Sáng thứ bảy (28/5/2016), trong một con hẻm ở đường Điện Biên Phủ, quận Bình Thạnh, có một sự kiện đặc biệt được tổ chức ở đây, đó là buổi lễ tổng kết của trường Giáo dục Chuyên biệt Khai Trí.
Đây là một trong những ngôi trường hiếm hoi tại TP.HCM dành cho trẻ em bị hội chứng tự kỷ và hoàn cảnh nó được thành lập cũng rất đặc biệt. Người sáng lập ra ngôi trường này là Tiến sĩ, Bác sĩ Huỳnh Tấn Mẫm, ông từng là linh hồn cho phong trào đấu tranh yêu nước tại miền Nam trước năm 1975. Từng là một bác sĩ, nhưng không may cả hai đứa con của ông đều mắc hội chứng tự kỷ. Với quyết tâm giúp đỡ chính con ruột của mình và những trẻ em khác chẳng may bị hội chứng này vượt lên số phận nghiệt ngã, sau nhiều năm tìm tòi nghiên cứu, kết hợp vận động đồng đội, bạn bè hỗ trợ, cuối cùng ông đã lập ra ngôi trường chuyên biệt này từ tháng 7 năm 2010.
Theo Tiến sĩ Huỳnh Tấn Mẫm, buổi tổng kết hôm nay đặc biệt, vì sau 6 năm thành lập, với sự nỗ lực của thầy cô và phụ huynh, các em học sinh đã tiến bộ hơn rất nhiều và điều đó thể hiện qua những tiết mục văn nghệ mà các em biểu diễn. Các em đã dám bước lên sân khấu mặc dù còn nhiều bỡ ngỡ, đó chính là một bước tiến rất lớn.
Những tiết mục văn nghệ được các em biểu diễn trên sân khấu cũng rất đặc biệt, không như các trường khác, các em tự chuẩn bị và tự tin lên diễn trên sân khấu. Ở đây, các khâu chuẩn bị cho buổi diễn đều có công rất lớn từ các cô giáo. Để các em đứng đúng vị trí, các cô phải dán cả những tấm màu nhỏ đánh dấu, tiếp đó dắt các em ra sắp xếp từng chỗ một. Và khi tiết mục bắt đầu, hai cô giáo phải xuống dưới sân khấu ngồi quay ngược với các em để hướng dẫn từng động tác cho các em biểu diễn. Nhiều em vẫn còn bỡ ngỡ, có khi chỉ đứng nhún nhảy trên sân khấu là chính, nhưng điều đó hoàn toàn không quan trọng trong sáng nay, bởi quan trọng là tất cả cùng vui với những tràng pháo tay giòn giã từ các phụ huynh, thầy cô giáo và cả các em học sinh.
Để có những tiết mục văn nghệ này, các cô giáo cho biết, họ phải trải qua một quá trình tập luyện cho các em rất lâu dài. Với những tiết mục đơn giản phải mất 2 – 3 tuần và những tiết mục phức tạp mất từ 2 – 3 tháng, riêng đối với những học sinh được lựa chọn biểu diễn trên sân khấu cũng đã phải học ở trường vài năm.
Trường Khai trí hiện nay có 172 học sinh lớn, nhỏ khác nhau (nhà trường chỉ nhận các em từ 10 tuổi trở lại) và các em đều mắc hội chứng tự kỉ. Để dạy các em nhà trường có tới 80 cán bộ giáo viên, trong đó 60 giáo viên chuyên môn và có cả bác sĩ riêng trực tiếp điều trị. Khác với những đứa trẻ khác, khi vào trường các em đều có vấn đề về vận động, giao tiếp, nhận thức và mất tập trung. Tuy nhiên, từ những nỗ lực của giáo viên và phụ huynh, các em đã từng bước tiến bộ rất nhiều, điều đó thể hiện rõ trong từng tiết mục văn nghệ hôm nay, từ sự hồn nhiên trong bài múa Trống Cơm, Thằng Bờm, đến cả lên làm ca sỹ hát ca khúc của trường với tên gọi “Vui đến trường Khai Trí” đầy xúc động. Như mọi ngôi trường bình thường khác, hôm nay các em cũng vui mừng khi được nhận những phần thưởng vì đã có thành tích học giỏi, ngoan trong năm học vừa qua.
Rất nhiều phụ huynh tham gia buổi tổng kết hôm nay đã rất xúc động khi nhìn thấy từng bước tiến bộ của con em mình, họ ghi lại từng khoảng khắc của con khi biểu diễn văn nghệ và có nhiều người đã không cầm được nước mắt. Họ gửi lời cảm ơn đến thầy cô và nhà trường, bởi con họ có chỗ học hành đàng hoàng và từng bước hòa nhập vào xã hội một cách bình thường.
Những tiết mục văn nghệ đặc biệt khi ở dưới luôn có cô giáo hướng dẫn |
Để có một tiết mục phức tạp như bài múa Trống Cơm các cô giáo tập luyện cho các em từ 2-3 tháng. Nhưng vẫn phải ở dưới để hướng dẫn động tác |
Rất đông đảo phụ huynh và các học sinh đến dự lễ tổng kết |
Cô và trò trình bày ca khúc vui đến trường khai trí |
Tiến sĩ, Bác sĩ Huỳnh Tấn Mẫm, người sáng lập ngôi trường trao phần thưởng cho các em |
Tiết mục văn nghệ của lớp lớn nhất không cần có giáo viên hướng dẫn |