Chàng trai trẻ hôn mê, lượng đường trong máu vượt gấp 16 lần bình thường vì “cuồng” trà sữa
Tiểu Mao không thể ngờ loại đồ uống ngọt lịm này lại khiến lượng đường trong máu anh vượt gấp 16 lần bình thường và phải vào viện cấp cứu.
Chàng trai 29 tuổi này tên là Tiểu Mao (tên nhân vật đã được thay đổi), người Trung Quốc. Cũng như bao bạn trẻ khác, Tiểu Mao rất thích uống trà sữa trân châu, thậm chí anh chàng có thể uống liền vài cốc trong một ngày cũng được. Nhưng Tiểu Mao không thể ngờ chính sở thích tai hại này lại có thể khiến anh phải nhập viện cấp cứu.
Uống quá nhiều trà sữa khiến chàng trai phải nhập viện cấp cứu (Ảnh minh họa)
Một ngày, Tiểu Mao bất ngờ hôn mê bất tỉnh tại phòng trọ, rất may là người bạn cùng phòng phát hiện ra liền gọi cấp cứu và đưa anh chàng tới khoa nội tiết và chuyển hóa của Bệnh viện Hữu nghị Trung Quốc – Nhật bản để cấp cứu. Sau khi nhập viện, ai cũng sốc khi bác sĩ Yang Wenying, trưởng khoa nội tiết và chuyển hóa thông báo rằng lượng đường trong máu của Tiểu Mao đã tăng vọt lên 88,37mmol/L, gấp 16 lần so với người bình thường. (Đường huyết lúc đói của một người bình thường < 5,6 mmol/l).
Khi Tiểu Mao tỉnh lại, chàng trai thú nhận 2 tuần trước khi phát bệnh mình thường cảm thấy khắp cơ thể mệt mỏi, khô miệng và sụt cân. Tuy nhiên, anh ta chỉ nghĩ rằng mình bị thiếu nước vào mùa hè nên việc cảm thấy khát là bình thường. Cũng vì thế Tiểu Mao quyết định uống trà sữa nhiều hơn để dịu cơn khát của mình.
Theo bác sĩ Yang Wenying, Tiểu Mao đã mắc bệnh tiểu đường vì vậy cần phải điều trị lâu dài, duy trì lối sống lành mạnh… nếu không thì ngay cả việc dùng loại thuốc tốt nhất để điều trị thì cũng không thể nào kiểm soát được lượng đường trong máu.
Bác sĩ Yang Wenying, trưởng khoa nội tiết và chuyển hóa, Bệnh viện Hữu nghị Trung Quốc – Nhật bản. (Ảnh: Sohu)
Những yếu tố ảnh hưởng đến đường huyết
- Chế độ ăn: Người bệnh tiểu đường cần phải tuân thủ chế độ ăn cân bằng và phù hợp. Tránh dùng những thực phẩm có chỉ số đường huyết cao hoặc ăn kiêng khem không đủ dinh dưỡng.
- Căng thẳng tâm lý.
- Uống thuốc: Việc sử dụng các loại thuốc điều trị đái tháo đường hoặc các loại thuốc khác nhau có thể có hiệu ứng khác nhau đối với đường huyết của bạn.
- Tập thể dục với cường độ nhẹ hay nặng sẽ làm giảm hoặc tăng đường huyết.
Đường huyết trong "vùng nguy hiểm" có thể khiến bệnh nhân đối mặt với hậu quả gì?
Đường huyết được xem là bất thường khi :
- Lúc đói đường huyết <70 mg/dL (3,9mmol/L).
- Sau ăn 2 giờ đường huyết > 200mg/dL (11,1mmol/L)
Hậu quả:
- Đường huyết hạ thấp hơn 60mg/dL dễ dẫn đến hôn mê thậm chí tử vong nếu không điều trị kịp thời.
- Đường huyết tăng cao trên 180mg/dL gây ra các biến chứng ở mắt, thận, thần kinh, mạch máu, tim, não…
- Đường huyết quá cao gây ra các biến chứng cấp như hôn mê nhiễm toan ceton, hôn mê tăng áp lực thẩm thấu…
- Đường huyết lúc quá cao, lúc quá thấp cũng có thể dẫn đến nhiều biến chứng, làm giảm chất lượng cuộc sống..
Làm cách nào để tránh vùng đường huyết nguy hiểm?
Theo Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ (ADA), mức đường huyết sau đây là an toàn đối với đa số người bệnh đái tháo đường:
- Đường huyết lúc đói: 90-130mg/dL (5,0mmol/L - 7,2mmol/L).
- Đường huyết sau ăn 1-2 giờ: Dưới 180mg/dL (10mmol/L)/
- Đường huyết trước khi ngủ: 110mg/dL - 150mg/dL (6,0mmol/L-8,3mmol/L).
Nếu được bác sĩ chẩn đoán mắc đái tháo đường (tiểu đường), bạn cần lưu ý một số vấn đề sau:
- Tự theo dõi đường huyết và biết mức đường huyết cần đạt (vùng đường huyết an toàn).
- Biết cách xử lý khi đường huyết dao động nhiều, quá cao hay quá thấp.
- Tuân thủ chế độ ăn cân bằng, hợp lý, đủ dinh dưỡng.
Bệnh nhân tiểu đường nên có chế độ ăn uống hợp lý.
- Chăm chỉ tập thể dục hàng ngày nhưng nên chọn hoạt động an toàn và hiệu quả như đi bộ 30 phút/ngày.
- Dùng thuốc điều trị đái tháo đường đúng cách, theo hướng dẫn của bác sĩ.
- Ngưng hút thuốc lá.
(Nguồn: Sohu)