"Chuẩn" khi được làm mẹ
Đối với người phụ nữ, hạnh phúc lớn nhất là được làm mẹ. Nhưng với cô tôi, hạnh phúc đó gắn với nhiều nỗi đắng cay, ê chề.
Bà Nội thương cô, khuyên cô: thôi thì số mình nó vậy, đành chấp nhận mà sống thôi con ạ! Và cô chấp nhận. Hơn 40 năm, cô chẳng mấy khi ra ngoài, gặp ai. Cô chỉ đi đi về về giữa nhà Nội và cái chợ nơi cô buôn bán mưu sinh. Có khách đến nhà, cô cũng chẳng mấy khi tiếp, cô tránh mặt hẳn nơi sau nhà. Khi bé, tôi cứ cảm thấy cô kỳ lạ thế nào đó? Rồi khi lớn hơn, hiểu chuyện hơn, tôi lại thấy thương cho cô vô cùng. Tạo hóa thật bất công với cô, đã không cho cô một ngoại hình dễ nhìn, lại chẳng bù đắp cho cô gì cả. Cô xấu lại không thông minh nên ông Nội tôi cũng chẳng cho cô đi học. Ông để dành phần được đến trường cho các cô chú khác. Thế nên, cô vẫn thường nói với tôi rằng: cô chẳng có gì để tự tin hay tự hào về mình cả, cô thua kém người khác về mọi mặt!
Một ngày, tình yêu đến với cô. Cho đến bây giờ tôi không rõ gọi đó là hạnh phúc hay là đắng cay. Vì dư âm của nó khiến cô tôi phải khổ sở rất nhiều. Người cô yêu là một chàng trai nhỏ hơn cô một con giáp và là tài xế chạy xe cho công trình xây dựng trước nhà Nội tôi. Dù cô không nói ra, nhưng nhìn những thay đổi của cô. Cả nhà đều đoán được. Cô tôi đổi khác. Sức mạnh của tình yêu thật kỳ lạ! Cô tôi hay cười, hay trò chuyện với mọi người. Cô tôi mặc nhiều đồ đẹp hơn, chăm chút cho mình hơn. Thậm chí cô tôi còn hát. Điều mà trước đây tôi chưa bao giờ thấy. Rồi khi bà Nội tôi hỏi, bằng giọng tự hào của người phụ nữ đang yêu, cô tôi thừa nhận và kể cho Nội tôi nghe tất cả. Nội tôi thở dài lo lắng! Nội tôi nghi ngờ cái tình yêu của chàng trai kia, nhất là Nội cho rằng những thằng đàn ông làm nghề lái xe thì không mấy đàng hoàng. Ông Nội tôi thì dọa: mày làm sao thì làm, đừng để tao mất mặt, đừng để hơn 40 tuổi đầu mà chửa hoang đó! Cô tôi khóc, buồn vì tình yêu của mình không được ủng hộ.
Cho đến một ngày, bà Nội phát hiện cô đang khóc, khóc rất nhiều và trên tay cô là chai thuốc trừ sâu đã mở nắp. Nội ôm cô khóc. Nội động viên rất nhiều và rồi cô cũng bình tâm kể lại. Người đàn ông mà cô yêu thương, người mà cô cho rằng sẽ khiến cuộc đời cô đổi khác, người khiến cô tin rằng "người phụ nữ dù xấu vẫn có thể có tình yêu" đã bỏ đi, đi thật xa. Buồn hơn nữa khi toàn bộ số tiền mà cô đã dành nửa đời người dành dụm đã bị anh ta lấy mất. Đau lòng hơn nữa, giờ trong cô đang mang cốt nhục của anh ta. Cô không biết phải làm thế nào? Cô không biết phải sống ra sao?
Ông Nội tôi biết chuyện. Ông đòi giết chết cô. Ông không muốn cô làm ông xấu hổ, làm dòng họ ô uế. Ông đã đe cô rồi, nhưng cô không nghe. Các cô chú khác, không ai đứng về phía cô. Họ, hoặc là mắng là chửi cô thật thậm tệ hoặc là buộc cô phải phá bỏ đứa trẻ trong bụng. Nhưng cô tôi quyết giữ đứa trẻ lại. Cô nói, đời cô chẳng ra gì rồi, nhưng cô muốn được làm mẹ. Cô muốn được làm một người phụ nữ thật sự! Dù có khổ cực, đắng cay, cô cũng sẽ cố gắng nuôi nó nên người.
Ngày cô sinh, không có cha của đứa bé, không mấy ai đến thăm. Chỉ có bà Nội tôi, thương cô, lại giúp cô, dạy cô cách chăm bé. Có nó, cô tôi thêm phần khổ. Sáng phải đi bán ở chợ từ rất sớm, về đến nhà lại lao vào chăm nó. Không có thời gian nghỉ ngơi, ăn uống thất thường, cô tôi càng ngày càng già, càng tiều tụy. Và đương nhiên là ngày càng xấu. Hàng xóm xung quanh, có người thương cảm cho cô, có người vẫn nhắc, vẫn thị phi chuyện cô không chồng mà chửa, chuyện cô bị người ta gạt hết tiền mà còn mang "của nợ" vào mình. Bỏ mặc ngoài tai, cô tôi làm tất cả để nuôi đứa trẻ tốt nhất. Trong ký ức của tôi, dù cô tôi trông xuề xòa, xấu xí nhưng nó thì lúc nào cũng tươm tất; ngày Tết, ngày lễ nó vẫn có quần áo mới như bao đứa trẻ khác. Và đương nhiên nó được cô tôi cho đi học. Cô tôi luôn nhắc về nó, nói về nó bằng tất cả niềm tự hào. Từ ngày có nó, cô tôi rất hay cười. Cô thường xuyên trò chuyện với mọi người. Cô hay đưa nó đi chơi, thăm hỏi bà con họ hàng. Lâu dần, người ta đã quên đi câu chuyện xuất thân của nó. Lâu dẫn, từ chê trách, dè bỉu cô, người ta thấy thương cô và nó hơn.
Và trong câu chuyện giữa tôi và cô, cô vẫn thường nói với tôi rằng: nó là tất cả đối với cô, không có nó, đời cô chẳng là gì cả. Khi còn bé, tôi chưa hiểu hết câu nói đó. Giờ đây, khi đã là một người mẹ, tôi mới thật sự hiểu. Để đánh giá một người phụ nữ, chúng ta có nhiều tiêu chí, chuẩn mực khác nhau. Sắc đẹp, sự thông minh, đức hạnh...Nhưng bản thân tôi cho rằng điều "chuẩn" nhất là được làm mẹ và được làm tất cả vì con. Chính đứa bé là bước ngoặt khiến cô trở thành một người phụ nữ thật sự. Chính sự ra đời của nó, đã khiến đời cô có ý nghĩa. Cô không là người phụ nữ đẹp, hoàn hảo nhưng cô là người mẹ hoàn hảo.