Các vắc xin, xét nghiệm y tế quan trọng nên thực hiện ở độ tuổi 20 và 30

TT,
Chia sẻ

Lập kế hoạch chăm sóc phòng ngừa và sàng lọc là một cách tuyệt vời để theo dõi và quản lý sức khỏe, giúp bạn luôn khỏe mạnh.

Chia sẻ trên CBS News, Tiến sĩ Robert M. Biernbaum, giám đốc y tế của WellNow Urgent Care, cho biết: Nếu tuân thủ việc kiểm tra sức khỏe dự phòng, mọi người có thể phát hiện bệnh sớm hơn, nhờ đó cơ hội điều trị và thành công cũng cao hơn.

Các vắc xin, xét nghiệm y tế quan trọng nên thực hiện ở độ tuổi 20 và 30 - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Chăm sóc phòng ngừa và sàng lọc là những bước quan trọng bạn có thể thực hiện cho sức khỏe của mình. Điều đó đúng ngay cả đối với những người trẻ tuổi ở độ tuổi 20 hay 30 - độ tuổi mà nhiều người nghĩ rằng "hiếm khi bị ốm". Vậy những người trong độ tuổi 20, 30 nên chăm sóc sức khỏe của mình như thế nào?

1. Ở độ tuổi 20

Ở độ tuổi 20, bạn đang ở giai đoạn sung mãn của cuộc sống, nhưng cũng là lúc cần đặc biệt quan tâm đến việc bảo vệ bản thân khỏi các bệnh truyền nhiễm. Vậy ở độ tuổi 20, bạn cần làm những gì cho sức khỏe của mình?

Các loại vắc xin nên tiêm ở độ tuổi 20

Tiêm chủng là một trong những cách hiệu quả nhất để bảo vệ sức khỏe. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ, tất cả người lớn từ 19 đến 26 tuổi nên tiêm những vắc xin sau đây:

Các vắc xin, xét nghiệm y tế quan trọng nên thực hiện ở độ tuổi 20 và 30 - Ảnh 2.

Ảnh minh họa

- Vắc xin phòng viêm gan B: Bệnh viêm gan B có thể gây tổn thương gan mãn tính, xơ gan và ung thư gan.

- Vắc xin phòng HPV: Virus HPV là nguyên nhân chính gây ra ung thư cổ tử cung, ung thư hậu môn, ung thư âm đạo và các loại ung thư khác.

- Vắc xin phòng cúm: Cúm là bệnh lây nhiễm cấp tính đường hô hấp thường xảy ra hàng năm, đặc biệt vào mùa đông.

- Vắc xin phòng viêm màng não: Bệnh viêm màng não do não mô cầu khuẩn có thể gây tử vong nhanh chóng.

- Vắc xin phòng thủy đậu: Thủy đậu có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng như viêm não, viêm phổi.

- Vắc xin phòng sởi, quai bị, rubella (MMR): Các bệnh này có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng, đặc biệt đối với phụ nữ mang thai.

- Vắc xin phòng bạch hầu, ho gà, uốn ván (Tdap): Nên tiêm nhắc lại vắc xin này để duy trì miễn dịch.

- Vắc xin HPV (human papillomavirus): Vắc xin chủng ngừa HPV được khuyến cáo ở tuổi 11 đến 26 tuổi.

Ngoài các loại vắc xin trên, có thể có các loại vắc xin khác cần tiêm tùy thuộc vào lối sống, nghề nghiệp và tình hình dịch bệnh. Bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ để xây dựng lịch tiêm chủng phù hợp.

Các xét nghiệm sàng lọc nên thực hiện ở độ tuổi 20

Ở độ tuổi này nên xét nghiệm máu thường xuyên, sàng lọc cholesterol và kiểm tra huyết áp để ngăn ngừa bất kỳ vấn đề sức khỏe nào trong tương lai.

Các vắc xin, xét nghiệm y tế quan trọng nên thực hiện ở độ tuổi 20 và 30 - Ảnh 3.

Ảnh minh họa

- Sàng lọc bệnh tiểu đường được khuyến cáo bắt đầu từ tuổi 20.

- Xét nghiệm cholesterol được khuyến nghị vì nhiều người không biết liệu mức độ của họ có cao hay không và cholesterol cao không có triệu chứng cảnh báo cụ thể.

Các sàng lọc khác cần xem xét bao gồm sàng lọc huyết áp để kiểm tra nguy cơ mắc bệnh tim mạch, khám da liễu để kiểm tra ung thư da và khám mắt.

Khám răng miệng cũng rất quan trọng. Hiệp hội Nha khoa Hoa Kỳ khuyến cáo các chuyến thăm nha sĩ thường xuyên, cho hầu hết mọi người hai lần/năm.

Ngoài ra, những người có hoạt động tình dục nên trải qua xét nghiệm STD để xác định bệnh nhiễm trùng lây qua đường tình dục. Các sàng lọc mà TS Biernbaum cho là "cực kỳ quan trọng" nên bắt đầu từ 18 tuổi hoặc khi bắt đầu có hoạt động tình dục bao gồm: Sàng lọc viêm gan C, STI (nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục) và HIV. Và nếu bạn có hoạt động tình dục, đặc biệt là không sử dụng bao cao su, bạn nên được kiểm tra thường xuyên về chlamydia, lậu và giang mai.

Các vắc xin, xét nghiệm y tế quan trọng nên thực hiện ở độ tuổi 20 và 30 - Ảnh 4.

Ảnh minh họa

Với phụ nữ, sàng lọc ung thư cổ tử cung nên được thực hiện 3 năm/lần và sau đó có thể là 5 năm/lần hoặc theo chỉ định của bác sĩ.

Khi nói về sức khỏe, bạn không thể quên sức khỏe tinh thần. Sàng lọc trầm cảm, nguy cơ tự tử được khuyến nghị cho trẻ em, thanh thiếu niên bắt đầu từ 12 tuổi và nên được tiếp tục mỗi năm trong suốt cuộc đời của một người.

2. Ở độ tuổi 30

Bước sang tuổi 30, đã đến lúc xây dựng những thói quen lành mạnh. Nếu bạn đã có những thói quen sức khỏe tốt từ tuổi 20, cần duy trì, còn nếu chưa có, hãy bắt đầu thiết lập cho mình.

"Nếu như chiếc xe của bạn cần được đi bảo dưỡng thường xuyên thì sức khỏe cũng vậy. Rủi ro sức khỏe xuất hiện trong suốt cuộc đời nên bạn cần 'bắt kịp' để giữ cho bản thân khỏe mạnh", Tiến sĩ Céline Gounder, một cộng tác viên y tế của CBS News và biên tập viên lớn về sức khỏe cộng đồng tại KFF Health, nói với CBS News.

Vậy những người trong độ tuổi 30 nên theo dõi sức khỏe như thế nào?

Các loại vắc xin nên tiêm ở độ tuổi 30

Các vắc xin, xét nghiệm y tế quan trọng nên thực hiện ở độ tuổi 20 và 30 - Ảnh 5.

Ảnh minh họa

Các vắc xin cần tiêm trong độ tuổi 30 sẽ tương tự như khi bạn 20 tuổi.

- Vắc xin phòng cúm: Nên tiêm hàng năm để phòng ngừa bệnh cúm mùa.

- Vắc xin phòng viêm gan B: Nếu chưa từng tiêm hoặc chưa hoàn thành lịch tiêm, nên tiêm để phòng ngừa bệnh viêm gan B.

- Vắc xin phòng HPV: Dù đã ngoài độ tuổi khuyến cáo tiêm chủng ban đầu, nhưng vẫn có thể tiêm để phòng ngừa ung thư cổ tử cung và các bệnh liên quan đến HPV.

- Vắc xin phòng viêm màng não: Vắc xin này đặc biệt quan trọng cho những người có nguy cơ cao như sinh viên, người làm việc trong môi trường đông người.

- Vắc xin phòng thủy đậu: Nếu chưa từng mắc bệnh hoặc chưa tiêm chủng, bạn nên tiêm.

- Vắc xin phòng sởi, quai bị, rubella (MMR): Nên tiêm nhắc lại nếu chưa chắc chắn về miễn dịch.

- Vắc xin phòng bạch hầu, ho gà, uốn ván (Tdap): Nên tiêm nhắc lại để duy trì miễn dịch.

Nếu bạn có các bệnh lý nền, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn về các loại vắc xin phù hợp. Bạn nên kiểm tra lại lịch sử tiêm chủng của mình để biết mình đã tiêm những loại vắc xin nào và cần tiêm bổ sung những loại nào.

Các xét nghiệm sàng lọc nên thực hiện ở độ tuổi 30

Những người ở độ tuổi 30 nên xem xét sàng lọc sức khỏe tim, da, mắt, răng miệng và tình dục.

Các vắc xin, xét nghiệm y tế quan trọng nên thực hiện ở độ tuổi 20 và 30 - Ảnh 6.

Ảnh minh họa

- Khám tim mạch: Để giúp coi chừng những nguy cơ tim tiềm ẩn, Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ khuyến cáo người lớn trên 20 tuổi nên kiểm tra huyết áp 2 năm/lần và mức cholesterol cần được kiểm tra sau mỗi 4 đến 6 năm.

- Khám da: Để kiểm tra ung thư da, Tổ chức Ung thư Da Hoa Kỳ khuyến cáo nên khám da liễu hàng năm.

- Khám mắt: Ngay cả khi bạn khỏe mạnh, khám mắt và thị lực vẫn được khuyến nghị ở độ tuổi 30 để kiểm tra sức khỏe của mắt. Học viện Nhãn khoa Hoa Kỳ khuyên bạn nên kiểm tra toàn diện ít nhất hai lần trong độ tuổi 30. Còn Hiệp hội Đo thị lực Hoa Kỳ khuyến nghị kiểm tra hai năm/lần trong độ tuổi từ 18 đến 39.

- Khám răng miệng: Theo Hiệp hội Nha khoa Hoa Kỳ, mọi người nên kiểm tra sức khỏe răng miệng đều đặn theo khuyến nghị của nha sĩ. Đối với hầu hết mọi người, nên làm việc này hai lần/năm.

- Kiểm tra sức khỏe tình dục: Những người có hoạt động tình dục nên xét nghiệm HIV ít nhất một lần/năm. Tùy thuộc vào các yếu tố nguy cơ, bạn cũng nên đi xét nghiệm các bệnh lây truyền qua đường tình dục và nhiễm trùng khác.

Các vắc xin, xét nghiệm y tế quan trọng nên thực hiện ở độ tuổi 20 và 30 - Ảnh 7.

Ảnh minh họa

- Đối với phụ nữ, tầm soát ung thư cổ tử cung nên bắt đầu ở tuổi 21. Khi ở độ tuổi 30, chị em nên thực hiện sàng lọc 3 năm/lần hoặc theo chỉ định của bác sĩ. Đối với nam giới, Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ khuyến cáo các bài kiểm tra tinh hoàn nên được kết hợp vào khám sức khỏe hàng năm của bệnh nhân nam hoặc được thực hiện như một bài tự kiểm tra tại nhà.

- Khám sức khỏe tâm thần: Kiểm tra sức khỏe tâm thần để sàng lọc trầm cảm, lo lắng và nguy cơ tự tử, nên được thực hiện tại các cuộc kiểm tra hàng năm.

Việc thực hiện các xét nghiệm sàng lọc định kỳ là một phần quan trọng trong việc chăm sóc sức khỏe bản thân. Hãy chủ động bảo vệ sức khỏe của mình ngay từ bây giờ!

Theo CBS News

Chia sẻ