Công nhân Việt đăng đàn bức xúc vì cửa hàng Nhật cấm người lao động đi vệ sinh, sự thật lại khiến ai nấy ngỡ ngàng
Sau khi có những bình luận dịch bảng thông báo sang tiếng Việt thì mọi chuyện mới được sáng tỏ.
Những người làm công việc lao động tay chân như nhân viên vệ sinh môi trường, xây dựng... thường sẽ không có văn phòng và phải giải quyết nhu cầu cá nhân ở nơi công cộng. Ví dụ trong quán ăn, WC công cộng hay WC của cửa hàng tiện lợi, siêu thị, khu trung tâm thương mại... Điều này đôi khi gây ra một số bất tiện và thiệt thòi với họ. Vậy điều gì sẽ xảy ra khi ngay cả WC công cộng cũng cấm cả người lao động ấy?
Mới đây, một anh chàng người Việt đang làm việc tại Nhật Bản đã đăng tải video thu hút nhiều sự chú ý lên Tik Tok. Cụ thể, anh này nói trong video rằng anh ta làm nghề công nhân xây dựng và đang chuẩn bị vào WC. Tuy nhiên trước cửa WC của cửa hàng tiện lợi lại dán biển báo cấm.
Cửa hàng tiện lợi ở Nhật Bản cấm người lao động đi vệ sinh?
Ngay lập tức, clip gây được sự tò mò của cộng đồng mạng. Ai cũng cảm thấy khó hiểu vì tại sao cửa hàng tiện lợi lại cấm người ngoài đi vệ sinh?
Mãi cho đến khi các bình luận dịch bảng thông báo tiếng Nhật sang tiếng Việt, mọi chuyện mới được sáng tỏ.
Bảng thông báo ấy viết như sau:
"Để phòng tránh sự lây lan của Covid-19, chúng tôi yêu cầu không sử dụng nhà vệ sinh của Compini (cửa hàng tiện lợi). Trong trường hợp khẩn cấp hãy gọi nhân viên. Rất xin lỗi vì sự bất tiện này!"
Như vậy, trái với suy đoán của nhiều người là cửa hàng tiện lợi phân biệt đối xử với người lao động thì thực tế cho thấy đây là biện pháp đảm bảo an toàn trong mùa dịch Covid-19. Tiếp xúc chung qua WC công cộng cũng có khả năng làm lây lan virus. Vì thế dù là bất tiện nhưng cửa hàng vẫn phải tuân thủ theo quy định bảo đảm an toàn sức khoẻ.
Mặt khác, nhiều người Việt xuất khẩu lao động sang Nhật Bản cũng bày tỏ sự cảm thông với chàng trai vì họ cũng từng rơi vào tình cảnh tương tự. Thậm chí có người còn phải mang chai nước đi làm hàng ngày để "giải quyết nhu cầu" tại chỗ. Bởi công trường không có WC, mà chẳng thể đi vệ sinh nơi công cộng. Tại Nhật Bản, nếu "đi tiểu bậy" mà bị bắt sẽ lãnh mức phạt cao lên tới vài triệu đồng.
Từ câu chuyện của chàng trai trên, người lao động Việt bên nước ngoài cũng cần rút ra bài học cho chính mình. Có thể công việc của bạn không cần đến ngoại ngữ nhưng ít nhất bạn cũng nên tự trau dồi về tiếng nước ngoài để giao tiếp cơ bản cũng như hiểu được bảng thông báo bên nước đó viết gì.
Hơn nữa, nếu không thông thạo ngoại ngữ, bạn còn dễ bị "dắt mũi" bởi người khác, đặc biệt trong các khoản hợp đồng lao động, quyền lợi dẫn tới thiệt thòi. Khi có ngoại ngữ tốt, thậm chí công việc của bạn cũng sẽ được thuận lợi hơn và cơ hội thăng quan tiến chức càng rộng mở.