm trên mạng xã hội, một thành viên nữ đã có dịp chia sẻ câu chuyện về hai cậu bạn là "con ông cháu cha" trong công ty nhưng không muốn mọi người biết. Cụ thể, cô kể:

Giấu thân thế để đồng nghiệp không biết mình là “con ông cháu cha”, hai chàng công sở nhận cái kết không ngờ - Ảnh 1.

"Thanh niên A sau khi tốt nghiệp chuyên ngành thiết kế thì vào làm mảng PR cho công ty của mẹ. Thanh niên hơi bị lậm mấy phim anh hùng giấu mặt cho nên trước hôm đi làm đã dặn mẹ đừng cho ai biết mình là mẹ con.

Quả nhiên, với thân thế 1 thằng "khố rách áo ôm" lơ ngơ mới đi làm, thanh niên rất hay bị dí "làm nốt hộ" việc của mấy tiền bối trong phòng. Thanh niên cay cú vì còn trẻ, muốn đi chơi, còn chưa có gấu, tối thanh niên còn phải về sớm cho chó ăn.

Ở công ty, thanh niên gọi mẹ là "chị" nên đôi lúc hay lỗi mồm gọi mẹ xưng em, gọi chị xưng con. Tháng trước thanh niên vừa đổi chỗ làm vì quá tù. Mẹ của thanh niên đứng dựa cửa cười khẩy: "Tưởng mày thế nào, đi đâu cũng thế thôi con ạ!".

Mẹ nói chỉ có chuẩn, vẫn có người "nhờ" thanh niên làm, nhưng giờ thanh niên khôn ra, vẫn làm, sau đó ra "nhờ" lại việc nặng gấp đôi. Kể từ đấy, không ai nhờ vả gì thanh niên nữa. Cả 2 công ty vẫn chả ai biết thanh niên là cậu ấm của công ty bự.

Giấu thân thế để đồng nghiệp không biết mình là “con ông cháu cha”, hai chàng công sở nhận cái kết không ngờ - Ảnh 2.

Thanh niên B, tài sản gia đình cứ phải tính bằng triệu đô. Nhà thanh niên có công ty về du lịch nhưng thanh niên lại khoái học kiến trúc. Năm cuối đại học, thanh niên bịn rịn chia tay cả lớp, bảo là tạm biệt các bạn, sang Mỹ định cư, đời này chắc chỉ về dịp Tết.

2 tháng sau, thiếu nữ kể chuyện nhận được điện thoại của thanh niên rủ ra cà phê. Hỏi về chơi dịp gì thì thanh niên bẽn lẽn: "Sang đấy tao không hiểu chúng nó nói gì nên về".

Do ngành kiến trúc thanh niên cũng học quá kém nên thanh niên đành về công ty nhà làm sales. Chẳng bao lâu thanh niên nghỉ việc, quyết định đi du lịch châu Âu cho khuây khỏa. Ở phòng Tổng giám đốc, có 1 bác già nọ đang đưa tay xoa ngực thở phào vì không ai biết thằng ấy là con mình.

2 câu chuyện trên có ý nghĩa gì?

- Khi có ai đắc tội với bạn, bố mẹ bạn sẽ không hy sinh mối làm ăn để đánh sập công ty kia trả thù cho bạn như bạn vẫn tưởng đâu.

- Khi bạn một mực muốn giấu thân thế để thể hiện năng lực thì chứng tỏ bạn bị dở hơi".

Giấu thân thế để đồng nghiệp không biết mình là “con ông cháu cha”, hai chàng công sở nhận cái kết không ngờ - Ảnh 3.

Ngay sau khi được đăng tải, câu chuyện này đã nhanh chóng thu được sự chú ý bởi đề tài vô cùng hấp dẫn cũng như góc độ của nhân vật trong câu chuyện cũng khá mới mẻ, mang đến những cảm xúc vô cùng thú vị cho người đọc. Rất nhiều ý kiến đóng góp đã được để lại bên dưới phần bình luận:

"Thật sự là "con ông cháu cha" trong môi trường công sở có một quyền lực vô cùng to lớn, kiểu như được mua bảo hiểm 100% ấy. Tuy nhiên, làm cho người ta sợ và ghét mình thì dễ chứ làm cho quần hùng nể phục mới thực sự khó khăn đấy".

"Người dở hơi là bạn đấy cô gái ạ. Hay ho gì ba cái chuyện đó mà cứ xúi người ta khoe ra. Rồi trước mặt đồng nghiệp giả vờ vui vẻ, sau lưng họ lại đề cao cảnh giác, xa cách vì lo ngại. Làm vậy tưởng là hay lắm".

"Cái kết luận 1 nghe có vẻ hợp lý nhưng cái kết luận 2 thì xàm không thể tả được. Nó thể hiện sự non kém cũng như trẻ trâu của người nhìn nhận. Thân ái".

Chẳng ai có thể cấm việc "con ông cháu cha" vào công ty của người thân làm việc. Việc lựa chọn phương án giấu mình hay công khai vốn nằm ở quyết định của mỗi người, miễn sao bản thân họ cảm thấy thoải mái với công việc mình làm.

Cậy thế để kiêu căng hay ép buộc người khác chưa bao giờ là một cách hay và năng lực được mọi người công nhận mới là thứ năng lực giá trị. Xin phép trích lời bình luận của 1 cư dân mạng để kết lại bài viết này "làm cho người ta sợ và ghét mình thì dễ chứ làm cho quần hùng nể phục mới thực sự khó khăn đấy".

Chia sẻ