Cẩn trọng những thực phẩm chứa nhiều hóa chất được ăn nhiều vào dịp Tết, làm thế nào để ăn an toàn?

Tiểu Nguyễn,
Chia sẻ

Nhiều người đôi khi chỉ vì sự khoái khẩu mà không hay mình bị mắc bệnh âm thầm ngay từ đầu năm mới do ăn những thực phẩm chứa nhiều hóa chất này.

Mỗi dịp Tết về, nhà nào cũng dự trữ rất nhiều đồ ăn thức uống để sẵn sàng cho những cuộc tiệc tùng kéo dài dịp đầu năm. Điều đáng nói là có một số thực phẩm chứa nhiều hóa chất nhưng lại được ăn nhiều vào dịp Tết mà chúng ta thường không để ý. Nhiều người đôi khi chỉ vì sự khoái khẩu mà không hay mình bị mắc bệnh âm thầm ngay từ đầu năm mới do ăn những thực phẩm chứa nhiều hóa chất này. Thực tế thì ngay từ khâu lựa chọn, chúng ta vẫn đảm bảo mua được những thực phẩm cho Tết cổ truyền mà vẫn đảm bảo độ an toàn vệ sinh thực phẩm.

Một số thực phẩm chứa nhiều hóa chất được sử dụng nhiều vào dịp Tết chính là:

Măng khô

Măng khô là thực phẩm được mua rất nhiều mỗi dịp đầu năm nhưng thường ẩn chứa nguy cơ sử dụng bảo quản bằng lưu huỳnh quá nhiều. Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (Nguyên giảng viên Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội), thực tế thì lưu huỳnh hoàn toàn được sử dụng trong công nghệ bảo quản thực phẩm nói chung và trong măng khô nói riêng. Để măng không bị mốc, người ta sẽ sử dụng biện pháp xông qua khí lưu huỳnh (SO2).

Cẩn trọng những thực phẩm chứa nhiều hóa chất được ăn nhiều vào dịp Tết, làm thế nào để ăn an toàn? - Ảnh 1.

Măng khô là thực phẩm được mua rất nhiều mỗi dịp đầu năm nhưng thường ẩn chứa nguy cơ sử dụng bảo quản bằng lưu huỳnh quá nhiều.

Tuy nhiên, lưu huỳnh phải nằm trong ngưỡng cho phép không được vượt quá 20 miligam/1 kg sản phẩm. Nhưng vì chạy theo lợi nhuận cũng như nhu cầu ngày tết tăng cao, một số cơ sở có thể không màng tới sức khỏe của người tiêu dùng.

Giải pháp: Khi sơ chế, chúng ta nên ngâm rửa kỹ, sau đó luộc một lần, gạn bỏ nước đi, SO2 sẽ không còn do đun sôi sẽ làm bay hơi và có khả năng hòa tan hết vào nước. Nếu cẩn thận hơn, bạn có thể luộc măng khô 2 lần sẽ giúp đảm bảo an toàn thực phẩm hơn, đồng thời khi ăn măng cũng ngon miệng hơn.

Trước khi mua măng khô hãy xem xét kỹ các yếu tố: Không chọn măng có màu sắc tươi sáng, bắt mắt, có độ bóng hơn bình thường. Chỉ nên chọn măng có màu vàng nâu nhạt, xuất hiện màu hổ phách, đường vân tỉ mỉ. Khi ngửi măng có mùi thơm đặc trưng, không hắc, không mốc.

Miến dong

Miến dong là món ăn rất phổ biến vào dịp Tết. Trên mâm cơm Tết cổ truyền không thể thiếu bát canh miến. Món ăn này vừa thanh đạm vừa giúp chúng ta chống ngán bánh chưng và chứng chán ăn cơm vào dịp năm mới. Mặc dù vậy, miến dong lại là một trong những thực phẩm rất dễ bị làm bẩn, nhất là vào dịp Tết, nhu cầu sử dụng của người tiêu dùng tăng cao nên miến bẩn có nguy cơ trà trộn.

Cẩn trọng những thực phẩm chứa nhiều hóa chất được ăn nhiều vào dịp Tết, làm thế nào để ăn an toàn? - Ảnh 2.

Trên mâm cơm Tết cổ truyền không thể thiếu bát canh miến.

Hiện nay trên thị trường có rất nhiều loại miến, miến trắng trong, miến vàng ruộm, miến xám… Người tiêu dùng thường chọn mua miến có màu vàng ruộm hoặc hơi xám vì họ cho rằng như thế mới là miến mộc (không tẩy). Nhưng chúng ta không hay biết rằng đây là nhận định hết sức sai lầm. Vì đằng sau đó rất có thể bạn sẽ ăn phải miến được nhuộm bằng hóa chất độc hại, hóa chất cấm trong công nghiệp thực phẩm.

Giải pháp: Theo chuyên gia, do rất khó phân biệt miến bẩn bằng mùi vị nên nếu thấy những loại miến bóng đẹp quá mức bình thường thì không nên mua. Khi chế biến nên rửa sạch miến vài nước hoặc qua nước muối loãng. Điều này sẽ giúp các thành phần hóa chất, chất bảo quản phân hủy, giảm nguy cơ độc hại. Khi mua cũng cần chọn những loại miến có cơ sản xuất có uy tín, có tên, địa chỉ cụ thể.

Khi mua miến dong, cần quan sát kỹ, miến sạch có độ trong, quánh, thơm, sợi miến nhỏ, độ dài đều nhau, suôn thẳng. Nấu miến lên để lâu không bị nát. Miến chuẩn có hương vị đặc trưng của dong riềng, sắn, khoai tây, không bị sạn.

Bóng bì lợn

Canh bóng bì lợn là một trong những món ăn không thể thiếu trên mâm cơm Tết cổ truyền. Vị thanh ngọt, không ngấy, canh bóng bì lợn làm bạn ăn uống được nhiều hơn vào dịp Tết. Ngon thì ngon thật nhưng bên cạnh đó rất nhiều người ôm nỗi lo mua và tiêu thụ phải bóng bì lợn bẩn, không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Cẩn trọng những thực phẩm chứa nhiều hóa chất được ăn nhiều vào dịp Tết, làm thế nào để ăn an toàn? - Ảnh 3.

Canh bóng bì lợn là một trong những món ăn không thể thiếu trên mâm cơm Tết cổ truyền.

Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, rất nhiều cơ sở sản xuất bóng bì có nguồn nhập hàng không đảm bảo, không được kiểm tra kỹ lưỡng khiến bóng bì có nguy cơ bị bẩn và nhiễm độc tố ngay khi được nhập về. PGS.TS Trần Đáng (Nguyên Cục trưởng Cục An toàn Thực phẩm) cho biết thêm, để sản xuất bóng bì, rất nhiều cơ sở sản xuất đã sử dụng nước javen, oxy già và chất phụ gia công nghiệp như kalisunfit, hydrosunfit. Đây đều là những hóa chất có tính tẩy mạnh. Nếu ăn thường xuyên sẽ bị ngộ độc, tiêu chảy, đau bụng, rối loạn tiêu hóa và tăng nguy cơ ung thư.

Giải pháp: Hết sức cẩn trọng trong khâu chọn bóng bì lợn. Chú ý quan sát thật kỹ, bóng bì lợn sạch được lam từ bì lợn của lợn khỏe, có màu trắng hồng, có thêm lớp mỡ trong bì màu trắng phau đẹp mắt. Bì lợn sạch có độ giòn và dai, trong khi bì lợn bẩn có thể rất dai nhưng không đảm bảo độ giòn dài lâu. Bì lợn sạch sẽ có mùi thơm đặc trưng của bì lợn. Các chuyên gia cùng khẳng định, việc nhận biết bằng mắt chỉ là một phần. Điều quan trọng nhất là bạn cần mua hàng tại những cơ sở có uy tín, đảm bảo, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.

Giò, chả

Giò, chả là món ăn không thể thiếu trong dịp Tết. Tuy nhiên, nếu không lựa chọn giò, chả cẩn thận, người tiêu dùng phải đối mặt với nguy cơ ngộ độc hàn the. Để giò chả dai ngon, không bị bở, nhiều cơ sở đã sử dụng hàn the để chế biến. PGS.TS Thịnh khẳng định đây là hóa chất không nằm trong danh mục các loại phụ gia được Bộ Y tế cho phép sử dụng trong việc bảo quản và chế biến thực phẩm.

Cẩn trọng những thực phẩm chứa nhiều hóa chất được ăn nhiều vào dịp Tết, làm thế nào để ăn an toàn? - Ảnh 4.

Nếu không lựa chọn giò, chả cẩn thận, người tiêu dùng phải đối mặt với nguy cơ ngộ độc hàn the.

Giải pháp: Khi chọn giò cần chú ý mặt giò cắt phải mịn và ướt, đôi chỗ trên mặt có vài rỗ xốp. Đó là do giò được làm từ thịt ngon, nghiền thịt cho độ quánh dẻo, bọc lớp không khí. Khi luộc hoặc hấp giò, không khí bục tạo ra mặt xốp. Giò lụa được gọi là ngon khi cắt ra có màu trắng ngà hơi ngả sang màu hồng nhạt. Mùi giò ngon chỉ thoang thoảng, quyện với hương của lá gói. Nếu cắt miếng giò, thấy thơm lừng mùi giò, thì nên thận trọng.

Bạn cũng có thể lấy miếng giấy nghệ (giấy thử ngâm nước nghệ tươi rồi phơi khô) ấn vào bề mặt sản phẩm. Sau một phút quan sát, nếu thấy giấy nghệ chuyển từ màu vàng sang đỏ là thực phẩm có hàn the.

Nấm hương, mộc nhĩ, quả sấy khô

Cẩn trọng những thực phẩm chứa nhiều hóa chất được ăn nhiều vào dịp Tết, làm thế nào để ăn an toàn? - Ảnh 5.

Khi mua nấm chỉ mua sản phẩm có nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.

Đây cũng là những sản phẩm được tiêu thụ nhiều dịp tết nằm trong anh mục sử dụng biện pháp xông lưu huỳnh để khử khuẩn với một lượng cho phép. Bởi lợi thế khi xông lưu huỳnh, khí này có thể len lỏi vào mọi ngóc ngách của sản vật, tăng diện tích khử khuẩn.

Giải pháp: Khi chọn mộc nhĩ nên chọn loại cánh to, dày, không có đốm đen hay đỏ, dùng tay nắm vài cái rồi bỏ ra thấy mộc nhĩ có tính đàn hồi nhanh. Khi mua nấm chỉ mua sản phẩm có nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Trước khi chế biến phải ngâm nước nóng và rửa sạch với nước lạnh nhiều lần.

Chia sẻ