Cảnh sống khổ sở không thể tin nổi: 30 người chung 1 nhà vệ sinh ở xóm trọ công nhân

Mộc Cát,
Chia sẻ

Chật chội, ẩm thấp và cũ kỹ là thứ mà những công nhân tại TP.HCM đã và đang chịu đựng khi sống trong những căn nhà trọ tạm bợ. Và trong những ngày mưa bão thì khổ lại chồng thêm khổ.

Sài Gòn là vùng đất tứ xứ, nơi dung dưỡng khát vọng đổi đời của rất nhiều người dân tỉnh lẻ lên thành phố tìm kế sinh nhai. Cùng với sự phát triển kinh tế và công nghiệp, mỗi năm nơi đây đón một lượng lớn người đổ về làm công nhân, kéo theo sự gia tăng vượt bậc nhu cầu về chỗ ở. Hàng loạt những khu nhà trọ mọc lên như nấm sau mưa, nhưng theo thời gian chúng trở nên cũ kỹ, ẩm thấp và xuống cấp. Dù vậy do đồng lương quá bèo bọt, người công nhân cũng đành cắn răng chịu đựng thảm cảnh này.

7

Những khu nhà trọ lụp xụp, hoang tàn vẫn đang là chỗ dung thân hằng ngày cho các gia đình công nhân nghèo.

Nhà trọ làm bằng vật liệu "siêu độc"

Lọt thỏm trong những cao ốc xa xỉ ở phường An Phú (Q.2) là con xóm được ưu ái đặt cho cái tên Vườn Ổi. Nhưng ổi đã không còn, thay vào đó là dãy nhà trọ chen chúc nhau dọc theo một con kênh, nơi mà mỗi mùa mưa đến hoà cùng ảnh hưởng của triều cường khiến nước ngập lênh láng.

Và thay vì xây bằng gạch cứng cáp, chúng lại được làm bằng… lá. Vách chắn tạm bợ bởi ván ép, cột chống là những cây gỗ cũ và mái lợp bằng lá dừa. Nóng bức đã đành, nhưng hễ cứ mưa xuống, mùi nước sình hôi thối trộn lẫn với rác rưởi cứ thế trào lên. Tồi tàn là vậy nhưng giá thuê cũng chẳng rẻ là bao, từ 1.000.000-1.500.00 đồng cho mỗi căn.

9

Một căn nhà trọ dựng bằng vật liệu mỏng manh thế này lại có giá từ 1 - 1,5 triệu đồng/tháng.

Mới theo cha mẹ lên sống được vài tháng, em Nguyễn Trọng Thanh cho chúng tôi biết, hôm trước mưa lớn, nước ngập trắng trời, căn trọ của gia đình em lại kế nhà vệ sinh nên mùi hôi càng thêm nồng nặc. Cha Mẹ Thanh cũng như hầu hết những người trong xóm trọ lên Sài Gòn xin làm công nhân công trình xây dựng, bởi dưới quê cày ruộng không đủ sống.

Cuộc trò chuyện vừa bắt đầu đã đứt quãng khi chủ trọ phát hiện người lạ, sấn ra cản trở. Thấy bà chủ, Thanh im bặt. Chẳng biết lý do gì khiến người chủ trọ cấm không cho ai được trả lời. Một vài người lí nhí: “Do mấy lần trước chính quyền vô khảo sát, thấy nhà trọ tồi tàn quá có chấn chỉnh chủ trọ, nên giờ thấy ai vô là bả lại làm khó dễ. Kiếm chỗ có giá rẻ lại ở được nhiều người như ở đây khó lắm, phải ráng chịu thôi”.

2

Nhà trọ có vách bằng thiếc nóng bức và dễ gây nguy hiểm cho trẻ nhỏ.

11

Sau những lần nâng nền, nóc nhà đã thành chỗ để dép.

Trên đường Hồ Học Lãm (quận Bình Tân), rất nhiều căn trọ lụp xụp, chật chội được chủ đất tận dụng nền đất thấp tè xây lên. Thậm chí đi sâu vào trong những con hẻm chằng chịt, có một khu trọ được xây hoàn toàn bằng tôn thiếc. Tương xứng với cái giá thuê 600.000 đồng một tháng, phòng nào cũng chỉ rộng vài mét vuông, không có gác và cực kỳ nóng bức. Mọi vật dụng đều do người thuê tự trang bị, nguồn nước sinh hoạt được tập trung ở một chiếc bồn lớn đã cũ, thành hồ hoen ố nặng. Chỉ vào vết rạn trên tường, anh Nguyễn Phước Tấn (23 tuổi, quê Cần Thơ), công nhân làm điện cho biết: “Chỗ đó lúc trước là nóc nhà đó. Mà mưa ngập quá nên năm nào chủ cũng nâng nền. Nâng riết đến giờ chỉ còn cao đến đầu gối”.

4

Một chiếc lồng quạt cũ được tận dụng làm chỗ để đồ đạc, vì phòng không được trang bị bất cứ thứ gì.

7 phòng trọ chỉ có… 1 nhà vệ sinh

Nhưng thế vẫn chưa phải khổ nhất. Toàn bộ khu nhà trọ thiếc có 7 phòng, có gần 30 người oái oăm thay chỉ có đúng một nhà vệ sinh. Anh Tấn giải thích: “Lúc trước cũng có hai, ba cái nhưng xuống cấp hết rồi, đang chờ sửa lại mà không biết khi nào xong”.

5

"Xóm nhà thiếc" chỉ có một nhà vệ sinh nhưng hiện tại cũng đang bắt đầu xuống cấp.

Vậy là từ mọi sinh hoạt tắm rửa, giặt giũ đến vệ sinh cá nhân, họ phải tự thu xếp nhau xử lý. Những ngày bình thường đi làm tối mặt tối mũi không sao, nhưng cứ đến cuối tuần khi tất cả cùng ở nhà thì việc đi vệ sinh trở thành vấn đề nan giải. Do nhà trọ san sát nhau, khuất nắng nên trong mùa mưa dầm đồ phơi rất lâu khô. Phòng quá ẩm thấp lại nóng nên những công nhân phải dán giấy báo dày đặc trên tường để cách nhiệt.

6
Nơi giặt giũ, rửa rau và súc miệng là một bồn nước đã cũ, không gắn đèn nên khi trời tối mọi sinh hoạt của các công nhân thực hiện rất khó khăn.

8
Chị Phụng theo sát mọi nhất cử nhất động của con gái.

Sợ đứa con gái 2 tuổi bị vách nhà bén nhọn làm bị thương, chị Ngô Thị Phụng (36 tuổi, quê Kiên Giang) vừa rửa rau vừa liên lục dòm chừng. Thu nhập từ việc làm công nhân giày da chẳng khá khẩm là bao, chồng chị làm thợ hồ bữa đực bữa cái, nên mỗi tháng, tiền nhà trọ, điện nước, ăn uống và tiền cho con đi nhà trẻ đã ngốn sạch. “Đi mấy chỗ trọ khác toàn 1,5-2 triệu đồng chịu sao thấu. Ráng ở đây thêm vài năm, chờ con lớn rồi tính tiếp”.

Dù giá phòng có rẻ, tuy nhiên giá điện nước lại khá cao, gấp đôi, gấp ba giá Nhà nước. Tổng hợp tất cả, những gia đình nơi đây cũng ngốn trên dưới cả triệu đồng cho nơi ăn chốn ở tồi tàn của mình.

10
Cảnh phơi đồ tập thể, ẩm ướt và lâu khô là thực trạng mà hầu hết những ngôi nhà trọ công nhân đều gặp phải.

Sống trong cái khổ mãi nên cũng quen rồi

Hai tay đung đưa hai chiếc võng, bà Lùn (64 tuổi, quê Long An) không còn sức để lao mồ hôi đang nhễ nhại trên trán. Căn phòng trọ vỏn vẹn 3 mét vuông, thấp tè trong một con hẻm nhỏ ở phường Bình Trị Đông, quận Tân Bình phả ra hơi nóng khủng khiếp giữa trời nắng gay gắt. Oái ăm thay đó lại là nơi trú ngụ của 6 nhân khẩu, bao gồm bà, hai đứa cháu nhỏ và ba cô con gái. Đồng lương làm công nhân ít ỏi của con khiến bà phải khăn gói từ quê lên phụ con chăm cháu ngoại, vừa nhận trông trẻ thuê để kiếm thêm. “Già cả rồi, bệnh hoạn hoài nên phải ráng làm để có tiền mua thuốc uống. Con đứa nào cũng nghèo, đâu có lo nỗi cho mình. Thôi kệ, chịu khó chút vẫn sống phây phây mà” – bà Lùn nói.

12

Bà Lùn mệt mỏi chăm hai đứa trẻ trong căn phòng nóng bức.

13

Trời nóng cũng khiến hai bà cháu này phải chui ra ngoài cho dễ thở.

Vừa trở về sau một ngày làm việc, chị Trần Thị Thuý Vân (28 tuổi, quê Hà Tĩnh) tranh thủ tắm cho đứa con gái 8 tháng tuổi. Do nguồn nước ở chỗ trọ hay đóng cặn, để đảm bảo sức khoẻ cho con, chị vào một ngôi chùa xin những thùng nước sạch về. Chồng làm nghề lái xe tải, suốt ngày đi xa nên có thể nói đứa con là niềm an ủi, thủ thỉ sớm hôm với chị Vân. Chị tươi cười bào: “Ở trọ tuy khổ thật nhưng nhờ vậy em và ông xã mới gặp được nhau. Ở riết rồi quen, em thấy nhà trọ coi nhỏ vậy nhưng lại rất ấm cúng”.

15

Chị Vân tắm và xoa dầu cho con gái cưng sau khi tan ca làm.

3

Dù nhà trọ khá chật chội nhưng người phụ nữ vẫn cố sắp xếp một chỗ nhỏ để treo ảnh cưới.

Còn chị Hoàng Thị Mai (40 tuổi, quê Hà Tĩnh) thì bảo ráng làm công nhân giày da đến cuối năm rồi xin nghỉ, theo chồng lên Đà Lạt buôn bán. Nhờ những tháng ngày ở trọ tằn tiện, họ đã tích luỹ được một số vốn. Gần 20 năm lên Sài Gòn làm công nhân và ở trọ, chị Mai có rất nhiều bạn bè tốt, giúp đỡ nhau những lúc tắt lửa tối đèn. 

1
Một người mẹ đút cơm cho con trai trong căn trọ ngổn ngang.

14
Gia đình, tình yêu và những đứa con là thứ giúp những nữ công nhân cầm cự được với cảnh ở trọ chật chội và thiếu thốn.

Chị Mai cũng kinh qua đủ loại nhà trọ, từ vách phên, nứa đến vách tường nổi đầy rêu mốc, nấu củi ngoài sân nên thấy căn phòng hiện tại đã quá tiện nghi. Cái chị lo nhất chính là đứa con trai 3 tuổi rưỡi, cậu bé Nguyễn Trọng Thông, khi suốt ngày chỉ thui thủi trong nhà xem tivi. Cậu bé hay bị cảm, mà sống trong xóm trọ chật chội lại ẩm thấp như thế này, dịch bệnh luôn là thứ chầu chực khắp nơi.

Chia sẻ