Chuyện giàu nghèo đến từ thói quen: Tiền xếp thành núi nhưng các tỷ phú thế giới không bao giờ lạm chi cho 9 thứ vô lý này!
Vì sao nói "đừng bao giờ dạy người giàu cách tiêu tiền?" - Về cơ bản, họ thấu hiểu giá trị của đồng tiền và luôn cẩn trọng trước khi rút ví, dù là những thứ nhỏ nhặt nhất.
Nghe hơi động chạm nhưng quả thật, người nghèo luôn mang theo suy nghĩ thế này: Người giàu muốn mua gì chẳng được!
Dù bạn là ai, giàu nghèo thế nào không cần biết, nhưng mang suy nghĩ như vậy là rất sai lầm. Hầu hết các tỷ phú nổi tiếng thế giới không được sinh ra đã ngậm thìa vàng, họ đều phải bắt đầu từ con số 0 hoặc túp lều tranh nào đó, cật lực làm việc trong nhiều năm mới có được tiền tài như hiện tại.
Quả thật, chúng ta vẫn thường ru nhau bằng câu "nghèo thì lâu chứ giàu thì mấy" nhưng thực tế đã chứng minh: Để giàu có là cả một quá trình cần kiệm, chi tiêu hợp lý dài hơi mới có được, chứ tiền kiếm ngày càng khó, chỉ cần vài thói quen hoặc hành động bột phát, cả gia tài có thể ra đi trong chớp mắt!
Dưới đây là 9 điều mà các tỷ phú giàu có nhất thế giới không bao giờ lạm chi để cho bạn thấy, chúng ta đã hoang phí như thế nào dù đang nghèo:
1. Đổ cả núi tiền vào mua sắm bất chợp theo sở thích
Nghe chừng việc vung tiền ra mua đồ hiệu trong BST mới nhất, mua chiếc ô tô sang nhất sẽ cực oách. Tuy nhiên, mua sắm bất chợt là điều hiếm khi người giàu có, đặc biệt là các tỷ phú làm.
Nhà đầu tư vĩ đại Warren Buffett từn nói: "Nếu mua những thứ không cần thiết, sớm muộn gì bạn cũng phải bán đi những thứ mình cần."
Cho cùng thì không phải người giàu không thích hàng hiệu, nhưng khác biệt ở chỗ họ mua bán có tính toán.
2. Để lại khoản thừa kế kếch sù cho con cái, không muốn chúng kham khổ làm lụng
Tâm lý chung của bố mẹ nghèo là cố gắng kiếm thật nhiều tiền để con cháu đời sau bớt khổ, đây quả thật là sai lầm!
Liệu một đứa trẻ lớn lên trong nhung lụa, được bố mẹ bao bọc có đạt được thành công, trưởng thành trong cuộc sống? Hãy trông tấm gương của Bill Gates: Để các con tự lập từ nhỏ, muốn mua gì, đi đâu du lịch hãy tự tiết kiệm tiền!
Đối mặt với khó khăn, vất vả là điều kiện cần để trưởng thành và các vị tỷ phú biết thừa điều đó.
3. Đã giàu thì thì phải xài hàng hiệu từ đầu đến chân, ở trong dinh thự đắt tiền
Rõ ràng, với khối tài sản ròng lên tới cả trăm, cả tỷ USD thì các tỷ phú dư sức sắm cả tủ đồ hiệu đủ dùng để cuối đời.
Tuy nhiên, không phải ai cũng làm như vậy.
Ingvar Kamprad, ông chủ của đế chế hàng tiêu dùng IKEA thường xuyên xuất hiện trong trang phục bình dân để làm gương cho nhân viên cũng như con cái; Bill Gates đeo đồng hồ Casio bình dân trong hàng chục năm; Warren Buffett sống trong ngôi nhà hơn 700 triệu đồng mua từ năm 1958 dù là ông trùm bất động sản...
Ngày nay, giới nhà giàu đang đầu tư nhiều hơn cho giáo dục và sức khỏe thay vì hàng hiệu để khoe mẽ.
4. Sở hữu cùng lúc nhiều thẻ tín dụng
Có gì đáng tự hào khi mở ví khoe cả mớ thẻ tín dụng?
Tom Corley, tác giả cuốn sách Rich Habits: The Daily Habits of Successful People (tạm dịch: Thói quen làm nên sự giàu có: Thói quen thường ngày của những người thành công) - cho biết: Chỉ có 8% số người giàu có nhiều hơn 1 thẻ. Trong khi đó, 77% người nghèo lại có cả tá thẻ tín dụng. Càng nhiều thẻ, ta càng dễ phung phí và cuối cùng, lại phải nai lưng ra làm để trả nợ.
5. "Lầy lội" trong thanh toán hóa đơn
Khi nhận được hóa đơn thanh toán cho các chi phí thường nhật, thậm chí là phiếu phạt - chị em nên trả tiền đúng hạn. Chẳng ai muốn phải nộp thêm tiền phạt, đặc biệt là người giàu.
Thường thì, họ đã đặt lệnh thanh toán tự động cho tài khoản của mình. Theo David Black, tác giả cuốn Smart Women Finish Rich (tạm dịch: Phụ nữ thông minh thường giàu có) thì: "Những khoản phạt vì chậm thanh toán hóa đơn chồng chất, có thể đáng giá bằng cả gia tài."
6. Chi tiền cho những thứ không có giá trị sử dụng lâu dài
"Tiền nào của nấy" - rõ ràng, của rẻ chẳng mấy khi bền bỉ lâu dài. Peter Bush, chuyên gia hoạch định tài chính tại Horizon Wealth Management cho biết: "Người giàu có tầm nhìn xa và có thể đánh giá được thứ họ mua có giữ giá trị theo thời gian hay không."
Hãy nhìn cách người Đức bán những chiếc chảo đắt như điên nhưng mua 1 lần dùng cả đời, như vậy chắc chắn vẫn tốt hơn mua chảo rẻ tiền để rồi vài tháng thay một lần.
7. Coi trọng vật chất hơn trải nghiệm
Tiền là thứ có thể kiếm ra bất cứ lúc nào, còn thời gian đã qua không thể lấy lại. Vậy tại sao cứ mải miết tích lũy tiền của mà quên đi việc nên trải nghiệm?
Vật chất là những thứ hiện hữu, có thể sờ nắm được, đơn giản như quần áo, giày dép, smartphone...Ngược lại, trải nghiệm mang tính trừu tượng, thiên về cảm giác như sự sung sướng khi được ăn ngon, choáng ngợp trước vẻ đẹp của thiên nhiên...
Bạn có bao giờ cảm thấy vướng mắc, đắn đo giữa vật chất và trải nghiệm? Là con người ai cũng sẽ có lúc mắc kẹt giữa hai thái cực này. Nhưng một ngày bạn sẽ nhận ra rằng: Tính toán, đong đếm tiền của là điều nên làm, nhưng chính trải nghiệm mới là thứ mang lại hạnh phúc trong cuộc sống.
8. Chăm chăm tích cóp để về hưu
Việc về hưu có thực sự quan trọng khi bạn vẫn có sức khỏe và đam mê?
Hãy nhìn hàng loạt các tỷ phú tự thân không có kế hoạch nghỉ hưu. Nghiên cứu vào năm 2010 của tổ chức Barclay's Wealth thì: Có đến 54% các triệu phú muốn tiếp tục làm việc ngay cả khi đã ở ngoài tuổi về hưu; 60% người có tài sản ròng trên 15 triệu USD tiếp tục làm việc bất chấp tuổi tác.
Có một hay nhiều khoản tiết kiệm là điều ai cũng nên làm. Tuy nhiên, cần phải chiến đấu cho hiện tại thì mới có thể nghỉ hưu trong tương lai.
9. Và cuối cùng là cờ bạc
Bạn đã thấy vị tỷ phú nào phát biểu trước đám đông rằng: Tôi tin vào may rủi và cờ bạc?
Có vẻ là không! Thi thoảng, mua vài tấm vé số để giải trí không phải là việc xấu, nhưng mù quáng đâm đầu vào cờ bạc để làm giàu thì tuyệt đối không nên.
Ở tuổi 88, siêu tỷ phú Warren Buffett vẫn kịch liệt lên án nạn cờ bạc. Ông chỉ trích hình thức này đã khiến bao gia đình tan nát, rơi vào bần cùng. Thậm chí, ông từng đặt máy đánh bạc trong nhà để giáo dục cho con cái về sự nguy hiểm của các trò chơi may rủi.
Tham khảo R.D