Cân nặng thay đổi mỗi ngày làm nhiều chị em "hoảng", HLV chỉ ra sự thật khiến người thì thở phào, kẻ lại chưng hửng
HLV Phạm Hoàng Vũ khẳng định, trong cuộc sống sẽ có đôi lúc bạn phát hiện cân nặng của mình tăng hoặc giảm theo ngày, làm bạn hoặc vui sướng hoặc sợ hãi... Khoan hãy nghĩ gì xa xôi vì có 7 thứ khiến bạn có thể rơi vào tình trạng này.
Cân nặng là một trong những điều trở thành nỗi ám ảnh với hội chị em phụ nữ. Có rất nhiều người không hiểu tại sao hôm qua từng này cân, hôm nay nhảy lên đã tăng thêm mấy lạng, thậm chí có người tăng cả cân rồi? Thật sự lo lắng, hoảng sợ quá! Liệu có phải chỉ sau một ngày, cơ thể đã tăng hẳn thêm mấy miếng mỡ đắp vào da thịt không? Ngược lại, cũng không thiếu các chị em hôm qua cân nặng như này, hôm nay lại bị giảm đi thấy rõ. Liệu có phải chiếc cân nhà mình bị hỏng mất rồi?
Theo HLV Phạm Hoàng Vũ (làm việc tại Onus Private Fitness, Đà Nẵng), thời gian vừa qua, rất nhiều bạn nữ đã nhắn tin hỏi anh về vấn đề này. Việc cân nặng thay đổi mỗi ngày như vậy liệu có thực sự đáng lo ngại không? Liệu có phải mình đang ăn uống và tập luyện để tăng cân hay giảm cân chưa đúng cách?...
HLV Phạm Hoàng Vũ cho biết, chưa cần bàn đến chế độ ăn và tập của riêng mỗi bạn có được thiết kế chuẩn khoa học, phù hợp với mình hay chưa, trong thực tế có rất nhiều yếu tố có thể gây ảnh hưởng đến việc thay đổi cân nặng mỗi ngày của chúng ta. Những yếu tố đó bao gồm:
1. Cân bằng chất lỏng
Theo HLV Phạm Hoàng Vũ, mất nước sẽ làm giảm cân tức thì, cứ mỗi lít chất lỏng trong cơ thể tương đương với 1kg cân nặng. Các phương pháp cắt nước của vận động viên khi thi đấu sẽ cho các bạn mở mang tầm mắt về giảm cân nước. Nhiều vận động viên có thể giảm tới 5-7kg chỉ trong có 2-3 ngày. "Nhưng bạn nên nhớ đây là nước chứ không phải mỡ nhé. Cho nên những ai mang áo mưa chạy toát hết mồ hôi rồi đứng lên cân thì số cân được giảm đi chỉ là nước mà thôi", vị huấn luyện viên nhận định.
2. Ăn muối
HLV Phạm Hoàng Vũ cho biết, muối sẽ kích cơn khát khiến cho bạn uống nhiều nước hơn. Điều này dẫn đến tình trạng tăng cân tạm thời. Muối cũng gây tích nước trong cơ thể. Do đó nếu một bữa ăn lỡ tay nêm nhiều muối thì cơ thể sẽ tích nước sau đó. "Nhưng quan trọng là cân nặng tăng đó không phải là mỡ. Đây là một hiện tượng tăng cân nước tạm thời, sẽ hết sau vài hôm tuân thủ chế độ ăn hoặc điều chỉnh lại lượng gia vị. Do đó, chị em không cần phải quá lo lắng", HLV khẳng định.
3. Tổn thương cơ bắp
Vị huấn luyện viên cho hay, tổn thương cơ bắp xuất hiện do tập tạ hoặc các hoạt động thể chất, gây các cơn viêm nhỏ lên cơ bắp và cơ thể sẽ tích nước ở đó để giúp phục hồi các hư tổn này. Cho nên lúc này tăng cân cũng là từ nước chứ không có gì phải lo lắng cả.
4. Ăn carb
Theo HLV Phạm Hoàng Vũ, cứ mỗi 1g carb được lưu trữ bên trong cơ thể dưới dạng glycogen thì sẽ tích thêm 3g nước. 2 nơi lưu trữ glycogen chính trong cơ thể là gan và cơ. Glycogen chiếm khoảng 5-10% trọng lượng của gan và 2% trọng lượng của cơ (nếu cơ bắp càng lớn thì tỉ lệ này có thể nhiều hơn).
Ví dụ, nếu nạp 400g carb và được lưu trữ trong cơ thể thì có thể sẽ tích thêm được 1,2kg nước. Từ đó dẫn đến tăng 1,6kg cân nặng ngay và luôn.
Tương tự vậy, nếu một người theo chế độ Low-Carb thì sẽ gây sụt giảm lượng glycogen (và kèm theo nước) nên dẫn đến giảm cân ngay lập tức. "Cho nên mấy chị em mới áp dụng low-carb hay Keto rồi tự nghĩ rằng đó là giảm mỡ thì hoàn toàn sai lầm nhé!", HLV Phạm Hoàng Vũ cho biết.
Anh cũng chia sẻ thêm, điều quan trọng là muốn giảm mỡ thì phải tạo ra được mức calorie deficit (thâm hụt calo) hợp lí chứ không phải là đi cắt carb hay bêu riếu tác dụng của insulin như nhiều người hay chém gió.
5. Khối lượng thức ăn
Khi ăn nhiều thì khối lượng từ thức ăn sẽ làm bạn tăng cân. Đây là điều cực cơ bản mà học sinh tiểu học cũng có thể hiểu. Bởi sau đi đại tiện là sẽ hết ngay chứ có gì đâu mà phải lo lắng? Đây cũng là lí do vì sao các PT thường cho khách kiểm tra cân nặng vào buổi sáng sớm sau khi đã đi vệ sinh xong.
6. Stress
Theo HLV Phạm Hoàng Vũ, stress mãn tính có thể gây ra rối loạn một số hormone như cortisol. Cortisol phản ứng với Aldosterone Receptor - hormone được sản xuất tại tuyến thượng thận, giữ chức năng duy trì nồng độ natri và kali máu ở mức độ bình thường (có liên quan đến cân bằng chất lỏng đã nói ở mục 1). Do đó có thể gây tăng cân tạm thời thông qua việc tích nước. "Ăn kiêng hay nhịn ăn cũng là một dạng stress lên cơ thể nên bạn cần hết sức cẩn trọng nếu định giảm cân kiểu này", HLV Phạm Hoàng Vũ nói.
7. Chu kỳ kinh nguyệt
HLV Phạm Hoàng Vũ giải thích, cân nặng và body composition (thành phần cơ thể) của phụ nữ bị ảnh hưởng đáng kể đến sex-steroid hormone (steroid sinh dục). Mức độ của các hormone này thay đổi liên tục trong suốt chu kì kinh nguyệt, nên không có gì lạ khi phụ nữ tăng 0,5 - 1kg trong lúc này.