Căn bệnh gây rối loạn tình dục nhưng chị em Việt cam chịu vì ngại ngần: Phụ nữ béo phì, sinh nhiều con càng cần chú ý

Hoàng Lê,
Chia sẻ

Các chuyên gia ghi nhận nhiều trường hợp phụ nữ mắc bệnh này nhưng cố chịu đựng kéo dài do ngại ngần, mặc cảm, tự ti dẫn tới việc đánh mất cơ hội được điều trị hiệu quả.

Mới đây, Hội thảo khoa học vể những cập nhật trong điều trị bệnh lý sa tạng chậu có sự tham gia của các giáo sư, bác sĩ đầu ngành Tiết niệu, niệu nữ, sàn chậu học, Hội sàn chậu TP.HCM cùng các chuyên gia đến từ Pháp đã được tổ chức tại Bệnh viện Bình Dân. Tại hội thảo, vấn đề liên quan đến rối loạn tình dục ở phụ nữ là sa tạng chậu được đề cập rất chi tiết.

Căn bệnh gây rối loạn tình dục nhưng chị em Việt cam chịu vì ngại ngần: Phụ nữ béo phì, sinh nhiều con càng cần chú ý - Ảnh 1.

Hội thảo về bệnh lý sa tạng chậu.

Căn bệnh gây rối loạn tình dục ở phụ nữ

Theo các bác sĩ, sa tạng chậu là tình trạng sa xuống của một hay nhiều cơ quan vùng chậu khỏi vị trí giải phẫu bình thường qua ngả âm đạo như sa bàng quang, tử cung, âm đạo, trực tràng, ruột và các mô liên kết do sự tổn thương và suy yếu các cấu trúc cân cơ và dây chằng nâng đỡ sàn chậu.

Bệnh lý sa tạng chậu gây các rối loạn tiểu, rối loạn tiêu hóa, các rối loạn tình dục, làm ảnh hưởng đến chất lượng sống của phụ nữ.

Chuyên gia ghi nhận nhiều trường hợp phụ nữ mắc bệnh chịu đựng tình trạng bệnh tật kéo dài do ngại ngần, mặc cảm, tự ti dẫn tới việc đánh mất cơ hội được điều trị hiệu quả.

Căn bệnh gây rối loạn tình dục nhưng chị em Việt cam chịu vì ngại ngần: Phụ nữ béo phì, sinh nhiều con càng cần chú ý - Ảnh 2.

Phụ nữ mang bầu nhiều lần dễ bị sa tạng chậu.

Bệnh thường xuất hiện ở phụ nữ sau mãn kinh, mang thai và sinh con nhiều lần, béo phì, làm việc nặng, táo bón mạn tính, bệnh lý hô hấp mạn tính và từng phẫu thuật vùng chậu.

Nguyên nhân phổ biến nhất của bệnh là do quá trình sinh nở, các cơ quan vùng chậu bị giãn ra hết mức nên dần dần yếu đi. Ngoài ra, sự sụt giảm nồng độ hormone estrogen trong thời kỳ trước và sau khi mãn kinh cũng có thể gây ra bệnh.

Theo thống kê của Hội Sàn chậu TP.HCM, sa tạng chậu ảnh hưởng đến 40% phụ nữ ở độ tuổi trên 50. Đáng lo ngại là trong số này, cứ 5 người thì có 1 người bị sa từ 2 cơ quan trở lên.

Như trường hợp của cô V..T.L (67 tuổi) bị sa bàng quang độ 3-4 và sa cả mỏm cụt âm đạo.

Cô bị rối loạn đi tiểu nhiều năm nhưng cam chịu bệnh vì e ngại, sợ sẽ mất mặt với gia đình, hàng xóm và nghĩ điều trị sẽ mất rất nhiều thời gian. Hậu quả là gần đây, người bệnh còn rối loạn đi tiêu.

Căn bệnh gây rối loạn tình dục nhưng chị em Việt cam chịu vì ngại ngần: Phụ nữ béo phì, sinh nhiều con càng cần chú ý - Ảnh 3.

Phẫu thuật nâng đỡ sàn chậu bằng mảnh ghép 6 nhánh.

Tại Bệnh viện Bình Dân sau khi xác định tình trạng bệnh nhân, ekip phẫu thuật đã nâng đỡ sàn chậu bằng mảnh ghép 6 nhánh. Ca mổ thành công chì trong thời gian 90 phút. Bệnh nhân được rút thông tiểu, rút gạc âm đạo sau 1 ngày và dự kiến sẽ sớm hồi phục.

Nặng hơn là tình trạng của bà N.T.P (71 tuổi, quê Đồng Tháp) khi bệnh nhân vừa bị sa bàng quang độ 3, vừa sa tử cung độ 2.

Bệnh nhân phát hiện có khối sa ra âm đạo nhiều năm nay kèm rối loạn đường tiểu (tiểu lắt nhắt, tiểu khó, tiểu nhiều lần) nhưng nghĩ tuổi đã cao nên chủ quan không điều trị dẫn đến bệnh ngày càng nặng.

Các bác sĩ cũng đã thực hiện phẫu thuật nâng đỡ sàn chậu để giải cứu bệnh nhân trong chưa đầy 2 tiếng đồng hồ.

Phương pháp điều trị sa tạng chậu giúp giữ lại tử cung

Các bác sĩ cho biết, 2 phụ nữ trên cũng là 2 trường hợp đầu tiên tại Việt Nam được áp dụng phẫu thuật nâng đỡ thành chậu bằng mảnh ghép 6 nhánh.

Đây là phương pháp giúp tăng cường hiệu quả nâng đỡ khi các nhánh của mảnh ghép được khéo léo gắn vào các vị trí giải phẫu phù hợp.

Căn bệnh gây rối loạn tình dục nhưng chị em Việt cam chịu vì ngại ngần: Phụ nữ béo phì, sinh nhiều con càng cần chú ý - Ảnh 4.

Chị em cần cảnh giác khi thấy ra huyết âm đạo, rối loạn tiểu.

Cho đến nay, phẫu thuật đặt mảnh ghép không ngừng được cải tiến nhằm tối ưu hóa điều trị, hướng tới mục tiêu:

Giảm hoặc khỏi triệu chứng

Tái lập cấu trúc nâng đỡ và cấu trúc vùng chậu

Phòng ngừa xuất hiện các thành phần suy yếu mới

Sửa chữa các thương tổn phối hợp

Hiệu quả kéo dài.

Rút ngắn thời gian phẫu thuật, hạn chế mất máu, giảm đau, giảm biến chứng tại chỗ, bảo tồn tối đa cấu trúc giải phẫu tự nhiên của vùng chậu.

Căn bệnh gây rối loạn tình dục nhưng chị em Việt cam chịu vì ngại ngần: Phụ nữ béo phì, sinh nhiều con càng cần chú ý - Ảnh 5.

Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân bị rối loạn tình dục.

Sự ra đời của các vật liệu thay thế và cách thức đưa mảnh ghép vào bên trong vùng sàn chậu đã mở ra bước tiến mới trong điều trị các bệnh lý sa tạng chậu.

Từ đó giúp loại bỏ quan điểm trước đây là cần cắt tử cung để điều trị nhóm bệnh lý này, vốn được chứng minh làm tăng nặng tình trạng bệnh và khiến việc điều trị khó khăn hơn.

Các bác sĩ khuyên chị em nên đến bệnh viện ngay nếu bị khó tiểu, xuất huyết âm đạo hay các triệu chứng như: Cảm giác đè nặng ở vùng chậu, đau khi quan hệ, nhức mỏi lưng dưới, đi đại tiện khó khăn, đầy bụng.

Ngoài ra để phòng bệnh, cần tránh rặn mạnh khi đại tiện, ăn thực phẩm giàu chất xơ để không bị táo bón. Thực hành các bài tập Kegel để làm săn các cơ vùng chậu...

Chia sẻ