Đồng Tháp: Dư âm sau vụ cá chết hàng loạt
Chỉ trong hai ngày 5 – 6/2, hàng chục tấn cá gần đến ngày thu hoạch chết trắng, người dân làm nghề nuôi cá lồng bè tại khu vực sông Cái Vừng (từ bến đò số 3 đến bến đò số 17) thuộc địa phận hai xã Phú Thuận A và Long Thuận, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp rơi vào cảnh khó khăn. Nhịp độ sản xuất của bà con nơi đây cũng trở nên trầm lắng hẳn vì dư âm của sự việc vừa xảy ra lặp lại đúng y 4 năm về trước.
Không đất ruộng canh tác, anh Đinh Phi Thảo ngụ ấp Long Thới A, xã Long Thuận, huyện Hồng Ngự gắn bó với nghề nuôi cá trên sông Cái Vừng đã 10 năm nay. Anh Thảo kể, vào thời điểm cuối năm 2015, đầu năm 2016, gần 3 tấn cũng nổi trắng bè, gia đình tổn thất cũng khoảng 100 triệu. Vừa gây dựng lại 3 bè và 2 vèo cá điêu hồng, cá he giống thì năm nay tình trạng này lại tái diễn, gây thiệt hại 2 tấn cá thương phẩm.
Bị "gãy" một lần, năm nay anh Thảo đã rút kinh nghiệm trang bị máy bơm tạo oxi phòng ngừa sự cố tái diễn nhưng một lần nữa "trở tay không kịp". Cũng như bao người dân nuôi cá lồng bè trên sông Cái Vừng, anh Thảo cũng biết, dòng sông không còn "ưu đãi" cho nghề như trước đây, muốn bám trụ với nghề cần thay đổi địa điểm nuôi trồng. Tuy nhiên, bao vốn liếng đã tập trung vào bè cá đã "đổ sông", nên đành "bấm bụng" neo lại bến cũ.
Riêng tỉnh Đồng Tháp, trong vụ cá chết lần này có 17 hộ nuôi bị thiệt hại, với tổng số lượng cá chết là gần 40 tấn, bao gồm các loại: cá he, điêu hồng, lăng nha, mè vinh, cá ét, rô phi. Hiện, có 49 bè, vèo của 7 hộ dân được di dời đến nơi an toàn.
Là một hộ dân chịu thiệt hại nặng nề nhất trong sự cố lần này, anh Hùng Phi Bằng, 45 tuổi ngụ ấp Long Thới A cho biết, ngay khi nhận thấy cá có biểu hiện mệt, nổi đầu trên mặt nước để đớp khí, anh Bằng đã khắc phục bằng cách tiếp thêm oxi.
Tuy nhiên, số lượng cá chết ngày một nhiều hơn. Để đảm bảo không bị hao hụt do cá chết, gia đình anh bỏ ra gần 100 triệu đồng để di dời bè cá ra sông Tiền, nhằm tránh bị thiệt hại hoàn toàn. Vậy mà, 9 tấn cá he chờ ngày xuất bán nổi trắng đầu, xem như 600 triệu "không cánh mà bay", anh Bằng lắc đầu.
Mặc dù, còn gặp khó khăn về điều kiện sản xuất tại nơi neo đậu mới nhưng một tín hiệu lạc quan là nhờ nước chảy tốt, lòng sông rộng nên cá cũng có dấu hiệu phục hồi, anh Bằng cho hay.
Theo kết quả phân tích mẫu cá, mẫu nước, Chi cục Chăn nuôi, thú y và Thủy sản tỉnh Đồng Tháp cho rằng, hiện tượng cá chết hàng loạt bất thường của các hộ dân nuôi cá lồng bè tại khu vực sông Cái Vừng thuộc hai xã Phú Thuận A và Long Thuận là do thiếu oxy cục bộ. Theo đó, tại khu vực cá chết, hàm lượng oxy hòa tan trong nước (DO) đo được chỉ dao động 1,0 – 2 mg/l rất thấp so ngưỡng oxy cần thiết cho nuôi trồng thuỷ sản (theo quy định DO >= 4mg/l).
Nguyên nhân gây ra hiện tượng thiếu oxy là do mực nước trên sông xuống thấp kết hợp với dòng chảy yếu và hứng chịu nguồn nước thải từ hoạt động canh tác nông nghiệp trong nội đồng đổ ra. Trong khi đó, người dân thả nuôi cá với mật độ khá dày.
Trước tình trạng này, Chi cục Chăn nuôi, thú y và Thủy sản tỉnh khuyến cáo người nuôi giảm lượng thức ăn cho cá ăn, áp dụng các biện pháp như sục khí, đạp nước nhằm tăng hàm lượng oxy trong nước cung cấp cho cá, tiến hành vệ sinh lồng bè tạo sự thông thoáng. Đối với cá bị chết, tiến hành vớt và xử lý bảo đảm không gây ô nhiễm môi trường. Về lâu dài, khuyến cáo người nuôi di dời lồng, bè sang các khu vực khác trong quy hoạch có chất lượng nước tốt hơn; bởi khu vực này đang có dấu hiệu bồi lắng, tốc độ dòng chảy kém.
Sông Cái Vừng là con sông giáp ranh tự nhiên giữa 2 tỉnh An Giang và Đồng Tháp. Nơi đây có hàng trăm hộ dân của huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp) và Phú Tân (An Giang) sống bằng nghề nuôi bè cá he, mè vinh, điêu hồng, lăng nha… Giáp Tết Nguyên đán Bính Thân 2016, nơi này từng xảy ra hiện tượng cá chết đồng loạt, gây thiệt hại hàng tỷ đồng.