Giám đốc BV K lý giải vì sao ung thư ở Việt Nam tăng nhanh
Trong gần 20 năm qua, số bệnh nhân mắc mới ung thư của Việt Nam đã tăng gấp 2,5 lần, dự kiến sẽ tăng lên 200.000 ca vào năm 2020.
Tại Hội thảo phòng chống ung thư quốc gia đang diễn ra tại Hà Nội (18-19/7), Thứ trưởng Y tế Nguyễn Viết Tiến cho biết, ung thư đang trở thành gánh nặng lớn cho xã hội.
Tại Việt Nam, số ca mắc mới ung thư tăng nhanh từ 68.000 người năm 2000 lên 126.000 ca năm 2010 và đạt gần 165.000 người vào năm 2018. Dự báo con số này sẽ vượt 200.000 ca vào năm 2020.
Theo Thứ trưởng Tiến, nhìn tổng quan trên bản đồ ung thư thế giới, tỉ lệ mắc mới ung thư của Việt Nam không phải cao nhất, xếp 99/186 quốc gia, vùng lãnh thổ nhưng tỉ lệ tử vong tương đối lớn, xếp vị trí 56/185 quốc gia và vùng lãnh thổ với tỉ lệ 104,4/100.000 dân (năm 2010, tỉ lệ này là 110/100.000 dân).
Thứ trưởng Y tế Nguyễn Viết Tiến cho biết, đến năm 2020, số ca mắc mới ung thư tại Việt Nam có thể vượt trên 200.000 ca
“Đây là điều rất đáng suy ngẫm vì hiện tại các kĩ thuật của nước mình tuy chưa phải đứng đầu thế giới nhưng đã bắt nhịp, theo sát với thế giới, kiến thức, trang thiết bị có. Điều cần quan tâm nhất là người dân thường phát hiện muộn, có trường hợp phát hiện sớm nhưng nấn ná điều trị chỉ vào viện khi đã muộn dẫn tới tỉ lệ tử vong cao”, Thứ trưởng Tiến tâm tư.
Do đó, chúng ta cần phải quan tâm đúng mức, đẩy mạnh công tác phòng chống ung thư, từ nâng cao nhận thức của cộng đồng về phòng chống và phát hiện sớm ung thư, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, nâng cao năng lực chẩn đoán và điều trị, giảm tỉ lệ tử vong và nâng cao chất lượng sống cho bệnh nhân ung thư.
Bên lề hội nghị, giải thích nguyên nhân khiến số ca mắc ung thư tại Việt Nam không ngừng tăng, GS Trần Văn Thuấn, Giám đốc BV K chỉ ra 4 nguyên nhân:
Thứ nhất, do tuổi thọ người Việt không ngừng tăng, hiện đã đạt 73,5 tuổi. Tuổi càng cao, tỉ lệ mắc ung thư càng lớn.
Thứ hai, do nhận thức của người dân tốt hơn nhờ truyền thông nên người dân đi khám sức khoẻ định kỳ nhiều hơn, từ đó phát hiện bệnh nhiều hơn.
Thứ ba, do những tiến bộ y học, kĩ thuật chẩn đoán tốt hơn nên tỉ lệ phát hiện bệnh cao hơn.
Thứ tư, nguyên nhân gây ung thư chỉ có 10% do rối loạn nội tiết, tổn thương có tính di truyền bên trong cơ thể, còn lại 80% do các tác nhân không lành mạnh bên ngoài như liên quan đến hút thuốc, rượu bia, chế độ ăn uống, rèn luyện thể thao...
“Trong đó riêng thuốc lá là nguyên nhân gây ra 30% các bệnh ung thư như ung thư phổi, thanh quản, thực quản, khoang miệng, vú, dạ dày, cổ tử cung...”, GS Thuấn chia sẻ. Hiện Việt Nam nằm trong top 15 nước có người hút thuốc lá nhiều nhất thế giới.
GS Trần Văn Thuấn
Ngoài ra chế độ ăn uống không hợp lý, ô nhiễm thực phẩm chiếm khoảng 35% nguyên nhân như ăn nhiều thịt, ít rau làm tăng nguy cơ mắc ung thư đại trực tràng, ăn các thực phẩm bị nấm mốc làm tăng nguy cơ ung thư gan, dạ dày...
Ngoài ra còn các yếu tố do vi khuẩn, virus, ô nhiễm môi trường, tia phóng xạ...
Dù vậy, Giám đốc BV K nhấn mạnh, tỉ lệ mắc mới ung thư của Việt Nam có tăng nhưng hiện chỉ nằm trong nhóm trung bình của thế giới.
Về nguyên nhân tỉ lệ tử vong do ung thư ở Việt Nam lớn, GS Thuấn cho biết, có tới hơn 70% bệnh nhân ung thư đến BV điều trị ở giai đoạn muộn nên điều trị rất khó khăn, riêng ung thư gan, ung thư phổi, tỉ lệ điều trị ở giai đoạn muộn lên tới 80 – 90%.
“Trong khi nếu được phát hiện ở giai đoạn sớm, rất nhiều ung thư có tỉ lệ chữa khỏi lên tới 95 – 99%. Ngay như ung thư vú, hiện tỉ lệ chữa khỏi tại Việt Nam cũng đã đạt 75%, tương đương với thế giới”, GS Thuấn thông tin.
Để giảm tỉ lệ tử vong do ung thư, GS Thuấn nhấn mạnh, người dân cần có thói quen khám sức khoẻ định kỳ để phát hiện sớm ung thư, đây là điều kiện tiên quyết để giảm tỉ lệ tử vong do ung thư. Với các trường hợp gia đình có tiền sử người thân mắc ung thư vú, ung thư đại tràng... cần đi tầm soát ung thư sớm hơn.
Để ngừa ung thư, người dân cần ăn uống và sinh hoạt khoa học, tập thể dục đều đặn, tránh hút thuốc, uống rượu bia...