Cận cảnh quy trình sản xuất và giá bán cốm - thức quà tao nhã đặc trưng của mùa thu Hà Nội
Những ngày này, khi tiết trời đang dịu mát hơn, tiếng chày và mùi cốm tươi lại rõ mồn một ở con đường dẫn vào Làng Vòng. Người Hà Nội không hẹn mà gặp đều cùng nhau ghé Làng cốm Vòng để mua chút quà thu đặc sản nức tiếng của người Hà Nội với giá thành và chất lượng cạnh tranh nhất trên thị trường hiện nay.
Công đoạn rang khô cốm thành phẩm trong khâu sản xuất cốm Làng Vòng nức tiếng của người Hà Nội. Video: Tùng Đinh.
Cốm xanh là tặng vật của đất trời, là hương hồn của 36 phố phường Hà Nội. Không chỉ là thức quà giàu dinh dưỡng, cốm xanh còn được lòng nhiều người tiêu dùng Việt vì giá thành phải chăng và công dụng đa dạng của mình. Nhắc đến món cốm tại Hà Nội, người ta không thể nào không nhắc tới thương hiệu cốm Làng Vòng đã nổi tiếng gần xa.
Con phố nhỏ với những gia đình vẫn còn sản xuất cốm theo công đoạn thủ công với những phương pháp truyền thống được cha ông ta truyền lại vào mùa tấp nập lên trông thấy. Ghé đến nhà bà Xuân, một trong những thương hiệu cốm Làng Vòng nổi tiếng được nhiều người tiêu dùng tin tưởng, nhiều người mới hiểu được tại sao người ta lại lựa chọn cốm ở đây thay vì các địa chỉ online nhan nhản bán trên mạng.
Làng Vòng trước đây bây giờ thuộc phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy.
Hiện nay, trong làng chỉ còn vài gia đình còn làm cốm đủ quy trình từ đầu đến cuối, còn lại chủ yếu lấy cốm sơ chế từ địa phương khác về làm.
Các công đoạn chế biến cốm bao gồm gặt, rang, xay, giã, sàng.
Người tiêu dùng nào sành sỏi đều biết, cốm Làng Vòng có thể tìm mua được quanh năm nhưng muốn ăn cốm tươi, ngon nhất thì vẫn phải chờ tới mùa Thu. Chị Thực con dâu bà Xuân cho biết, vào mùa làm cốm, hàng ngày công việc của gia đình chị thường bắt đầu từ 4h sáng khi đi cắt lúa nếp non ngoài đồng và kết thúc vào lúc 11h đêm. Sau khi gặt về, lúa non được rang, xay xát rồi đem vào giã, sàng sảy phân loại. Riêng công đoạn giã và sàng sảy phải thực hiện 3-5 lần mới đảm bảo được chất lượng cốm thành phẩm.
Bên trong khu vực giã và sàng sảy cốm của nhà bà Xuân, các công đoạn vẫn in dấu nét truyền thống đậm đà mà cha ông ta truyền lại.
Chị Nguyễn Thị Thực, con dâu bà Xuân cho biết do làm đủ quy trình khá vất vả nên bây giờ nhiều gia đình trong Làng không làm nữa.
Sau khi giã, cốm được sàng sảy nhiều lần để phân loại.
Gia đình chị Thực đã làm cốm nhiều đời, từ khi Làng Vòng bắt đầu có nghề này. Đến nay, mặc dù nhiều gia đình khác ở địa phương đã chuyển nghề nhưng nhà chị vẫn tiếp tục truyền thống làm cốm. Nhờ giữ được uy tín, chất lượng nên nhiều người tiêu dùng tin tưởng và thường ghé tới địa chỉ nhà chị mua cốm về để ăn hoặc làm quà biếu.
Các loại cốm cứng, mềm, nhẹ, nặng được phân loại trong quá trình sàng sảy này.
Ngoài ra, để phục vụ nhu cầu của khách hàng ở xa và bảo quản thời gian dài, các gia đình cũng rang khô cốm thành phẩm.
Theo tìm hiểu, có những ngày nhà bà Xuân bán được 3-4 tạ cốm, trong đó có cả bán lẻ nhưng đa số vẫn là bán buôn. Cốm mùa này được lòng người tiêu dùng Việt nên sức mua và đặt hàng rất lớn. Cả gia đình chị phải hoạt động hết công suất để cung ứng nhu cầu tiêu dùng của khách hàng.
Sau khi rang khô, kéo dài khoảng 1,5 giờ, cốm được cho nghỉ trước khi đóng gói.
Dòng cốm rang khô sẽ không ngon bằng cốm tươi nhưng đổi lại bảo quản được lâu, dễ vận chuyển đi xa.
Cốm sau khi rang khô được đóng gói chờ vận chuyển.
Tuy công đoạn làm cốm tốn rất nhiều thời gian và công sức, dây chuyền sản xuất vẫn còn thủ công nhưng ưu điểm của cốm Làng Vòng là giữ nguyên được hương vị cốm thơm ngon, chất lượng. Đặc biệt, tại các địa chỉ online, giá cốm đang được bán là 300.000 đồng/1 cân. Còn tại Làng Vòng giá cốm bán lẻ là 250.000 đồng/1 cân và giá bán buôn là 200.000 đồng/1 cân. Giá rẻ hơn từ 50.000 đồng - 100.000 đồng/1 cân. Những người tiêu dùng sành sỏi đang muốn mua cốm với số lượng lớn nên cân nhắc tới điều này.
Những hạt cốm tươi ngon vừa được chế biến xong.
Theo gia đình bà Xuân, cốm bán buôn đa số được đem vào nội thành Hà Nội.
Hạt cốm tươi ngon, bắt mắt hút hồn người yêu ẩm thực.
Một mẻ cốm thơm ngon chờ người tiêu dùng thưởng thức.
Giá cả:
Thời điểm nên mua cốm:
Bạn nên mua cốm vào buổi sáng, khi đó cốm còn mới, hương thơm quyến rũ, khi ăn vào vẫn còn dẻo, quyện, không sợ cốm cứng hay bị hỏng.
Cách bảo quản cốm:
Nếu mua cốm tươi thì việc bảo quản sẽ vất vả hơn so với cốm khô. Chính vì vậy, mẹo nhỏ dành cho các chị em là nên mua cốm tươi với lượng vừa đủ, không nên mua nhiều vì để lâu sẽ mất đi hương thơm quyến rũ và vị dẻo đặc trưng của loại cốm này.
Cốm khô cũng có nhiều loại nên khi mua bạn cần bảo quản riêng biệt, tránh trộn lẫn nhau làm mất mùi vị riêng.
Bảo quản cốm ở nơi khô ráo, thoáng mát để tránh cốm bị ẩm, mốc gây hư hỏng.
Đối với việc bảo quản cốm trong tủ lạnh, chị em không nên để ở ngăn mát hoặc nhiệt độ máy lạnh trong phòng quá lâu. Điều này làm cốm non bị cứng, bớt thơm.