Bị tố chi 6,5 triệu USD chạy trường cho ái nữ, tỷ phú Trung Quốc bị chê cười vì từng mạnh miệng "đánh giá thấp người không đi lên bằng thực lực"
Vụ lừa đảo tuyển sinh đại học lớn nhất nước Mỹ vẫn không ngừng gây xôn xao dư luận và mới đây lại gây chú ý khi tiết lộ danh tính của đại gia Trung Quốc chi số tiền 6,5 triệu USD cho con gái vào đại học Stanford.
Giữa tháng 3 vừa qua, Chiến dịch Varsity Blues do Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) thực hiện đã vạch trần ra đường dây chạy trường đại học cho con của nhiều bậc phụ huynh, bao gồm giới nhà giàu, ngôi sao Hollywood và "ông lớn" trong ngành công nghiệp. 50 người liên quan bị bắt giữ, trong đó William Singer là tên đầu sỏ, số tiền "đút lót" lên đến 25 triệu USD, đây được xem là vụ lừa đảo tuyển sinh đại học lớn nhất từng bị phanh phui ở xứ sở cờ hoa.
William Singer là kẻ cầm đầu đường dây chạy trường lớn nhất nước Mỹ.
Theo đó, nhiều phụ huynh sẵn sàng chi số tiền từ 200 nghìn USD đến 6,5 triệu USD để đảm bảo con cái mình có suất theo học các trường đại học danh tiếng như Yale, Stanford, Nam California, Georgetown. William Singer, khi đó là người đứng đầu một tổ chức tư vấn đại học mang tên Key Worldwide Foundation, đồng thời là CEO công ty Edge College & Career Network., sẽ đứng ra nhận lấy tiền "đút lót" để thuê người làm bài thi hộ và đút lót cho các quản trị viên, huấn luyện viên thể thao. Thông qua việc được chấp nhận vào đội tuyển thể thao của trường, thí sinh sẽ có thể đường đường chính chính trở thành sinh viên của trường bất chấp thành tích văn hóa có đạt yêu cầu hay không.
Yusi được cho là đậu vào trường Stanford nhờ vào khoản tiền "đút lót" của bố mẹ.
Mới đây, các trang báo đồng loạt tiết lộ danh tính của nữ sinh được bố mẹ chi đến 6,5 triệu USD, số tiền lớn nhất trong vụ chạy trường lần này, để đủ điều kiện trở thành sinh viên của trường đại học Stanford. Cụ thể, nữ sinh đó là Yusi Zhao, con gái của tỷ phú Tao Zhao, "ông trùm" ngành dược phẩm, đồng sáng lập công ty Shandong Buchang trị giá hàng tỷ USD. Tao Zhao từng được tờ Forbes bình chọn là người giàu thứ 21 tại Singapore với tài sản ròng lên đến 1,8 tỷ USD.
Chân dung ông Tao Zhao.
Được biết, bố mẹ Yusi được một người tin cậy giới thiệu quen biết William trước khi đưa cho người này số tiền 6,5 triệu USD để "mua" cho con gái suất học tại Stanford. Sau khi vụ việc bị phơi bày ra ánh sáng, luật sư của mẹ Yusi lên tiếng khẳng định gia đình Zhao cũng là nạn nhân của phi vụ chạy trường.
Khi đó, mẹ Yusi do không rành về thủ tục nhập học trường đại học ở Mỹ nên đã nhờ William tư vấn. Sau khi con gái được nhận vào học khoảng 1 tháng, mẹ Yusi theo lời William đã đồng ý đóng góp số tiền trên vì tưởng đây là khoản quyên góp cho trường nhằm mục đích trả lương cho thực tập sinh, tài trợ học bổng cho các chương trình thể thao và giúp đỡ các sinh viên nghèo, tạo điều kiện cho họ có thể theo học Stanford.
Mẹ Yusi phủ nhận việc sử dụng số tiền kia để chạy trường cho con gái, bà không cần làm vậy vì Yusi thừa sức thi đậu vào Stanford với thành tích học tập thuộc loại khá giỏi của cô bé. Thêm nữa, thời điểm đó, Yusi cũng nhận được rất nhiều thư mời nhập học tại các trường đại học khác ở Mỹ.
Năm 2017, Yusi từng đăng đoạn clip dài hơn 1 tiếng khoe về việc được nhận vào trường Stanford, kết quả của quá trình học tập gian nan không ngừng nghỉ. Trong đó, thiếu nữ 17 tuổi còn chia sẻ kinh nghiệm thi cử và học tiếng Anh với mọi người. Sau khi vụ việc bị phanh phui, cư dân mạng đồng loạt kéo nhau vào "khủng bố" đoạn clip.
Trong một buổi phỏng vấn vào năm 2015, ông Tao từng nói: "Khả năng của bạn phải phù hợp với đẳng cấp của gia đình. Tôi không đánh giá cao những đứa trẻ không đi lên bằng chính năng lực của mình. Nếu có cơ hội gặp, tôi sẽ dạy dỗ chúng". Lời phát biểu của vị tỷ phú giờ đây chẳng khác gì trò đùa, "gậy ông đập lưng ông".
Một nguồn tin thân cận cho hay, Stanford đã tiến hành đuổi học Yusi, gạch tên vị tiểu thư người Trung Quốc khỏi tất cả danh sách và hoạt động của trường. Ông Tao mới đây cũng phải lên tiếng rằng việc con gái đang đi học ở Mỹ là vấn đề cá nhân, không hề liên quan đến Shandong Buchang để tránh gây ra tổn thất không đáng có đối với công ty.
(Nguồn: CNN, Dailymail)