Thế hệ Gen X và Millennials phải đối mặt với nguy cơ mắc 17 loại ung thư cao hơn các thế hệ trước
Các nhà khoa học chưa chắc chắn về nguyên nhân, nhưng họ cho rằng có khả năng liên quan đến béo phì, ít vận động, một số loại thuốc thông thường hoặc tiếp xúc với hóa chất.
- Thế hệ X (Generation X) là những người được sinh ra trong khoảng thời gian từ năm 1965 đến năm 1980.
- Thế hệ Millennials là thế hệ được sinh ra vào khoảng từ năm 1981 đến 1996. Thế hệ này nằm giữa gen X và gen Z, đánh dấu sự bắt đầu của một thiên niên kỷ.
Các thế hệ Gen X và Millennials hiện nay có nguy cơ mắc một số loại ung thư cao hơn
Một nghiên cứu được công bố hôm thứ Tư trên tạp chí Lancet Public Health cho thấy thế hệ Gen X và Millennials có nhiều khả năng được chẩn đoán mắc 17 loại ung thư, trong đó có 9 loại ung thư từng giảm ở người lớn tuổi. Các nhà nghiên cứu không chắc chắn về nguyên nhân, nhưng béo phì được cho rằng có thể là nguyên nhân hàng đầu.
"Những gì đang xảy ra ở các thế hệ này có thể được coi là dấu hiệu cảnh báo cho xu hướng ung thư trong tương lai", bác sĩ Hyuna Sung, nhà dịch tễ học ung thư tại Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ và người dẫn đầu nghiên cứu, cho biết.
Tỷ lệ ung thư đại trực tràng - một trong số 17 loại ung thư nói trên - đã trẻ hóa trong nhiều thập kỷ. Nó trở thành xu hướng đáng lo ngại khiến các nhà nghiên cứu điều tra thêm về các loại ung thư khác.
Bác sĩ Sung cùng các đồng nghiệp đã sử dụng dữ liệu chẩn đoán và tử vong do ung thư từ hai cơ sở dữ liệu (Hiệp hội Đăng ký Ung thư Trung ương Bắc Mỹ và Trung tâm Thống kê Y tế Quốc gia Hoa Kỳ) để phân tích xu hướng ung thư ở những người sinh từ năm 1920 đến 1990. Những người này được chẩn đoán mắc ung thư từ năm 2000 đến 2019.
Các loại ung thư nào đang gia tăng ở thế hệ Gen X và Millennials?
Dữ liệu bao gồm 34 loại ung thư, gần 24 triệu ca chẩn đoán và hơn 7 triệu ca tử vong. Để có cái nhìn rõ hơn về sự thay đổi trong tỷ lệ chẩn đoán và tử vong do ung thư ở các nhóm người sinh cùng một năm (gọi là nhóm sinh), các nhà nghiên cứu đã nhóm những người sinh trong khoảng 5 năm vào cùng một nhóm. Ví dụ, những người sinh từ năm 1920 đến 1924 đều thuộc một nhóm sinh.
Các nhà nghiên cứu đã nhóm những người sinh trong khoảng 5 năm vào cùng một nhóm. Ví dụ, những người sinh từ năm 1920 đến 1924 đều thuộc một nhóm sinh. Ảnh NY Post
Kết quả cho thấy, 17/34 loại ung thư có tỷ lệ gia tăng ở người trẻ. Nguy cơ mắc ung thư tuyến tụy, thận và ruột non cao gấp 2-3 lần ở những người sinh năm 1990 so với những người sinh năm 1955. Tỷ lệ chẩn đoán ung thư gan ở phụ nữ cũng theo mô hình tương tự.
Bác sĩ Andrea Cercek, bác sĩ chuyên khoa Ung thư tiêu hóa tại Trung tâm Ung thư Memorial Sloan Kettering (Mỹ), người không tham gia vào nghiên cứu, cho biết: "Điều quan trọng nhất mà nghiên cứu cho thấy là có điều gì đó đã thay đổi đối với nhóm người sinh sau thời điểm này. Họ đã tiếp xúc với một số yếu tố môi trường hoặc lối sống dẫn đến sự thay đổi như vậy".
Sau khi giảm trong nhiều thập kỷ, có một số loại ung thư đã bắt đầu tăng trở lại, bao gồm:
- Ung thư đại trực tràng
- Ung thư nội mạc tử cung
- Ung thư dạ dày không liên quan đến tim
- Ung thư túi mật
- Ung thư buồng trứng
- Ung thư tinh hoàn
- Ung thư hậu môn
- Ung thư vú dương tính với thụ thể estrogen
- Ung thư liên quan đến HIV được gọi là Kaposi sarcoma
Nghiên cứu cho thấy, ở các thế hệ, một số nhóm ung thư có xu hướng tỷ lệ tử vong tăng, bao gồm ung thư nội mạc tử cung, đường mật trong gan, túi mật, đại trực tràng và tinh hoàn, ung thư gan ở phụ nữ.
Ung thư nội mạc tử cung là loại ung thư tăng nhanh nhất cả về chẩn đoán lẫn tử vong.
Bác sĩ Sung cho biết: "Đây là một phát hiện đáng suy ngẫm. Tuy nhiên, mặc dù nhiều tỷ lệ ung thư đang gia tăng nhưng không có nghĩa là tỷ lệ tử vong tăng vì chúng ta có khả năng điều trị tốt hơn trước đây".
Ngoài ra, nhiều loại ung thư được phát hiện tăng lên nhưng số lượng ca mắc tổng thể vẫn tương đối thấp.
Các yếu tố làm gia tăng một số loại ung thư ở thế hệ Gen X và Millennials
Nhìn vào những người sinh trong cùng khoảng thời gian cụ thể có thể thấy manh mối quan trọng về lý do tại sao một số loại ung thư đang gia tăng ở các thế hệ này.
Ông Brawley cho biết: "Tất cả các loại ung thư này đều liên quan đến đại dịch béo phì. Chúng ta biết đó là nguyên nhân thứ hai gây ung thư hiện nay, chỉ sau việc sử dụng thuốc lá".
Theo Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ, khoảng 20% chẩn đoán ung thư ở Hoa Kỳ liên quan đến trọng lượng cơ thể dư thừa. Tỷ lệ béo phì ở quốc gia này thay đổi rất ít trong những năm 1960 - 1970 và đã tăng mạnh sau đó. Khoảng 13% người lớn bị béo phì năm 1980, so với 34% vào năm 2008, theo dữ liệu từ Surgeon General.
Trong số trẻ em, tỷ lệ béo phì đã tăng từ 5% lên 17% trong cùng thời kỳ. Hiện nay, hơn 40% người trưởng thành Mỹ, khoảng 20% trẻ em và thanh thiếu niên bị béo phì, theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ.
Nếu béo phì là nguyên nhân, nó có thể là một trong số các yếu tố lối sống và môi trường dẫn đến sự gia tăng này. Theo các chuyên gia, những yếu tố khác có thể bao gồm hành vi ít vận động hơn hoặc liên quan đến thực phẩm, nước uống, các loại thuốc thông thường, tiếp xúc với hóa chất.
Việc lạm dụng kháng sinh cũng là một liên kết có thể đang được xem xét. Kháng sinh được biết là thay đổi hệ vi sinh vật đường ruột, điều này có liên quan đến ung thư đại trực tràng. Mặc dù kháng sinh cần thiết để điều trị nhiều bệnh nhiễm khuẩn, chúng thường bị lạm dụng và được sử dụng cho các vấn đề không phải do vi khuẩn hoặc không cần thiết phải sử dụng kháng sinh.
Theo các chuyên gia y tế, để phòng ngừa ung thư ở người trẻ, điều quan trọng là bệnh nhân phải biết tiền sử gia đình mắc bệnh ung thư, theo dõi các dấu hiệu và triệu chứng tiềm ẩn, được kiểm tra thường xuyên.
Theo NCB News, CNN