Có một xóm “cay mắt” giữa Sài Gòn rộn ràng khi Tết đến xuân về
Tết cận kề, người dân ở xóm lao động (quận 6, TP.HCM) này đang chăm chỉ làm việc, hi vọng vào một vụ mùa bội thu.
Đến xóm hành tỏi những ngày này sẽ được nghe tiếng xe đạp, xe máy cọc cạch vào ra liên tục. Trên yên xe, những bao hành đỏ chói, những bao củ tỏi trắng ngần được chất gọn gàng sau khi đã bóc vỏ thành phẩm để đưa đến xưởng gia công. Cái nghề ấy vậy mà đã nuôi sống người dân vùng ven đại lộ Võ Văn Kiệt qua cầu Lò Gốm (quận 6, TP.HCM) ngót mấy chục năm nay.
Hiện có khoảng 30 hộ dân kiếm sống bằng nghề này, nhưng đa phần chỉ tập trung làm vào dịp Tết, khi nhu cầu tiêu thụ hành tỏi tăng mạnh. Họ hầu hết là dân tỉnh lẻ lên Sài Gòn kiếm sống, chiếm số lượng động đảo nhất là dân miền Tây (như Bạc Liêu, Trà Vinh, Sóc Trăng).
Tại xưởng gia công hành tỏi duy nhất của xóm, dù giữa trưa nhưng không khí vô cùng tấp nập. Những người phụ nữ ngồi chuyện trò rôm rả nhưng vẫn không quên tranh thủ lột cho xong mớ hàng trước mặt.
Anh Như (42 tuổi, quê Đồng Tháp), quản lý xưởng gia công cho biết mỗi ngày xưởng sản xuất được khoảng 150-200kg hành tỏi, đến Tết thì nhiều hơn vì nhu cầu tăng mạnh.
Nguồn hành tỏi được các thương lái thu mua rải rác nhiều tỉnh thành. Giá thuê nhân công bóc vỏ từ 7 giờ sáng đến 14 giờ chiều mỗi ngày là 3-4 triệu đồng/tháng tuỳ theo năng suất làm việc.
Để cho ra hành, tỏi thành phẩm thường trải một số công đoạn nhất định. Hành, tỏi còn nguyên củ khi nhập về được cho vào băng chuyền cán ra rồi tuốc vỏ ngoài.
Sau khi chúng được tách thành từng tép, người nhân công tiếp tục bóc vỏ lụa còn lại cho sạch bóng. Với củ tỏi có phần cực hơn khi có thêm phân đoạn cắt phần đầu bị khô đi.
Chị Nguyễn Thị Loan (44 tuổi) lãnh hàng từ xưởng may gia công về nhà làm chia sẻ: "Mỗi ngày tôi làm được khoảng 50- 60kg hàng, tỏi được trả 2.000 đồng/kg, còn hành có ngàn rưỡi à. Làm cái này cho vui thôi, ngày kiếm thêm vài đồng với có thời gian nội trợ, chăm sóc mấy đứa con, chứ thu nhập chính vẫn là lương làm thợ hồ của chồng".
Còn cô Cô Nguyễn Thị Ngọc Lan (49 tuổi), một người dân cố cựu tại đây nhớ lại: "Tôi làm nghề bóc hành tỏi từ lúc con trai mới 3-4 tuổi, giờ nó đã 19 tuoi rồi. Ngày xưa làm cực lắm, lấy về phải tự mình cán củ tỏi ra nhỏ, mà mỗi ký được trả có 500 đồng. Giờ vậy là đỡ lắm rồi".
Nhiều người ở đây cho biết, nghề bóc vỏ hành tỏi ban đầu có một số bất tiện như cay mắt, dễ bị đứt tay nếu không chú ý kỹ trong lúc tách bằng dao. Nhưng chỉ cần làm vài tuần thì sẽ quen tay quen mắt, động tác thuần thục. Hơn nữa, người làm nghề ở đây cũng sáng chế ra một công cụ bảo vệ rất độc đáo, đó là chiếc vỏ bao tay được cắt lấy phần ngón tay để đeo vào.
Công đoạn cuối cùng trước khi đóng hành, tỏi vào bao là rửa sơ qua một lần nước để sản phẩm được sạch bùn đất.
Hàng đã hết, người đàn ông này lại lấy tiếp vài bao hành, tỏi về tranh thủ làm kiếm thêm.
Những chuyến xe đạp cứ tiếp nối nhau giao hàng đi, nhập hàng về liên tục. Từng vòng quay của bánh xe như cuộc đời ngược xuôi, hối hả của người dân xóm này.
Em Nguyễn Ngọc Thi (11 tuổi, quê Trà Vinh) tranh thủ lúc mới đi học về bóc hành tỏi phụ phụ mẹ. Em bắt đầu đụng vào hành, tỏi khi mới 5-6 tuổi. Cha mẹ em đều đi làm mướn từ sáng đến tối, nên cô bé hiểu rõ sự khó khăn của gia đình mình. "Tối mẹ đi làm về còn phụ em làm nữa. Tháng nào hai mẹ con ráng làm nhiều cũng đủ tiền đóng trọ" – em nói.
Bé Nguyễn Trọng Tín (17 tháng tuổi) ở với bà mẹ từ khi mới lọt lòng vì cha mẹ bỏ đi. Ngày nào ngoại bóc vỏ hành tỏi em cũng ngồi bên cạnh "cổ vũ".
Còn rất nhiều mảnh đời bất hạnh khác cố gắng bám trụ tại con xóm nghèo bằng cái nghề "cay mắt" này. Dù đồng lương có phần eo hẹp nhưng với họ, ít tiền nhưng dù sao vẫn cầm cự được để tồn tại. Dẫu sao thì giữa trưa nắng gắt hay lúc giá lạnh của buổi sớm, đi ngang qua khu phố nhỏ nghe mùi hành, tỏi xộc vào mũi cũng đủ để nhận ra rằng ngày Tết đã đến thật gần. Và những con người lao động chân chất ấy chính là những người giữ hương cho mùa Tết cổ truyền thêm đầm ấm.