Cưới 2 năm vẫn chưa có thai dù cả hai đều khỏe mạnh

BS. Hoa Hồng,
Chia sẻ

Cưới được gần 2 năm, có quan hệ tình dục bình thường, không sử dụng biện pháp ngừa thai nào mà vẫn chưa có thai thì có thể nói là các bạn đang bị hiếm muộn.

Vợ chồng em kết hôn được gần 2 năm, mọi chuyện sinh hoạt vợ chồng diễn ra đều đặn và thuận lợi. Vợ chồng em không kế hoạch vì muốn có con ngay. Nhưng từ sau khi cưới đến giờ vẫn chưa có thai. Cả hai vợ chồng em đều khỏe mạnh, ít ốm đau, công việc cũng không vất vả hay stress gì cả. Em không biết nguyên nhân chậm có con là do em hay chồng em. Mong bác sĩ tư vấn giúp em để làm sao vợ chồng em sớm có em bé. Em xin cảm ơn! (Mai Mai)

BS. Hoa Hồng tư vấn:

Bạn Mai Mai thân mến,

Vợ chồng bạn đã cưới được gần 2 năm, có quan hệ tình dục bình thường và không sử dụng biện pháp ngừa thai nào nhưng chưa có thai thì có thể nói là các bạn đang bị hiếm muộn.

Việc bạn không cảm nhận được khi chồng xuất tinh cũng là hết sức bình thường vì rất nhiều chị em cũng có chung cảm giác như bạn nhưng họ vẫn có con. Nam giới khi xuất tinh, các cơ quanh vùng háng sẽ co bóp mạnh và đẩy tinh dịch bắn ra ngoài. Tuy nói là "bắn" nhưng cũng không đến nỗi quá mạnh. Đa phần phụ nữ đều không cảm nhận được mà chỉ biết khi người đàn ông lên đỉnh qua các hành vi của họ. Điều này chứng tỏ đây không phải là nguyên nhân khiến bạn chưa có thai. 

Cưới 2 năm vẫn chưa có thai dù cả hai đều khỏe mạnh 1
Tâm lý căng thẳng, stress cũng là nguyên nhân khiến vợ chồng bạn khó thụ thai. Ảnh minh họa

Để biết chính xác nguyên nhân hiếm muộn là do ai thì tốt nhất cả hai nên đi khám bạn ạ. 

Nói chung, khoảng 30% trường hợp nguyên nhân hiếm muộn là hoàn toàn do chồng, 30% nguyên nhân do vợ và phần còn lại là do nguyên nhân từ cả hai vợ chồng.

Các nguyên nhân hiếm muộn thường gặp ở phụ nữ gồm: tắc vòi trứng, không rụng trứng hay rụng trứng không đều, bệnh lạc nội mạc tử cung, bệnh u xơ tử cung...

Các nguyên nhân hiếm muộn thường gặp ở nam giới có thể bao gồm: không có tinh trùng, tinh trùng quá ít, tinh trùng di động yếu, tinh trùng bị dị dạng. Các vấn đề này có thể được chẩn đoán khi làm xét nghiệm về tinh dịch (thường gọi là tinh dịch đồ hoặc phân tích tinh dịch). Ngoài ra, nam giới có thể hiếm muộn do bị bất lực, xuất tinh sớm hay xuất tinh ngược dòng (tinh dịch không được phóng ra ngoài, mà chảy ngược vào bàng quang, sau đó được đi tiểu ra ngoài).

Trong một số trường hợp, cả hai vợ chồng đều bình thường về sức khỏe sinh sản nhưng môi trường âm đạo lại không "thân thiện " với tinh dịch nên sau khi xuất tinh, tinh trùng không sống được lâu trong âm đạo mà bị chết trước khi kịp thụ tinh. Trường hợp này thường được chẩn đoán bằng xét nghiệm sau giao hợp: bác sĩ sẽ lấy chất nhầy ở cổ tử cung người vợ vài giờ sau giao hợp để xem sự di động và khả năng sống của tinh trùng như thế nào.

Ngoài ra, cũng có trường hợp môi trường âm đạo của người phụ nữ có tính axit hoặc tính kiềm quá cao khiến tinh trùng không thích nghi được. Trong trường hợp này, bác sĩ sẽ hướng dẫn người phụ nữ những cách đơn giản để làm giảm tính kiềm hoặc tính axit, tạo môi trường thuận lợi cho tinh trùng sống và di chuyển vào đường sinh dục nữ để thụ tinh.

Vì vậy, bạn đừng chần chừ nữa mà nên đi khám sớm nhé.

Chúc vợ chồng bạn sớm có tin vui!


Nếu bạn đọc có những thắc mắc về sức khỏe tâm sinh lý giới tính cần được tư vấn xin gửi về email: suckhoe@afamily.vn




Có nhiều điều cần biết khi đi khám hiếm muộn, bạn nên tham khảo để biết thêm nhé!
Cưới 2 năm vẫn chưa có thai dù cả hai đều khỏe mạnh 2
Chia sẻ