Dọn mâm lên thì cơm còn nguyên gạo nước, chồng ném cả nồi vào thùng rác và màn vùng lên của người vợ quen nhịn nhục
"Em bỏ qua hết lời gia đình phản đối, đòi cưới bằng được chứ có phải không đâu. Có thể vì anh ấy hiểu chuyện năm xưa nên nghĩ em không dám bỏ, càng được đà lấn tới", người phụ nữ chia sẻ.
Nhiều người vợ tự nhận bản thân "xấu tính xấu nết" từ sau khi lấy chồng. Đơn giản bởi họ gặp phải một ông chồng khó chịu, không có trách nhiệm với gia đình, gắt gỏng với vợ con và thậm chí luôn sống như khi còn độc thân, một mình.
Một chị vợ đăng tải lên mạng xã hội câu chuyện về chồng mình. Sau tất cả, phụ nữ luôn vất vả nhưng đôi khi thứ nhận về lại chẳng hề đáng giá. Chuyện như sau:
"Có nhiều lần lắm rồi bữa cơm của gia đình em chẳng yên ả nổi. Nói ra thì lại bảo kể lể nhưng chồng em quá mức vô trách nhiệm. Anh chẳng bao giờ để ý đến chuyện nhà nhưng sĩ diện vô biên. Đi đâu anh ấy cũng phải lên mặt chứng tỏ là vợ nghe chồng một phép, chồng nói một câu là vợ sợ.
Quả thật có lẽ hành động của em khiến anh ấy nghĩ như vậy. Bản thân em không thích đôi co tranh cãi. Gia đình có việc xảy đến thì thôi em im lặng cho qua. Đôi co với chồng cũng chẳng được việc gì. Có lẽ vì thế nên anh ấy nghĩ em sợ lắm.
Nói về chồng em thì tựu chung chắc chỉ có một chữ: Chán. Em buồn khi nhắc đến anh ấy lắm. Chồng em nhiều cái tốt nhưng phải cái rất vô tâm. Anh ấy đâu biết đường chăm lo cho vợ, cho con. Bạn bè gọi đi nhậu ở đâu là tất tả chạy biến đi. Nhiều hôm anh say mèm, về ngã vật ra thềm em lại phải mang vào thay đồ.
Em một tay con, một tay chồng dìu anh vào nhà sau mỗi bữa say, nghĩ lại nhiều lúc tủi nhục. Em đâu dám than vì ngày xưa mẹ em không cho cưới anh ấy. Em bỏ qua hết lời gia đình phản đối, đòi cưới bằng được chứ có phải không đâu. Có thể vì anh ấy hiểu chuyện năm xưa nên nghĩ em không dám bỏ, càng được đà lấn tới.
Cách đây mấy hôm con gái em ốm. Em thức cả đêm trông con, chồng ngủ say tít không biết gì. Nguyên ngày hôm sau anh ấy đi làm, hai mẹ con ở nhà. Tối hôm đó em cũng cố gắng nấu bữa cơm tươm tất rồi chờ chồng về. Con thì vẫn ốm cứ mè nheo mẹ, chí chóe đòi ôm đòi bế.
Đợi mãi chồng em mới về, hình như anh đi đá bóng theo 'đúng kế hoạch tuần' với đồng nghiệp.
Thế nhưng khi bưng mâm ra, lấy cơm mới phát hiện gạo còn nguyên, ra là em quên ấn nút. Chồng em lúc này có vẻ cau có. Anh ấy bắt đầu càm ràm chuyện em ở nhà cả ngày có chút chuyện cơm nước cũng không làm được.
Em bảo con ốm, anh ấy cũng không im, vẫn tiếp tục mắng mỏ em. Sau đó, anh ấy có vẻ bực vì nói em không đáp nên hất cả nồi cơm vào thùng rác rồi chửi bới: 'Chẳng rõ bố mẹ cô dạy cô kiểu gì, nấu bữa cơm cũng chẳng xong. Có khi tôi trả cho ông bà dạy lại, rách việc'.
Lúc này em vẫn đang cho con uống sữa, em điên tiết quá mới quay sang nói luôn: 'Con thì ốm, tôi một tay ở nhà vừa ôm con vừa nấu nướng. Anh biết vậy cũng không về sớm phụ giúp vợ lại còn đi đá bóng đến giờ cơm mới về.
Anh thử hỏi bản thân mình xem làm thế đã tròn trách nhiệm chưa? Tôi có ba đầu sáu tay đâu mà chu toàn toàn bộ được.
Chuyện cơm nấu như này đúng là lỗi do tôi sơ suất, nhưng tôi chờ anh được cả 2 tiếng anh đi đá bóng về thì chẳng cớ gì mà anh không chờ thêm được nửa tiếng cơm chín cả. Anh đã nói ra được câu ấy thì tôi sẽ chủ động về bên ngoại. Còn chuyện ly hôn thì tôi sẽ gửi đơn cho anh. Sống như thế này ai chịu nổi'.
Lúc này chồng em thấy vợ gắt bắt đầu cuống nhưng em chẳng nghe. Em đi vào gấp đồ, chồng em xin lỗi rối rít rồi liên tục bảo rằng nhỡ mồm với cả sai lầm.
Lúc đó con bé cũng đang uống sữa nên em chẳng làm căng thêm, cũng không bỏ đi thật. Từ đó chồng em có vẻ thay đổi hẳn các chị ạ. Cả tuần này anh về sớm đón con rồi đi chợ hộ vợ cơ đấy".
Đúng là một cái kết có vẻ đẹp đẽ cho hai vợ chồng này. Trong hôn nhân, những chuyện xích mích sẽ thường xuyên xảy đến. Tuy nhiên những lúc đó các chị vợ đừng quá nhún nhường hay không dám nói lên quan điểm. Các chị phải mạnh mẽ để khẳng định vai trò và tiếng nói trong nhà.
Các ông chồng cũng nên thể hiện tinh thần trách nhiệm hơn. Đừng bao giờ ỉ lại tất cả công việc cho vợ còn bản thân mình thì thảnh thơi, chẳng cần lo nghĩ.