Chuyện tình 46 năm của nhà báo giữ hai kỷ lục Guiness Việt Nam
Hỏi đời làm nhà báo, đôi chân bôn ba khắp nơi, gặp gỡ nhiều nhan sắc, có bao giờ ông có những phút “ngoài chồng ngoài vợ” không, ông Phương cười thật thà: “Người ta nói: “Đàn ông như cái nơm, bạ đâu úp đó”, còn tôi nghĩ không phải người đàn ông nào cũng vậy.
Một chuyện tình 46 năm chưa có một tiếng chì, tiếng bấc và phản ánh sinh động bóng dáng của thời cuộc, của đời sống báo chí và văn nghệ sĩ nửa thế kỷ qua. Có thể nói nhà báo Trần Thanh Phương và nhà báo, nhà giáo Phan Thu Hương là cặp vợ chồng say mê báo chí nhất Việt Nam cũng chẳng sai.
Nhà báo Trần Thanh Phương – nguyên Phó Tổng Biên tập Báo Đại Đoàn kết sở hữu một gia tài tư liệu đồ sộ được công nhận hai kỷ lục Guiness Việt Nam. Thế nhưng, hạnh phúc hơn ông còn có một hậu phương tuyệt vời, một người vợ hiền đồng cảm, đồng hành với ông suốt cả cuộc đời.
Phòng tân hôn ở gầm cầu thang
Ông Phương là con liệt sĩ, học sinh miền Nam tập kết sống ở miền Bắc không có bà con thân thuộc. Bà Phan Thu Hương học cùng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, cùng Khoa Văn sau ông Phương một khóa. Ông Phương gặp bà khi đến chơi nhà một cô bạn. Từ chỗ nhận ra có sự trùng hợp ngẫu nhiên giữa mình và cô gái hiền dịu gốc Thanh Chương (Nghệ An), đến xúc động trước hoàn cảnh côi cút cha mẹ nhưng đầy ý chí học tập và một tâm hồn văn chương ở cô gái ấy mà ông Phương yêu cô lúc nào chẳng hay. Mọi người khen đẹp đôi nên cũng hết lòng vun đắp cho mối tình này.
Nhớ về cái thuở ban đầu ấy, ông Phương nói: “Tôi và Hương chỉ biết yêu nhau và đi đến hôn nhân chứ chưa bao giờ nghĩ đến tương lai sẽ như thế nào: nhà cửa, tiện nghi cuộc sống và ngay cả đám cưới chúng tôi cũng không hình dung sẽ tổ chức ra sao... Hình như những năm tháng ấy ai cũng như ai, miễn cố sao làm việc thật tốt, quan hệ giữa con người với con người chân tình, quan tâm giúp đỡ nhau là mãn nguyện rồi”.
Giữa tháng 8/1968, đám cưới của ông bà diễn ra giản dị đến khó tin: Chỉ có bánh bích quy, bánh gai, kẹo Hải Châu và trà Thanh Hương. Không có trầu, rượu, không có lời tuyên bố, không có đại diện hai họ. Chú rể mượn chiếc quần vải xanh công nhân để mặc trong ngày cưới. Cô dâu thích chiếc áo sơ mi trắng pôpơlin nhưng không làm sao mua nổi. Quà cưới là dầu hôi, mỡ heo, diêm quẹt, xà bông giặt... Nhưng tình cảm sâu đậm của những người tới dự khiến ông bà nhớ mãi.
Lúc bấy giờ bà Thu Hương đang là phóng viên của Báo Người Giáo viên nhân dân. Sau đám cưới, cơ quan báo này bố trí cho cặp vợ chồng phòng tân hôn là khoảng trống dưới gầm cầu thang, vừa đủ đặt một chiếc giường cá nhân. Người lên, kẻ xuống cầu thang khiến bụi cứ rơi xuống giường. Bà Hương phải lấy giấy báo cũ dán lên gầm cầu thang.
Công trình khởi đầu từ ngôi nhà rộng hơn một cái giường
Sau đó, vợ chồng ông bà được chuyển đến một “cơ ngơi” khác, chính là căn nhà kho phía sau Tòa soạn Báo Người Giáo viên nhân dân. Mang tiếng là nhà kho nhưng nơi đây cũng không rộng hơn gầm cầu thang là bao, chỉ đặt vừa một chiếc giường cá nhân, thêm lối đi rộng đúng một hàng gạch. Mọi sinh hoạt của cặp vợ chồng từ ngủ, tiếp khách, ăn uống, viết lách... tất tần tật đều diễn ra trên chiếc giường cá nhân này. “Nhưng không hiểu sao lúc bấy giờ chúng tôi không có khái niệm về chật, rộng, về nhà cao, cửa rộng. Thật lạ!”, ông Phương nói.
Gần nửa thế kỷ, vợ chồng ông Phương, bà Hương gắn bó với nhau bằng một tình yêu thông hiểu đến kỳ lạ bởi trong tình vợ chồng còn có cả tình tri ân tri kỷ. Tình yêu riêng tư đó được đặt trong mối tình chung là tình yêu văn chương, báo chí. Chính từ ngôi nhà bé tẹo ấy với tình yêu cộng hưởng của hai người, kho tàng tư liệu dự trữ của họ đã ra đời và lớn dần lên theo thời gian.
Bà Hương không can ngăn chồng mình vét hết tiền lương ít ỏi mua sách báo sưu tầm làm tư liệu mà còn sốt sắng gom góp những bài báo hay cùng chồng. Những giờ phút hai vợ chồng cùng ngồi bên nhau cắt dán những bài báo hay, hoặc cùng đọc và bình luận sách báo chính là những giờ phút ấm áp hạnh phúc nhất trong mái ấm của ông bà.
Hơn nửa đời người chung thủy
Là người tài hoa, sâu sắc, một thời ông Phương là Phó Tổng Biên tập Báo Đại Đoàn kết, nhan sắc vây quanh không thiếu. Thế nhưng, ông chưa từng mảy may có một xao động nào khác ngoài người vợ của mình. Ông Phương kể: “Nhiều khi đi dạy về thấy tôi ngồi tiếp khách là nữ, cô ấy vẫn vui vẻ, niềm nở”.
Hỏi đời làm báo, đôi chân bôn ba khắp nơi, gặp gỡ nhiều nhan sắc, có bao giờ ông có những phút “ngoài chồng ngoài vợ” không, ông Phương cười thật thà: “Người ta nói: “Đàn ông như cái nơm, bạ đâu úp đó”, còn tôi nghĩ không phải người đàn ông nào cũng vậy. Nếu “úp” nhiều, thế nào cũng bị lộ. Vì người đàn ông giấu cái gì cũng được cả, chỉ trừ say rượu và tình yêu”.
Không chỉ yêu chồng, bà Hương còn hiếu thảo với mẹ chồng. Từ TP.HCM về đến quê chồng ở tận chóp mũi Cà Mau phải mất hai ngày đường tàu xe nhưng bà Hương vẫn thường thu xếp về thăm mẹ và em chồng. Chuyến thăm của bà luôn chuẩn bị chu đáo những xấp vải, chiếc áo, tấm chăn, hộp bánh, gói trà,...
“Tôi nhớ có lần hai vợ chồng lặn lội về thăm má, đến sông Ông Đốc, khi bước từ ghe sang chiếc tàu khách, tôi bị hụt chân rớt xuống sông. Nhưng kỳ lạ là lúc đó tôi không sợ đau, không sợ chết đuối, người thì ướt lướt thướt nhưng nhìn túi quà bánh, trà thuốc đem về biếu má bị hư hết tôi chỉ muốn khóc”, bà Hương hồi tưởng.