Đặc sản tết vào siêu thị

Theo SGTT,
Chia sẻ

Tết Nguyên đán năm nay, người tiêu dùng dễ dàng mua đặc sản các vùng miền tại siêu thị, cửa hàng tiện ích. Sự liên kết giữa nhà sản xuất đặc sản địa phương và nhà phân phối giúp mở rộng cơ hội kinh doanh cũng như bảo đảm chất lượng sản phẩm cho người mua.

Hàng trăm loại đặc sản chờ khách

Đặc sản tết vào siêu thị 1

Đặc sản các miền cho tết đang được bày bán tại siêu thị SGTT Mart. Ảnh: Thanh Hảo

Siêu thị SGTT Mart tại số 23B Ngô Thời Nhiệm, phường 6, quận 3 trưng bày gần 50 loại đặc sản các vùng miền. Ở đây, khách có ba loại giỏ quà tết đặc sản ba miền để chọn, với mức giá mỗi giỏ chưa tới 500.000 đồng. Riêng giỏ quà đặc biệt có đủ đặc sản ba miền, mức giá xấp xỉ 1 triệu đồng.

Ngay khi bước vào siêu thị Lotte Mart tại quận 7, đập vào mắt người mua là quầy đặc sản tôm khô. Hệ thống siêu thị Maximark có hơn 30 loại khô (tôm, cá, mực), với hai loại bao bì dành cho mua quà biếu hay mua về dùng.

Ngoài mặt hàng măng, miến, thuỷ sản khô… để rời cho khách chọn, hệ thống siêu thị Co.opmart kết hợp hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao (HVNCLC) đưa ra giỏ quà tết thuần Việt với 15 mẫu, giá từ 150.000–2.000.000 đồng. Tất cả các sản phẩm trong đó đều là các sản phẩm làng nghề hoặc đặc sản địa phương, như rượu Phú Lễ – Bến Tre, gạo Ngọc Việt – Ninh Thuận, lạp xưởng Sóc Trăng… Trong mỗi giỏ quà còn có một cẩm nang câu chuyện về từng sản phẩm có trong giỏ quà.

Hệ thống Big C chuẩn bị hàng tết với hơn 250 tấn các loại mứt, kẹo truyền thống và đặc sản các miền.

Mở ra cơ hội kinh doanh mới

Việc tăng cường các mặt hàng đặc sản địa phương nhằm phục vụ nhu cầu mua sắm tết của khách hàng, mà cũng là cách để siêu thị kéo khách, đẩy doanh số tăng lên. Hệ thống siêu thị Big C kết nối với các nhà sản xuất tại địa phương đã thu hút khoảng 90 nhà sản xuất vừa và nhỏ trực tiếp ký hợp đồng với tổng giá trị ước tính lên đến cả 100 tỉ đồng. Các nhà sản xuất ở làng nghề và địa phương đã tìm được nơi tiêu thụ ổn định, với số lượng lớn.

Tại buổi kết nối nhà sản xuất và phân phối, do sở Công thương TP.HCM và trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TP.HCM tố chức vào ngày cuối năm 2012, đã có hơn 40 bản thoả thuận hợp tác bao tiêu giữa nhà sản xuất và phân phối được ký. Điển hình như Saigon Co.op cùng một lúc đã ký với năm doanh nghiệp và hợp tác xã trong việc bao tiêu hàng nông sản như khóm Cầu Đúc, xoài cát Cao Lãnh, dưa hấu vàng Cần Thơ, Citimart ký kết với bánh pía Tân Huê Viên, Big C ký kết với hải sản khô miền Tây Nam bộ, bưởi hồ lô, Lotte Mart bao tiêu ổi Đồng Nai...

Bà Nguyễn Phương Thảo, phó giám đốc siêu thị Maximark, nói: “Cái khó khi đưa hàng đặc sản vào siêu thị là phải đồng hành cùng nhà sản xuất, để giúp họ thực hiện quy trình đăng ký chất lượng sản phẩm theo đúng quy định pháp luật”. Một khi đã có đủ hồ sơ, nhà sản xuất địa phương có thể cung ứng hàng dài hạn, bán quanh năm vào siêu thị chứ không chỉ một tháng tết.

Ông Võ Trung Thành, chủ nhiệm câu lạc bộ Thành Huy (Châu Thành, Hậu Giang), đang chào bán khoảng 8.500 quả bưởi hồ lô và hơn 3.000 quả dưa hấu hồ lô cho các đầu mối mua hàng trên cả nước nhưng mới ký dạng biên bản ghi nhớ. Ông nói: “Nếu đặc sản có đầu ra ổn định, chúng tôi chỉ lo sản xuất, thì sản lượng sẽ tăng lên, chất lượng tốt hơn, mà có thể cung cấp thêm nhiều loại đặc sản trong các tháng thường”.

Bà Bùi Hạnh Thu, phó tổng giám đốc Saigon Co.op nhận xét: “Chất lượng các mặt hàng nông sản rất tốt nhưng đáng tiếc do chưa được đầu tư đúng mức nên bao bì, mẫu mã sản phẩm chưa được như ý muốn”. Theo bà, thuỷ hải sản khô là những mặt hàng đòi hỏi vệ sinh an toàn thực phẩm cao, phải có xuất xứ hàng hoá nên trước mắt Saigon Co.op sẽ phải thực hiện nhiều động tác để giúp người dân có thể đưa hàng vào siêu thị một cách sớm nhất. Về lâu dài, Saigon Co.op sẽ kết hợp với địa phương tiến hành tìm kiếm các mặt hàng đặc sản, từng bước xây dựng thương hiệu để tìm chỗ đứng vững chắc trên thị trường.

Chia sẻ