Bé trai 14 năm tiểu ngồi vì dị tật: Mẹ béo phì, mang thai muộn thấy con có dấu hiệu này cần đi khám ngay

Hoàng Lê,
Chia sẻ

Căn bệnh khiến lỗ tiểu của bé sát gần hậu môn, 14 năm phải ngồi tiểu và chịu bao cười chê, kỳ thị từ bạn bè.

Đó là trường hợp của D.K (14 tuổi, quê Cần Thơ). 

Tiến sĩ, bác sĩ Lê Thanh Hùng, khoa Ngoại Tổng hợp Bệnh viện (BV) Nhi Đồng 1 (TP.HCM) cho biết, bệnh nhi K. mang bộ phận sinh dục nam nhưng bị lỗ tiểu thấp, khiến từ lúc mới sinh ra đã chịu cảnh tiểu ngồi. 

Bé trai 14 năm tiểu ngồi vì dị tật: Mẹ béo phì, mang thai trễ cần chú ý để con không bị bệnh này - Ảnh 1.

Bé D.K.

Bé trai 14 năm tiểu như con gái

Khi đến tuổi đi học, tình trạng này khiến bé bị bạn cùng lớp liên tục trêu chọc. 

Không thể chịu nổi những lời như "thằng đái ngồi", bé phải xin cha mẹ ngừng cấp sách đến trường khi đang học lớp 3. 

Vì hoàn cảnh khó khăn không có điều kiện lên thành phố để phẫu thuật, nhiều năm trời bé vẫn phải đi vệ sinh như con gái. 

Mặc cảm khiến tinh thần D.K giảm sút nặng nề, mất dần khả năng đọc chữ. Sợ con không thể chịu nỗi, gần đây cha mẹ quyết định liều đưa bé đến BV Nhi Đồng 1 cầu cứu. 

Bác sĩ Hùng thông tin, bé được đưa đến BV trong tình trạng dị tật lỗ tiểu thấp thể lâm sàng rất nặng, bộ phận sinh dục như nữ, lỗ tiểu sát gần lỗ hậu môn. Cha mẹ bé cũng không đủ tiền cho con điều trị. 

"Dị tật lỗ tiểu thấp này bao gồm các thương tổn chính là: Lỗ niệu đạo nằm lệch thấp hơn vị trí bình thường so với đỉnh quy đầu, từ rãnh dương vật cho tới tầng sinh môn, thiếu da ở mặt bụng dương vật và dương vật cong ở nhiều mức độ tùy theo thương tổn. Ở thể nặng trẻ có thể tiểu ngồi" - Bác sĩ chia sẻ. 

 Ngay sau khi tiếp nhận, kíp phẫu thuật của BV Nhi đồng 1 đã lên kế hoạch để phẫu thuật, giải quyết tình trạng lâm sàng nặng nhất của lỗ tiểu thấp. Ca phẫu thuật thành công, bé K. nhanh chóng phục hồi sức khỏe. 

Bé trai 14 năm tiểu ngồi vì dị tật: Mẹ béo phì, mang thai trễ cần chú ý để con không bị bệnh này - Ảnh 2.

Bác sĩ thực hiện ca phẫu thuật dị tật ở vùng kín cho trẻ.

Và vui nhất là bé đã trở lại là một cậu nhóc tự tin khi có thể đứng tiểu và hình hài bộ phận sinh dục nam dần hoàn thiện. 

Theo các bác sĩ, bệnh nhi dù còn phải thêm một lần mổ nữa để hoàn thiện những đã có thể đi vệ sinh được như bình thường. 

Bé K. tâm sự với bác sĩ sẽ sớm trở lại trường. Tết này với K. và cha mẹ là cái Tết hạnh phúc nhất từ trước đến giờ. 

Phụ nữ béo phì, mang thai trễ cần cảnh giác

Lỗ tiểu thấp là một dị tật bẩm sinh làm cho niệu đạo, vật hang, vật xốp, quy đầu phát triển không hoàn toàn, tỉ lệ xảy ra khoảng 4/1.000 trẻ sơ sinh. 

Ngoài khả năng do di truyền, hiện chưa xác định nguyên nhân cụ thể khác từ dị tật này. 

Dù vậy có một số yếu tố ảnh hưởng từ người mẹ khiến con sinh ra có thể bị lỗ tiểu thấp. Phụ nữ mang thai từ 35 tuổi trở lên và mắc bệnh béo phì, đang điều trị vô sinh bằng hormone có thể gây nguy cơ dị tật đường tiểu cho con. 

Bé trai 14 năm tiểu ngồi vì dị tật: Mẹ béo phì, mang thai trễ cần chú ý để con không bị bệnh này - Ảnh 3.

Bà bầu mang thai trễ cần chú ý các dấu hiệu của con sau khi sinh.

Lỗ niệu đạo có thể nằm ở bất kỳ vị trí nào trên thân dương vật, thậm chí ở bìu dái hay tầng sinh môn. 

Về dấu hiệu, trẻ bị dị tật lỗ tiểu thấp thường đi tiểu với tia nước nhỏ, niệu đạo phình ra như quả bóng, dương vật cong xuống phía dưới hoặc tiểu giống nhữ như trường hợp trên. 

Để điều trị, bác sĩ sẽ cắt bỏ các mô xơ chung quanh hang dương vật, dựng thẳng dương vật lên và dùng các vạt da/mô tạo hình ống niệu đạo. 

Thời gian phẫu thuật phù hợp nhất là khi trẻ từ 6 tháng đến 2 tuổi. 

Bé trai 14 năm tiểu ngồi vì dị tật: Mẹ béo phì, mang thai trễ cần chú ý để con không bị bệnh này - Ảnh 4.

Bệnh nhi cần được phẫu thuật sớm.

Dị tật lỗ tiểu thấp có thể đi kèm với các dị tật khác (như tinh hoàn ẩn, thoát vị bẹn), do đó bác sĩ khuyên cha mẹ nên chú ý các bất thường của con mà đưa đến cơ sở y tế cho chuyên khoa Niệu đạo, Nam học can thiệp sớm.

Chia sẻ