Đóng BHXH bắt buộc: Phương án nào cho chủ hộ kinh doanh?

Hương Huyền - Văn Duẩn,
Chia sẻ

Chủ hộ kinh doanh không mang đặc điểm của người lao động đơn thuần, nên cần có cơ chế hợp lý để được lựa chọn tham gia giữa BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện.

Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) số 41/2024/QH15 đã được Quốc hội khóa XV thông qua tại kỳ họp thứ 7 vào ngày 29-6-2024, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2025. Tuy nhiên, quá trình triển khai luật, xây dựng dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHXH về BHXH phát sinh nhiều tranh luận, nhất là đề xuất chủ hộ kinh doanh tham gia BHXH bắt buộc.

2 phương án

Theo Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) Đào Ngọc Dung, Luật BHXH năm 2024 được xây dựng nhằm bảo đảm an sinh xã hội theo quy định của Hiến pháp và thể chế hóa các quan điểm, định hướng, nội dung cải cách trong các văn kiện, nghị quyết của Đảng và Nhà nước. Cùng với đó, phát triển hệ thống BHXH theo hướng đa dạng, linh hoạt, đa tầng, hiện đại, hội nhập quốc tế, tiến tới bao phủ BHXH đối với toàn bộ lực lượng lao động.

Luật được kết cấu gồm 11 chương và 141 điều, trong đó có 56 điều, khoản, nội dung giao Chính phủ quy định chi tiết. Liên quan đến chính sách, chế độ BHXH bắt buộc có 26 điều, khoản, nội dung giao Chính phủ quy định chi tiết.

So với Luật BHXH hiện hành, Luật BHXH năm 2024 đã mở rộng thêm một số đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, gồm: chủ hộ kinh doanh (KD) của hộ KD có đăng ký KD; người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố; người lao động (NLĐ) làm việc không trọn thời gian; người quản lý doanh nghiệp, quản lý điều hành HTX không hưởng tiền lương.

Tại dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHXH về BHXH bắt buộc mới đây, Bộ LĐ-TB-XH đã đề xuất thêm trường hợp NLĐ quy định tại các điểm a, b, c, i, k, l khoản 1 và khoản 2, điều 2 của Luật BHXH 2024 được cử đi học, thực tập, công tác trong và ngoài nước mà vẫn hưởng tiền lương ở trong nước thì thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc.

Bên cạnh đó, dự thảo cũng đề xuất 2 phương án xác định chủ hộ KD phải tham gia BHXH bắt buộc. Theo đó, phương án 1 đề xuất đối tượng chủ hộ KD tham gia BHXH bắt buộc gồm: Chủ hộ có đăng ký KD nộp thuế theo phương pháp kê khai; chủ hộ có đăng ký KD nhưng không thuộc đối tượng trên mà có đề nghị tham gia BHXH bắt buộc. Phương án 2 đề xuất chủ hộ có đăng ký KD và có đề nghị tham gia BHXH bắt buộc.

Tiểu thương kinh doanh tại chợ Bà Hoa (quận Tân Bình, TP HCM)   Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Tiểu thương kinh doanh tại chợ Bà Hoa (quận Tân Bình, TP HCM) Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Còn nhiều băn khoăn

Nói về 2 phương án đề xuất đóng BHXH bắt buộc đối với chủ hộ KD, ông Trần Văn Triều, Chủ tịch Hội Luật gia quận 12 (TP HCM), cho rằng quy định như dự thảo là chưa hợp lý.

Theo ông Triều, tại Luật BHXH năm 2024 đã quy định chủ hộ KD là đối tượng tham gia BHXH bắt buộc nên việc chủ hộ KD có đăng ký KD nộp thuế theo phương pháp kê khai (ở phương án 1) phải đóng BHXH là phù hợp. Song, mặc dù Luật BHXH có quy định đối tượng này tham gia BHXH bắt buộc theo quy định của Chính phủ nhưng nếu quy định chủ hộ KD có đề nghị mới được tham gia BHXH bắt buộc (phương án 1 và phương án 2) thì vô hình trung họ trở thành đối tượng tham gia BHXH tự nguyện - tức sự tham gia BHXH phụ thuộc vào ý chí của chủ hộ KD. Nếu họ không tham gia thì pháp luật không được áp dụng các biện pháp chế tài.

"Cả 2 phương án trên chưa xác định rạch ròi việc tham gia BHXH của chủ hộ KD là bắt buộc hay tự nguyện mà dường như đang "đẻ" thêm một hình thức BHXH mới là "BHXH bắt buộc tự nguyện", dễ gây vướng mắc cho cả đối tượng tham gia và cơ quan chức năng trong quá trình thực thi pháp luật. Do vậy, chỉ nên quy định chủ hộ KD có đăng ký KD nộp thuế phải tham gia BHXH bắt buộc" - ông Triều đề xuất.

Luật sư Trần Hữu Tín, Trưởng Văn phòng Luật sư Tín và Cộng sự, nhìn nhận chủ hộ KD vốn không có hợp đồng lao động và trong một số trường hợp, họ vừa là người sử dụng lao động vừa là NLĐ, tự mình trả lương cho mình. Do vậy, chủ hộ KD không mang đặc điểm của NLĐ đơn thuần - đối tượng phải đóng BHXH bắt buộc. Trong khi đó, theo điều 31, Luật BHXH năm 2024, chủ hộ KD được lựa chọn tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc, phần nào thể hiện tính chất của BHXH tự nguyện. Do vậy, theo ông Tín, nên tạo cơ chế mở để đối tượng này được lựa chọn tham gia giữa 2 hình thức BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện.

Bà Nguyễn Thị Thảo Dung, cán bộ nhân sự một doanh nghiệp tại huyện Hóc Môn, TP HCM, cũng cho rằng chỉ nên quy định chủ hộ KD có đăng ký KD và nộp thuế phải tham gia BHXH bắt buộc, các trường hợp khác có thể tham gia BHXH tự nguyện khi có nhu cầu. 

Đề xuất ghi nhận thời gian đóng BHXH bắt buộc

Bộ LĐ-TB-XH đang dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc ghi nhận thời gian đóng BHXH bắt buộc của chủ hộ KD đã tham gia trước ngày Luật BHXH 2024 có hiệu lực thi hành.

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung cho biết trước khi Luật BHXH năm 2024 có hiệu lực thi hành, các quy định của pháp luật cũng như Luật BHXH các năm 2006, 2014, đều không quy định chủ hộ KD thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc. Tuy nhiên, trong giai đoạn năm 2003 đến nay, cơ quan BHXH các địa phương đã thực hiện thu BHXH bắt buộc đối với chủ hộ KD cũng như chi trả các chế độ BHXH. Tính đến hết ngày 31-5-2023 có 3.567 chủ hộ kinh doanh tham gia BHXH bắt buộc; số tiền đã đóng vào Quỹ BHXH khoảng 113 tỉ đồng...

Do đó, tại dự thảo nghị quyết, Bộ LĐ-TB-XH đề xuất ghi nhận thời gian đã đóng BHXH bắt buộc trước ngày 1-7-2025 của chủ hộ KD để làm căn cứ giải quyết chế độ BHXH theo quy định của Luật BHXH.

Chia sẻ