Buồng trứng đa nang: Phụ nữ trẻ cũng khó tránh

Theo Phunuonline,
Chia sẻ

Buồng trứng đa nang là hội chứng có thể ảnh hưởng tới chu kỳ kinh nguyệt, khả năng có thai, nội tiết, tim mạch, mạch máu và biểu hiện bên ngoài của người phụ nữ (PN).

“Khi người phụ nữ có hội chứng này, đặc trưng sẽ có nồng độ androgen cao (đôi khi được gọi là nội tiết tố nam mặc dù phụ nữ bình thường cũng sản xuất loại nội tiết tố này), không có hoặc kinh không đều, có rất nhiều nang ở buồng trứng” - TS-BS Phan Trung Hòa, BV Từ Dũ khuyến cáo.

Chuyện ghi tại phòng khám

Yến năm nay 15 tuổi, so với nhóm bạn cùng trang lứa thì cô bé đã ra dáng thiếu nữ với chiều cao, cân nặng khá lý tưởng, duy chỉ có “đường kinh nguyệt” bị chậm. Điều này khiến cô có những biểu hiện không bình thường: mái tóc đen dày dần thưa thớt, thay vào đó là lông chân, lông tay mọc rậm rì. Mẹ cô chia sẻ: “Thấy con gái gần đây cứ rón rén hỏi mẹ xem nhà mình có ai nhiều lông như nó không, ăn gì để giảm lông, làm sao để triệt lông khiến tôi băn khoăn. Khi đưa con đi khám mới hay con mình đang mắc chứng bệnh quái ác này…”.

Còn Hoa, cô gái có gương mặt bầu bĩnh ngồi cạnh bé Yến, thì ngược lại. Theo lời Hoa thì cô dậy thì rất sớm, từ năm 10 tuổi. Năm nay 26 tuổi, chưa lập gia đình nên Hoa cũng không quan tâm đến chuyện kinh nguyệt của mình ngày càng thưa thớt (hai-ba tháng mới hành kinh một lần). Cho đến gần đây, tuy không thấy kinh, nhưng hầu như tháng nào cô cũng bị chứng đau bụng kinh hành hạ. Đó là những cơn đau vùng thắt lưng, tuy diễn ra trong vài phút nhưng quặn thắt khiến cô hụt hơi, vã mồ hôi, không đứng thẳng được. Đến bệnh viện kiểm tra, mới hay cả hai bên buồng trứng của cô trứng mọc từng chùm.

Trẻ hơn Hoa là Minh, 24 tuổi, khá mập. Minh cho biết, thời con gái kinh nguyệt của cô rất đều đặn, nhưng không hiểu sao sau khi lấy chồng lại bị tắt kinh. Đi kiểm tra, bác sĩ cho biết cô bị buồng trứng đa nang (BTĐN), theo bác sĩ là vì nồng độ androgen của cô tăng cao, trong khi progesterone lại thấp. Hiện cô đang tuân thủ chế độ ăn kiêng giảm cân và uống thuốc để có kinh.

Buồng trứng đa nang: Phụ nữ trẻ cũng khó tránh 1
Ảnh minh họa

Mất cân bằng nội tiết

TS-BS Phan Trung Hòa, cho rằng, vấn đề chính trong hội chứng BTĐN là sự mất cân bằng nội tiết của PN. Ở người PN bị BTĐN, buồng trứng của họ sản xuất ra androgen nhiều hơn bình thường. Nồng độ nội tiết này cao sẽ ảnh hưởng tới sự phát triển và phóng thích noãn (rụng trứng).

Nguyên nhân chính xác chưa được biết, nhưng các yếu tố nguy cơ đã được xác định. Yếu tố di truyền khá rõ khi thường thấy ở PN mà có mẹ hay chị gái cũng bị BTĐN.

Một vài triệu chứng của BTĐN thường gặp gồm: chậm có thai do rối loạn rụng trứng; không có kinh, kinh thưa hoặc không đều; rậm lông, buồng trứng có nhiều nang; mụn trứng cá, da nhờn, gàu; tăng cân, béo phì thường ở vùng hông eo; có những mảng da sậm màu, đen ở cổ, cánh tay, đùi, vú; đau vùng chậu; lo lắng hay bị ức chế, ngưng thở khi ngủ… Các dấu hiệu này có thể tồn tại đến tuổi mãn kinh.

BTĐN có thể xảy ra ở tuổi rất trẻ (11 tuổi). Nguy cơ bị các vấn đề sức khỏe khác: 50% sẽ bị đái tháo đường trước 40 tuổi, nguy cơ bị đột quỵ tim tăng gấp bốn-bảy lần người cùng tuổi, dễ bị cao huyết áp; cholesterol, mỡ trong máu cao và dễ bị ngưng thở khi đang ngủ.

Do mất cân bằng nội tiết, androgen làm suy yếu các nang noãn (trứng) khiến chúng tuy phát triển nhưng không thể trưởng thành (chất lượng trứng không tốt) và hiếm khi có hiện tượng rụng trứng xảy ra.

Các nghiên cứu cũng cho thấy sự liên quan giữa Insulin và BTĐN. Insulin là nội tiết kiểm soát sự thay đổi của đường, tinh bột và thức ăn giàu năng lượng khác để sử dụng và dự trữ. Mức Insulin cao quá mức sẽ làm gia tăng sản xuất androgen dẫn đến mụn trứng cá, rậm lông, tăng cân và rối loạn rụng trứng.

Điều trị như thế nào?

TS-BS Phan Trung Hòa cho biết: Cần thay đổi cách sống để cải thiện tình trạng béo phì, thừa cân bằng giảm ăn thức ăn nhanh, thức ăn nhiều đường, ngọt. Nên ăn nhiều gạo lức, rau, trái cây, thịt nạc. Chế độ ăn này sẽ giúp giảm lượng nội tiết Insulin để chuyển hóa đường, đặc biệt, việc giảm 10% cân nặng có thể giúp chu kỳ kinh nguyệt trở về bình thường và đều hơn.

Việc dùng thuốc vỉ tránh thai kết hợp sẽ giúp chu kỳ kinh đều hơn, giảm mụn, làm giảm được nội tiết androgen. Cũng có thể dùng nội tiết progesterone đơn thuần để điều chỉnh chu kỳ kinh nguyệt và giúp giảm nguy cơ bị ung thư nội mạc tử cung (nhưng không giúp giảm mụn và rậm lông).

Việc điều trị hiếm muộn, nguyên tắc cơ bản là tạo ra sự rụng trứng để tăng cơ hội có thai. Việc mổ nội soi đốt điểm trên buồng trứng (phá bỏ một số nang trứng không rụng) cũng giúp có hiện tượng rụng trứng sau đó. Nhưng loại bỏ các nang trứng không rụng không phải là cách điều trị bệnh triệt để.

Để dự phòng biến chứng, PN bị BTĐN nên được các bác sĩ sản phụ khoa, nội tiết tư vấn điều trị. Việc điều trị nên gồm nhiều mục tiêu chứ không chỉ vì điều trị cho có thai hay trị mụn. Quan trọng và lâu dài là ăn uống đúng, tập thể dục và không hút thuốc.



U nang buồng trứng là thế nào? Và tại sao mình lại bị u nang buồng trứng?
Buồng trứng đa nang: Phụ nữ trẻ cũng khó tránh 2
Chia sẻ