Cảnh báo gia tăng ca mắc sốt xuất huyết nặng nhập viện

P.V,
Chia sẻ

Tại Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ, số ca mắc sốt xuất huyết nặng tăng 5,5 lần.

Cảnh báo gia tăng ca mắc sốt xuất huyết nặng nhập viện - Ảnh 1.

Hình minh họa.

Theo thống kê từ đầu năm đến nay, tại Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ, tổng số ca bệnh sốt huyết nhập viện tăng 3,78 lần, trong đó sốt xuất huyết nặng tăng 5,5 lần, ngoại trú tăng 0,7 lần so với cùng kỳ năm trước.

Còn theo Bộ Y tế, tính đến ngày 24/3, cả nước ghi nhận 20.537 trường hợp mắc sốt xuất huyết (tăng 2,1 lần so với cùng kỳ năm 2022), trong đó có 3 trường hợp tử vong.

Bệnh sốt xuất huyết thường xảy ra vào thời điểm tháng 3 - tháng 4 và khoảng đầu tháng 7 đến tháng 11 hằng năm, đây là thời gian thuận lợi cho sự phát triển của muỗi vằn. Hai khoảng thời gian này cũng chính là thời điểm bùng phát mạnh mẽ dịch sốt xuất huyết tại miền Bắc. Còn ở miền Nam, bất kỳ thời gian nào cũng có thể xảy ra dịch sốt xuất huyết do sự phân bố dày đặc của muỗi vằn.

Bệnh sốt xuất huyết xảy ra ở cả trẻ em và người lớn, nhưng trẻ em là đối tượng dễ mắc bệnh hơn cả. Hầu hết các ca sốt xuất huyết đều có biểu hiện điển hình là sốt cao, kèm các triệu chứng như: đau phía sau mắt, nhức đầu, phát ban, buồn nôn... và không gây ra biến chứng. Những biểu hiện này thường xuất hiện trong vòng 4 - 7 ngày tính từ sau khi bị muỗi đốt truyền mầm bệnh sẽ bắt đầu bằng triệu chứng sốt và bệnh kéo dài từ 2 - 7 ngày.

Khi tiến triển thành sốt xuất huyết Dengue nặng, giai đoạn nguy kịch diễn ra trong khoảng 3 - 7 ngày sau khi xuất hiện dấu hiệu đầu tiên của bệnh. Thân nhiệt sẽ giảm, điều này không có nghĩa là người bệnh đang hồi phục. Ngoài ra, cần đặc biệt chú ý tới các dấu hiệu cảnh báo dưới đây bởi vì đó có thể là dấu hiệu của sốt xuất huyết Dengue nặng:

- Đau bụng dữ dội, ói ra máu.

- Nôn mửa liên tục.

- Chảy máu lợi, chân răng.

- Nôn ra máu.

- Thở gấp.

- Mệt mỏi, bồn chồn.

- Da lạnh ẩm.

Một vài nguyên nhân phổ biến khiến các bệnh sốt xuất huyết dễ trở nặng thường là tự ý dùng thuốc ibuprofen và aspirin để hạ sốt, gây xuất huyết tiêu hóa. Nhiều trường hợp tự ý tăng liều thuốc hạ sốt hoặc kết hợp nhiều loại thuốc hạ sốt khác nhau có thể gây quá liều, ngộ độc thuốc, suy gan, suy thận…

Ngoài ra, rất nhiều trường hợp bệnh nhân nghĩ rằng hết sốt là khỏi bệnh nên chủ quan không thăm khám lại. Nhưng sốt xuất huyết thường khởi phát đột ngột và diễn biến qua ba giai đoạn: giai đoạn sốt, giai đoạn nguy hiểm và giai đoạn hồi phục. Vì vậy, thân nhiệt sẽ giảm, điều này không có nghĩa là người bệnh đang hồi phục

Khi nghi ngờ sốt xuất huyết nặng, người bệnh cần được nhanh chóng đưa tới phòng cấp cứu hoặc cơ sở y tế gần nhất bởi tình trạng này gây ra thất thoát huyết tương, có thể dẫn tới sốc và/hoặc tích tụ dịch dẫn tới suy hô hấp hoặc không; Chảy máu nặng; Tổn thương tạng nặng.

Hiện nay, vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu sốt xuất huyết, điều trị triệu chứng là phương pháp điều trị bệnh chủ yếu được áp dụng. Trường hợp người bệnh sốt xuất huyết thể nhẹ, có thể chăm sóc tại nhà, nghỉ ngơi và uống nhiều nước, ăn các món mềm có nước, dễ tiêu hóa, hạ sốt bằng Paracetamol hoặc uống Oresol để bù điện giải, lau mát ở vùng nách và bẹn khi sốt cao.

Tốt nhất, khi nghi ngờ bản thân mắc sốt xuất huyết, mỗi người cần chủ động đến thăm khám tại các cơ sở y tế để được bác sĩ chẩn đoán và chỉ định xét nghiệm phù hợp, tuyệt đối không được tự ý điều trị sốt xuất huyết tại nhà.

Chia sẻ