Bí quyết chi tiêu của hai vợ chồng công nhân, "ráo mồ hôi đã hết tiền" mà vẫn xây được nhà riêng đủ tiện nghi

Đ.A,
Chia sẻ

Tuy nhà chưa có bếp, tiền bắn mái tôn 10 triệu cũng còn nợ chưa trả, nhưng vẫn là mái ấm riêng của gia đình Hạnh. Lương công nhân không quá cao, nhưng Hạnh cũng khá biết vun vén chi tiêu nên nhà cũng đầy đủ các tiện nghi cơ bản.

Khi dựng vợ gả chồng, ai ai cũng đều mong muốn có được một ngôi nhà khang trang sạch đẹp, kinh tế dư dả, nuôi dạy con cái đàng hoàng. Với những người đã có sẵn tiềm lực kinh tế thì chẳng khó, nhưng bên cạnh đó vẫn còn những cặp vợ chồng khi đến với nhau chỉ có hai bàn tay trắng rồi cùng nhau gây dựng lên tất cả.

Chặng đường của họ lắm gian nan lắm, để có chỗ chui ra chui vào, họ phải căn ke từng li từng tí, thậm chí vay mượn chịu lãi khắp nơi. Như gia đình của chị Hạnh ở Quảng Ninh chẳng hạn, hai vợ chồng đều làm công nhân, tổng thu nhập mỗi tháng cũng gần 17 triệu nhưng cứ hết tháng là hết tiền, chẳng tích cóp được bao nhiêu. Xây nhà, ra riêng xong còn nợ tiền mái tôn 10 triệu mà 2 năm nay vẫn chưa thể trả nổi.

Bí quyết chi tiêu của hai vợ chồng công nhân, ráo mồ hôi đã hết tiền mà vẫn xây được nhà riêng đủ tiện nghi - Ảnh 1.

Con Hạnh đang đi gửi trẻ, một tháng cũng ngốn thêm cả mớ tiền bỉm, sữa, đồ ăn vặt.

Chị Hạnh tâm sự rằng: "2 vợ chồng 1 cu con 22 tháng em đã tiết kiệm lắm rồi mà vẫn hết hơn 12 triệu/tháng, có khi phải đi vay, đấy là chưa có tiền điện thoại vì 2 vợ chồng chẳng gọi cho ai. Tháng tới trả ngân hàng rồi mà em thì thất nghiệp, chắc cho con nghỉ đi trẻ luôn".

Hạnh cho hay, hiện tại chồng chị đang làm công nhân hầm lò ở Mông Dương, Quảng Ninh còn chị thì làm công ty bình thường. Bản thân chị nếu tháng nào đi làm mà tăng ca thì mới được 5 triệu còn không thì chỉ 4,5 triệu. Trong khi đó chồng chị thì dao động từ 8 đến 12 triệu mỗi tháng.

Bí quyết chi tiêu của hai vợ chồng công nhân, ráo mồ hôi đã hết tiền mà vẫn xây được nhà riêng đủ tiện nghi - Ảnh 2.

Kê khai chi tiêu của vợ chồng Hạnh.

"Vợ chồng em làm công nhân, cứ ráo mồ hôi là hết tiền. Em đang có một bé 22 tháng và bầu một đứa nữa. Con càng lớn càng tốn kém, tiền bỉm sữa, váng sữa, sữa chua các kiểu, tiền cứ bay vèo vèo", Hạnh cho hay.

Chồng Hạnh đi làm hầm lò cũng khá vất vả, thu nhập được bao nhiêu đưa hết cho vợ rồi đến lúc cần tiêu gì thì lại lấy ra. "Chồng em đưa hết tiền cho em giữ, thỉnh thoảng có đi ăn sáng hay hội hè gì thì em lại đưa cho. Chồng em cũng ý thức được là nhà đang vay nợ nên không dám chơi bời, mua sắm gì cả. Quần áo vợ mua cho thì mặc không thì cứ quần áo cũ mà diện. Bây giờ hai bọn em chỉ chủ yếu lo cho con với cả trang trải chi phí gia đình thôi".

Bí quyết chi tiêu của hai vợ chồng công nhân, ráo mồ hôi đã hết tiền mà vẫn xây được nhà riêng đủ tiện nghi - Ảnh 3.

Căn nhà riêng của vợ chồng Hạnh.

Khó khăn là vậy nhưng vợ chồng Hạnh cũng cố gắng xây căn nhà trên mảnh đất được ông bà ngoại cho, chỉ có điều, vì thiếu tiền nên họ phải vay lãi ngân hàng và mỗi tháng vẫn phải để dành ra 500k để trả.

"Chồng em ở xa nên ông bà ngoại thương cho mảnh đất xây nhà ở đỡ phải đi thuê. Em sinh bé được 10 ngày thì vợ chồng em động thổ xây nhà, xây trong có 20 ngày thôi và hết 120 triệu. Bọn em có trong tay 50 triệu, đi vay ngân hàng 40 triệu và còn lại tiền bắn tôn thì nợ của thợ. Ấy vậy mà 2 năm nay rồi, bọn em vẫn còn 10 triệu của bác thợ tôn nữa đã trả được đâu.

Đó là bọn em tiết giảm, xây nhà thô sơ nhất có thể rồi đấy, nhà em làm gì có bếp đâu, nấu nướng các thứ em vẫn dùng chung với nhà bà ngoại mà. Nếu không có bà ngoại giúp đỡ chắc vợ chồng chưa có ngày hôm nay được", Hạnh kể thêm.

Bí quyết chi tiêu của hai vợ chồng công nhân, ráo mồ hôi đã hết tiền mà vẫn xây được nhà riêng đủ tiện nghi - Ảnh 4.

Nhà chưa có bếp nhưng các phòng đã khá đủ tiện nghi.

Tính ra, nếu những tháng chồng Hạnh có thu nhập tốt, cộng thêm tiền lương tăng ca của Hạnh nữa, mỗi tháng, hai vợ chồng có thể dư ra được vài triệu tiết kiệm, chẳng cần vay mượn ai. Khoản nợ 10 triệu kia cũng không phải là "nợ xấu".

Nhưng Hạnh cho biết, thay vì trả nợ, cô dành tiền để mua sắm dần nội thất, các vật dụng thiết yếu trong nhà như tủ lạnh, điều hòa, máy giặt... để phục vụ cho cuộc sống tiện nghi một tí, cho con được sướng một tí. Hạnh cũng chia sẻ, cô chủ yếu mua đồ trả góp, biết là phải chịu lãi cao hơn so với mua trả tiền một lần, nhưng tiền còn để làm nhiều việc khác, đặc biệt là việc chăm lo cho em bé có một cuộc sống đủ đầy.

Bí quyết chi tiêu của hai vợ chồng công nhân, ráo mồ hôi đã hết tiền mà vẫn xây được nhà riêng đủ tiện nghi - Ảnh 5.

"Thật ra, vợ chồng em cũng để được khá tiền vì em chơi hội phường, tính ra cũng đủ để em trả nợ nhưng lấy về được vài hôm, con ốm đi viện thăm bác sĩ, rồi lại có việc này việc kia cần chút ít, thế là đâu còn thừa tiền mà trả nợ. Thôi thì cháo nóng húp quanh, công nợ trả dần, em ở quê nên người ta cũng không đòi gắt, vẫn cho nợ đến khi nào gom đủ thì trả".

 Nhưng để ra được một khoản là khi cả vợ cả chồng Hạnh đều đi làm. Bây giờ, công ty Hạnh hết việc, chỉ có mình chồng cáng đáng gia đình thôi thì thu nhập sẽ còn eo hẹp hơn nữa. Hạnh bảo, sắp đến kỳ trả gốc ngân hàng mà hai vợ chồng mới có được 10 triệu, sắp tới đến tháng lấy lương của chồng dồn vào, còn thiếu bao nhiêu chắc lại vay anh em họ hàng. Món công nợ kia nhà cô lại để trả dần chứ cũng không biết phải làm sao bây giờ.  

Bí quyết chi tiêu của hai vợ chồng công nhân, ráo mồ hôi đã hết tiền mà vẫn xây được nhà riêng đủ tiện nghi - Ảnh 6.

Đúng là mỗi nhà một cảnh, chẳng có ai muốn chi tiêu eo hẹp nhưng vì thu nhập làng nhàng, lại lắm thứ phải chi nên gia đình Hạnh vẫn cứ ngập trong các khoản nợ. Ngoài tiền gốc trả ngân hàng hàng tháng thì vợ chồng Hạnh vẫn còn phải trả thêm lãi, rồi tiền trả góp các đồ gia dụng đắt tiền, nên đã bí lại càng bí. 

Vậy nhưng, chị vẫn quả quyết sẽ không cắt giảm phần chi tiêu cho con (1,5 triệu) vì cho rằng, khoảng 15 - 20% thu nhập của bố mẹ chi dùng cho con cái là hoàn toàn bình thường, hợp lý. Người lớn nhịn một tí, chắt bóp một tí được, ai lại bắt trẻ con nhịn mồm nhịn miệng, đó là quan điểm của chị Hạnh.

Còn bạn, nếu rơi vào trường hợp như Hạnh, bạn sẽ chi dùng ra sao?

Chia sẻ