Du lịch miền Bắc
1. Phở
Phở được coi là món ăn quốc hồn quốc túy của Việt Nam trên bản đồ ẩm thực thế giới. Phở đã trở nên quen thuộc và bạn có thể bắt gặp ở bất kỳ nơi đâu trên mọi miền đất nước nhưng có lẽ hợp nhất và ngon nhất là khi thưởng thức phở Hà Nội. Phở có nguyên liệu chính là nước xương hầm, bánh phở, thịt bò hoặc thịt gà kèm với các loại gia vị hành lá, ớt, chanh, mắm tỏi thêm rau thơm nữa.
Nói đơn giản là thịt bò hoặc gà nhưng từ đây cũng có thể kể ra đến chục loại phở khác nhau ví dụ phở bò: tái, chín, nạm, gàu, sốt vang, ngẩu pín, áp chảo… Ngoài món phở nước còn có những biến thể mới là phở cuốn, phở trộn, phở chiên giòn... để bạn lựa chọn nữa đấy!
Ngày mùa đông lạnh, hãy gọi ngay bát phở gà đùi nước trong thêm trứng non nhé!
Bún chả được liệt vào món đặc sản của người Hà Nội. Chả viên hoặc chả miếng được lựa từ miếng thịt lớn ngon nhất có nạc có mỡ, ướp với các loại gia vị mà mỗi quán hàng lại có bí quyết riêng sau đó đem nướng trên than hoa. Những miếng chả nướng thơm phức luôn kích thích vị giác của mỗi người. Bún chả thường ăn kèm một bát nước chấm chua cay mặn ngọt, thêm chút tỏi băm và rau sống.
Bún chả là 1 trong những món đặc sản của Hà Nội
3. Bún riêu
Bún riêu cua một trong những món bún phổ biến, có thể ăn quanh năm và được nhiều người ưa thích, thành phần là bún, nước dùng nấu từ canh cua có vị thanh và ngọt, vị chua vừa phải của cà chua, thơm của hành lá. Những miếng gạch cua lớn nâu hồng đóng bánh chắc, nổi bật trên màu trắng của bún và màu xanh của hành, màu đỏ của cà chua chưa ăn đã thấy ngon mắt. Nếu tới Hà Nội nhớ nếm thử bún riêu bạn nhé!
Bát bún riêu nóng hổi thanh ngọt cực hấp dẫn
4. Bún ốc
Bún ốc là một đặc sản ẩm thực của người Hà Nội. Tô
bún ốc với miếng cà chua đỏ au nằm chen cùng màu trắng của bún, màu xanh của hành, tía tô, màu xám đen của những con ốc chan thứ nước riêu điểm chút váng mỡ vàng ươm luôn là món quà được ưa thích nhất nhì của người dân Thủ đô.
Được thưởng thức tô bún ốc ngon rồi cảm nhận đủ vị chua dịu, thơm nồng của dấm bỗng, cay nhẹ của ớt hòa cùng độ giòn dai của ốc, của bún, bạn sẽ hiểu tại sao những người con xa xứ lại chẳng thể thôi thèm thuồng khi được bạn bè, người thân chia sẻ tấm ảnh bát bún ốc mới ăn.
5. Bánh cuốn
Bánh cuốn cũng là món ăn phổ biến ở Việt Nam nhưng ở Hà Nội là được nhắc tới nhiều nhất và có những nét tinh túy riêng. Lớp vỏ làm từ bột gạo tẻ mỏng, mềm, mướt ăn kèm với nước chấm pha chua ngọt và chả quế. Sẽ tuyệt vời hơn nếu có thêm vị cay cay, thơm thơm của một chút tinh dầu cà cuống cho vào bát nước chấm.
6. Bánh đa cua
Đến Hải Phòng mà không ăn bát bánh đa cua Hải Phòng thì không trọn vẹn. Bánh đa đỏ được trần qua nước nóng rồi đổ vào bát to, cùng với rau muống chín tái, rau nhút, chả cá, chả lá lốt, hành lá thái nhỏ, thêm gạch cua chưng với thịt cua cùng cà chua, thả ít hành khô thái mỏng trên cùng. Tất cả phải rất cẩn thận, kỳ công, mới tạo nên được bát bánh đa cua mà bất kỳ người con đất cảng nào đi xa đều luôn nhớ.
Du lịch miền Trung
1. Mì Quảng
Mì Quảng xuất phát từ mảnh đất Quảng Nam nắng gió, tuy nhiên giờ bạn có thể bắt gặp quán mì Quảng ở bất kỳ nơi đâu. Nhưng khi bạn ngồi dưới một quán nhỏ bên đường trên vùng đất miền Trung để thưởng thức món ăn bình dị dân dã này bạn mới cảm nhận được hết chất Quảng, người Quảng. Bát mì Quảng gồm phần mì làm từ bột gạo tẻ có thể để nguyên màu trắng hoặc đã trộn thêm bột nghệ để thành màu vàng tươi đẹp mắt, nhân gồm thịt, tôm, giá đỗ, rau thơm xắt nhỏ, đậu phộng và một chút nước.
Thưởng thức món ăn bình dị dân dã này bạn mới cảm nhận được hết chất Quảng
2. Cơm hến
Cơm hến là một đặc sản
ẩm thực Huế. Cơm hến được trình bày dưới hình thức là cơm nguội trộn với hến xào qua dầu và gia vị, nước hến, mắm ruốc, rau bắp cải, tóp mỡ, bánh tráng nướng, mì xào giòn, ớt màu, đậu phộng nguyên hạt, dầu ăn chín, tiêu, vị tinh (bột ngọt, mì chính) và muối. Cơm hến xuất phát từ tầng lớp bình dân vùng cồn Hến ven sông Hương, có thời từng được tiến vua, trở thành món ăn cung đình. Đây là món ăn dễ tìm kiếm khi du khách đến thăm Huế.
3. Cao lầu
Cao lầu được coi là niềm tự hào của ẩm thực
Hội An. Sợi cao lầu có màu vàng gạo lứt hoặc được nhuộm vàng. Cao lầu không cần nước lèo, nhưng thay vào là thịt xíu, nước xíu, tép mỡ. Để làm thịt xíu người ta chọn thịt đùi heo nạc, ướp gia vị và ngũ vị hương. Còn tép mỡ cũng là một nguyên liệu phụ khác lạ, trước làm bằng da heo chiên giòn, nay thay bằng bột làm sợi cao lầu. Ngoài ra để cho món cao lầu thêm hương vị thơm cũng hơi giống món mì Quảng, người ta còn thêm đậu phộng rang giã nhỏ. Các món này đặt trên sợi cao lầu. Nước sốt khi làm xá xíu rưới lên, ai thích ăn đậm đà một chút thì thêm một chút nước mắm.
Cao lầu được coi là niềm tự hào của ẩm thực Hội An
4. Chè
Thực ra chè thì ở vùng miền nào cũng có cả, nhưng đặc sắc và đa dạng nhất phải kể đến miền Trung, trong đó tiêu biểu là chè Huế. Ở Huế có tới mấy chục loại chè sang trọng, đài các có, bình dân có. Mỗi loại chè có một hương vị đặc biệt riêng. Người Huế khéo tay, ăn uống cầu kỳ, tinh tế nên chế biến được nhiều thứ chè lạ, ngon và bổ.
Chè Huế vô cùng đa dạng.
5. Bún bò Huế
Bún bò Huế là một trong những đặc sản tiêu biểu của miền Trung. Tại Huế, món này được gọi đơn giản là "bún bò" với nguyên liệu chính là bún, thịt bắp bò, giò heo, cùng nước dùng đặc trưng có cay nồng của ớt, hương thơm của sả, mắm ruốc làm nên mùi vị vô cùng đặc trưng của Huế. Ngày nay bún bò có thể ăn thêm cùng rất nhiều món ăn kèm như chả quyết, thịt bò tái... nhưng dù thêm cái gì thì nước dùng vẫn được xem là linh hồn của tô bún.
Ảnh: Zing
Du lịch miền Nam
1. Bánh xèo
Bánh xèo bắt nguồn từ tiếng đổ bánh, tiếng “xèo xèo” của bột chiên trên lửa, những làn khói bốc lên như còn vương vấn trên mặt bánh vàng ươm. Bánh bột gạo chiên ấy được gọi tên là “bánh xèo”, rất dân dã và gần gũi với mọi người Việt. Bánh ở mỗi vùng miền khác nhau nhưng mọi người đều nghĩ tới bánh xèo miền Nam nên khi đi du lịch miền Nam bạn hãy nếm thử món bánh này nhé!
Nếu chiếc bánh xèo miền Trung nằm gọn trong lòng chiếc chảo nhỏ, đường kính khoảng 10 – 15cm, trông dày dặn và giòn rụm thì bánh xèo miền Nam kích thước bằng cái chảo lớn, bột đổ thật khéo để tạo lớp rìa mỏng tang và giòn xốp, ít ngậm dầu như bánh xèo miền Trung. Nhân bánh gồm tép tươi, thịt ba rọi, giá sống, củ hành, phần nhân bánh ở miền Nam có thêm đậu xanh nên béo và bùi hơn. Tùy theo mùa, bánh xèo miền Nam có thể thêm vào nấm mối, kim châm, nấm tràm, cổ hũ dừa, bông điên điển…
2. Bánh khọt
Bánh khọt hay còn gọi là bánh trứng rồng, là món bánh rất quen thuộc với người dân Nam Bộ. Bánh có hình tròn giống như bánh bèo nhưng được làm chín bằng cách nướng trong khuôn có phết một lớp dầu mỏng. Cách làm bánh khọt không phức tạp nhưng đòi hỏi sự khéo léo của người chế biến. Bánh làm từ bột gạo, nhân tôm ăn kèm với rau sống, ớt tươi và chấm nước chấm pha chua ngọt.
3. Canh chua
Canh chua thể hiện sự phong phú của sản vật vùng đồng bằng Sông Cửu Long. Nguyên liệu chính từ thịt cá, dứa, cà chua và các loại rau thơm. Món canh chua không bao giờ vắng mặt trong bữa cơm của người miền Nam.
4. Cá kho tộ
Cá kho tộ là món ăn quen thuộc của nhiều gia đình Nam Bộ. Vị tươi ngọt của cá mới bắt ở ruộng, hòa quyện với vị cay, ngọt, mặn của gia vị một cách tinh tế tạo nên một món ăn vô cùng hấp dẫn. Cá kho tộ đúng vị phải được kho trong nồi đất.
Món ăn đặc trưng của miền Tây sông nước
5. Cơm tấm
Ẩm thực Sài Gòn là sự pha trộn giữa các vùng miền, vì thế để tìm một món mang đậm chất và hương vị của Sài thành thì thật khó khăn. Tuy nhiên, với món cơm tấm "sườn, bì, chả" thì dù có ở nơi nào, bạn cũng không thể tìm được cái cảm giác và hương vị như được ăn ở Sài Gòn. Và khi tới Sài Gòn nhất định bạn phải tới quán cơm tấm vỉa hè và kêu ngay một dĩa "cơm tấm sườn, bì, chả" nhé!
Đến Sài Gòn nhất định phải ăn cơm tấm!
6. Lẩu mắm
Lẩu mắm không phải của riêng Sài Gòn, mà là món ruột của miền Nam, biểu tượng của sông nước miền Nam. Điểm ấn tượng nhất của lẩu mắm chính là đĩa rau hoành tráng hơn 30 loại rau với trong đó có nhiều loại rau chỉ có ở miền sông nước như bông so đũa, lục bình, rau đắng, kèo nèo, bông điên điển, đọt xoài, đọt chùm ruột...
Trong khi đó, ấn tượng vị giác của lẩu là nước lèo mắm chưng. Mắm thường là mắm cá sặc, cũng có nơi dùng mắm lóc, mắm linh, mắm trèn. Ngoài ra, người ta còn dọn thêm thịt heo quay, cá hú, mực, ốc bươu, tôm, sò, nghêu... Vì lẽ đó, người ăn cũng phải biết phối miếng cho đủ các vị: nước, rau, thịt, cá, sao cho hội đủ vừa hương vừa sắc.
Rau ăn kèm lẩu mắm vô cùng đa dạng.