Chàng trai đột quỵ, liệt nửa người vì ăn 2 món “khoái khẩu” của người trẻ 3 ngày mỗi tuần
Nhiều người trẻ thường ăn uống theo sở thích mà không quan tâm những món “khoái khẩu” của mình sẽ hại đến sức khỏe như thế nào.
Anh Wang (tên họ nhân vật đã được thay đổi) cũng là một người như vậy. Anh năm nay ngoài 30 tuổi, còn độc thân và đang làm việc tại Đài Trung (Đài Loan, Trung Quốc). Theo anh, công việc và các mối quan hệ trong cuộc sống vốn đã khiến bản thân vô cùng mệt mỏi nên ăn uống chính là cách để giảm đi áp lực và cho anh quyền tự do lựa chọn. Nhưng anh cũng không ngờ được rằng chính những món “khoái khẩu” của mình lại khiến bản thân đột quỵ, liệt nửa khi còn rất trẻ.
Đồng nghiệp của anh Wang, cũng là người đưa anh đến bệnh viện cấp cứu kể lại, buổi sáng ngày hôm đó anh có vẻ mệt mỏi, liên tục xoa bóp đầu. Đến gần giờ nghỉ trưa, cả văn phòng đang tập trung làm việc thì đột nhiên nghe thấy tiếng động lớn. Anh này quay sang nhìn thì thấy anh Wang ngã ra đất, miệng méo xệch sang một bên, một mắt không nhắm lại được và nước mắt cứ chảy ra.
Mọi người vội vã nâng anh Wang dậy và hỏi han nhưng phát hiện anh không thể nói ra thành tiếng, nửa người bên trái cũng không cử động được. Ngay lập tức anh này gọi xe cấp cứu, sau đó cùng một đồng nghiệp nghiệp thân thiết khác và đại diện ban quản lý nhân sự công ty đưa anh Wang tới bệnh viện.
Bác sĩ cấp cứu Wu Yuxuan cho biết, anh Wang bị đột quỵ, cụ thể là bị nhồi máu não. “Bán cầu não trái của bệnh nhân bị phù và lưu lượng máu giảm ở vùng cấp máu động mạch não giữa. Chẩn đoán cuối cùng là bị nhồi máu não do tắc nghẽn mạch máu nội sọ lớn. Chúng tôi đã điều trị khẩn cấp bằng thuốc tiêu sợi huyết rTPA (Alteplase) nhưng không có hiệu quả nên lập tức tiến hành phẫu thuật cắt bỏ huyết khối động mạch não.
Mặc dù ca phẫu thuật diễn ra thành công, giữ được mạng sống nhưng nửa người bên trái của bệnh nhân vẫn rất khó cử động. Hiện bệnh nhân đang được tiếp tục điều trị tích cực kết hợp với châm cứu cải thiện tuần hoàn máu và các bài tập phục hồi chức năng khác” - bà nói thêm.
Phân tích bệnh sử chỉ ra nguyên nhân dẫn tới nhồi máu não ở anh Wang là do thói quen ăn uống không lành mạnh. Anh đặc biệt yêu thích hai món là gà rán và trà sữa, đây cũng là những món “khoái khẩu” của người trẻ tuổi. Đồng nghiệp của anh Wang cho biết, một tuần đi làm 5 - 6 ngày thì sẽ có 3 ngày anh gọi hai món này. Điều quan trọng là cơ thể anh cao lớn và khẩu phần ăn cũng nhiều gấp đôi người khác, anh ăn gà rán và trà sữa thay cho bữa chính trong ngày. Nếu có ai góp ý, anh Wang sẽ xua tay nói đó là cách giải tỏa căng thẳng của riêng mình.
Theo giải thích của bác sĩ Wu: “Tuy ngon miệng, kích thích vị giác và có thể có tác dụng cải thiện tâm trạng nhất thời nhưng đồ ăn nhiều calo, nhiều dầu mỡ như gà rán và nhiều đường như trà sữa rất hại cho sức khỏe. Bản thân cả hai món này đều rất giàu calo, lại nhiều đường và nhiều muối, dẫn tới tạo gánh nặng cho nhiều cơ quan trong cơ thể, nhất là thận và tim.
Sau khi protein được chiên rán ở nhiệt độ cao, dinh dưỡng bị giảm rất nhiều nhưng đồng thời hình thành protein glycat hóa, ăn vào dẫn đến xơ cứng mạch máu trong cơ thể con người. Quá nhiều đường, muối và chất béo bão hòa từ gà rán, trà sữa làm tăng cholesterol trong máu. Đồng thời gây tăng cân, béo phì và tăng nguy cơ huyết áp cao, hình thành huyết khối. Tất cả những điều này hiệp đồng lại dẫn tới tắc nghẽn, co thắt mạch máu và đột quỵ”.
Ngoài ra, tiên lượng của anh Wang không tốt dù mới ngoài 30 tuổi một phần cũng vì ngoài ăn uống, bình thường lối sống của anh không lành mạnh. Anh không tập thể dục hay chơi bất cứ một môn thể thao nào, thường ngồi lì một chỗ tại bàn làm việc nhiều giờ mỗi ngày, chỉ đứng lên khi bắt buộc hoặc quá buồn vệ sinh. Anh cũng thường xuyên thức khuya để chơi game và tụ tập đi nhậu với bạn bè vào cuối tuần.
Thông qua trường hợp của anh Wang, bác sĩ Wu nhắc nhở người trẻ hãy chú ý hơn đến ăn uống và sinh hoạt, không ỷ lại còn trẻ mà chủ quan với sức khỏe. Bên cạnh đó, cần đặc biệt cẩn trọng với các dấu hiệu cảnh báo cơn đột quỵ sắp ập tới như: đau đầu, suy giảm hoặc mất thị lực thoáng qua, tê hoặc yếu ở mặt hoặc nửa thân người, méo miệng hoặc lệch mắt, nói ngọng/khó phát âm, đi lại khó khăn, choáng váng… Thời gian vàng cấp cứu đột quỵ là thời gian được tính trong khoảng 3- 4,5 giờ kể từ khi người bệnh xuất hiện các triệu chứng này.
Nguồn và ảnh: ETtoday, Family Doctor