Đau bụng trong kì kinh nguyệt và những điều chị em cần biết
Nguyên nhân gây đau bụng trong kì kinh nguyệt có thể do bẩm sinh hoặc di truyền hoặc do thay đổi hormone trong những ngày này.
Thưa bác sĩ, cháu có kinh nguyệt từ năm lớp 8, năm nay cháu 20 tuổi. Trong suốt từng ấy năm có kinh nguyệt, cháu không hề bị đau bụng hay khó chịu gì. Nhưng gần 1 năm trở lại đây, cháu thường xuyên bị đau bụng trong 1-2 ngày khi có kinh. Những hôm bị đau bụng nhiều quá, cháu đều phải uống thuốc giảm đau, nhưng cháu sợ uống nhiều thuốc sẽ có ảnh hưởng không tốt sau này. Bác sĩ cho cháu hỏi, tại sao đến bây giờ cháu lại bị đau bụng và có cách nào điều trị việc này để khỏi cần uống thuốc hay không? Cháu xin cảm ơn bác sĩ! (Hồng Thu)
Trả lời:
Bạn Hồng Thu thân mến!
Đau bụng trong kì kinh nguyệt là triệu chứng khó chịu thường gặp ở chị em, nó khiến chị em phụ nữ mệt mỏi. Tuy nhiên, không phải chị em nào cũng gặp phải trục trặc này khi có kinh nguyệt, hoặc mức độ đau bụng cũng khác nhau ở từng chị e, có người bị đau dữ dội, kéo dài nhưng cũng có người chỉ bị đau âm ỉ và nhanh chóng biến mất. Nguyên nhân gây đau bụng kinh có thể do bẩm sinh hoặc di truyền hoặc do thay đổi hormone trong những ngày này. Về mặt di truyền, nếu bà, mẹ của bạn bị đau bụng kinh thì bạn cũng có khả năng bị như vậy.
Nguyên nhân gây đau bụng trong kì kinh nguyệt có thể do bẩm sinh hoặc di truyền hoặc do thay đổi hormone trong những ngày này. Ảnh minh họa
Nếu không phải do di truyền thì bạn có thể bị đau bụng kinh do những nguyên nhân sau đây:
- Tử cung quá co thắt mạnh, vị trí tử cung lệch về phía sau hoặc phía trước so với bình thường … khiến máu kinh lưu thông chậm, cơ tử cung phải co bóp mạnh để đẩy máu kinh ra ngoài khiến đau bụng kinh.
- Ống cổ tử cung quá hẹp khiến cơ tử cung phải co bóp mạnh khiến đau bụng kinh.
- Cơ tử cung co bóp mạnh kết hợp hàm lượng prostaglandin trong máu kinh tăng lên, cơ thể nào có chất cảm thụ đặc hiệu với prostaglandin quá nhạy khiến cơn đau bụng càng dữ dội hơn.
- Sự suy giảm đột ngột progesteron và estrogen trong ngày đầu của chu kì kinh.
Cơ thể yếu, trúng gió, ăn uống đồ lạnh hoặc tâm lý không thoải mái.... cũng có thể dẫn đến những cơn đau bụng kinh hàng tháng.
Để giảm những cơn đau bụng này, bạn nên đi khám để biết nguyên nhân do đâu thì bác sĩ mới có thể giúp bạn có phương pháp điều trị thích hợp. Ngoài ra, bạn cũng nên tạo cho mình thói quen ăn uống, thể dục lành mạnh để tăng cường lưu thông trong cơ thể, điều tiết các kích thích tố một cách ổn định... Nếu dùng thuốc giảm đau, bạn nên tham khảo tư vấn của bác sĩ để tránh lạm dụng thuốc ảnh hưởng đến sức khỏe hiện tại và sau này.
Chúc bạn vui khỏe!