Chuyên gia cảnh báo: Gần 42% học sinh tiểu học thành thị bị thừa cân, béo phì
Trẻ em ở vùng nông thôn có tỷ lệ suy dinh dưỡng cao; thừa cân, béo phì tập trung ở vùng thành thị.
Đó thông tin được cho biết tại Hội thảo Công bố kết quả nghiên cứu tình trạng suy dinh dưỡng, khẩu phần, tần suất tiêu thụ và thói quen sử dụng thực phẩm của học sinh ở một số tỉnh thành của Việt Nam được Viện Dinh dưỡng Quốc gia tổ chức sáng này ngày 3/7.
Theo PGS.TS Trần Thúy Nga – Chuyên gia nghiên cứu Viện Dinh dưỡng quốc gia nghiên cứu này được thực hiện tại 75 trường thuộc 25 xã, phường của TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và tỉnh Thái Nguyên, Nghệ An và Sóc Trăng.
Năm 2017-2018 là thời gian thực hiện nghiên cứu với đối tượng là học sinh tiểu học, THCS và THPT.
Năm 2017-2018 là thời gian thực hiện nghiên cứu với đối tượng là học sinh tiểu học, THCS và THPT.
Kết quả nghiên cứu cho thấy có sự tồn tại đồng thời cả hai vấn đề suy dinh dưỡng và thừa cân, béo phì ở trẻ em và có sự khác biệt theo vùng. Trẻ em ở vùng nông thôn có tỷ lệ suy dinh dưỡng cao; thừa cân, béo phì tập trung ở vùng thành thị.
Cụ thể, trong khi học sinh tiểu học ở thành phố có tỷ lệ béo phì là 22,7% thì học sinh ở vùng nông thôn chỉ chiếm 7,4%.
Khi tính chung, tình trạng thừa cân béo phì của học sinh tiểu học thành thị chiếm 41,9% và nông thôn 17,8%.
Đối với học sinh THCS, học sinh thành thị thừa cân chiếm 20,9%, trong khi học sinh nông thôn là 7,9%. Tuy nhiên, học sinh THCS vùng nông thôn lại có tỷ lệ thấp còi lên tới 20,1%, còn học sinh thành thị là 3,8%.
Tương tự, học sinh THCS vùng nông thôn có tỷ lệ gầy còm lên tới 15,6%, học sinh thành thị là 3,4%.
Đối với học sinh THPT, tỉ lệ thừa cân, béo phì thấp hơn so với học sinh cấp tiểu học và THCS. Nhưng, học sinh THPT vùng thành thị vẫn chiếm tỉ lệ cao hơn so với học sinh vùng nông thôn, lần lượt là 13,5% và 6,2%.
Suy dinh dưỡng và thừa cân và béo phì đan xen là cửa ngõ của nhiều bệnh mãn tính có liên quan đến dinh dưỡng như đái tháo đường, tăng huyết áp, bệnh tim mạch và cả một số bệnh ung thư.