Bi kịch vì vợ tôi mắc bệnh Alzheimer sớm
Khi chứng kiến vợ khóc khi cầm 2 bộ quần áo của con giống hệt nhau từ màu sắc đến kiểu dáng, tôi quyết định thuê người giúp việc...
Từ sau lần sinh thứ 2, vợ tôi bị suy giảm trí nhớ ngày càng nặng, không chỉ đơn thuần là kiểu quên trước quên sau như thường gặp. Ngay cả bản thân cô ấy cũng chưa nhận ra bệnh tình của mình đang xấu dần đi. Chỉ có tôi hàng ngày chứng kiến và đau khổ vì tất cả đều là lỗi của tôi.
Vợ tôi sinh con đầu lòng năm 27 tuổi. Nhưng sau đó tôi làm ăn liên tục thất bại, phải bán cả nhà về ở nhờ nhà bố mẹ nên không có điều kiện tốt để nuôi con. Tôi sợ con mình phải khổ nên quyết tâm không để cho vợ sinh con thêm. Thời gian đó hai vợ chồng khổ sở thật, ăn uống thiếu thốn, làm việc quần quật, suy nghĩ triền miên. Nhưng 3 năm trở lại đây, khi kinh tế gia đình vững vàng trở lại, chúng tôi lại muốn có thêm một đứa. Vậy là sau 10 năm, vợ tôi có thai lần 2.
Sau khi sinh con, bệnh tình bắt đầu từ những biểu hiện rất nhỏ. Cô ấy không nhớ đã thay bỉm cho con cách đây mấy tiếng, không nhớ đã nấu tiệt trùng bình sữa của con hay chưa hoặc đã cho bao nhiêu thìa sữa bột để pha cho con uống. Lúc cô ấy phàn nàn là cô ấy hay quên, tôi cười vì cô ấy lẩm cẩm, coi đó chỉ là chuyện mà ai cũng gặp, không cần phải phàn nàn nhiều đến thế.
Ngay cả bản thân cô ấy cũng chưa nhận ra bệnh tình của mình đang xấu dần đi. (Ảnh minh họa)
Vợ tôi thường tự chọn mua quần áo cho con, nhưng lại không nhớ được lần trước đã mua những gì. Vì vậy thỉnh thoảng cô ấy lại mang về nhà đồ y hệt đồ đã có. Gần đây con trai lớn của tôi hay dỗi mẹ nó là vì vậy. Khi chứng kiến vợ khóc khi cầm 2 bộ quần áo của con giống hệt nhau từ màu sắc đến kiểu dáng, tôi quyết định thuê người giúp việc để vợ đỡ bị stress. Tôi đã nghĩ cô ấy hay quên vì áp lực công việc và nuôi con.
Nhưng dần dần, vừa vào đến siêu thị thì cô ấy quên mất thứ cần mua. Con đi học ở trung tâm thì lại đứng ở trường đợi. Đến đón tôi đi ăn cùng thì lại đi nhầm sang công ty cũ. Cô ấy không nhớ được lịch làm việc ở công ty nên liên tục bị nhắc nhở. Cô ấy không nhớ con đường cạnh nhà là đường một chiều nên đi nhầm nhiều lần. Bản thân cô ấy không biết mình đã quên như thế nào.
Tôi âm thầm lên mạng tìm kiếm và đi bác sĩ tư vấn thêm thì họ bảo có thể vợ tôi mắc chứng alzheimer sớm. Người mắc bệnh này sẽ suy giảm trí nhớ rất nhanh, không những thế còn suy giảm chức năng ngôn ngữ và vận động cơ thể. Đau đớn nhất, đây là bệnh không thể chữa trị, chỉ có thể trì hoãn bằng chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt.
Tôi tìm mọi cách vận động để cô ấy nghỉ làm ở nhà. Lý do tôi đưa ra là tôi muốn cô ấy được nghỉ ngơi, kinh tế gia đình cứ để một tay tôi lo. Nhưng nguyên nhân thực sự thì mọi người cũng biết, tôi sợ cô ấy gặp nạn nếu đi đường một mình. Quan trọng hơn là tôi sợ với trí nhớ ngày càng suy giảm, công việc bị ảnh hưởng, đồng nghiệp phản ánh thì cô ấy sẽ nhận ra mình đang mắc bệnh.
Tôi thuê liền lúc 2 giúp việc để trông con và lo việc nhà. Tôi khuyến khích vợ đi tập gym, nghe hoà nhạc, về quê thăm gia đình và hít thở không khí trong lành. Mỗi cuối tuần tôi gởi con sang nhà bố mẹ đưa vợ đi đâu đó, ăn những thứ cô ấy thích và làm những điều cô ấy muốn. Vậy mà nhiều lần cô ấy vẫn dỗi vì “lâu nay anh chẳng đưa em đi đâu cả”. Cô ấy không nhớ những lúc chúng tôi bên nhau. Nên sau này đi đâu tôi đều chụp ảnh và quay lại video.
Để phòng khi không may, tôi lặng lặng bỏ tên và số điện thoại liên lạc của tôi vào ví của cô ấy. Nhỡ cô ấy có chuyện gì thì người đi đường vẫn có người để liên hệ. Trừ những lúc bận đi làm, vợ đi đâu tôi cũng đều tháp tùng.
Thế nhưng thuốc men, nỗ lực và cả tình yêu của tôi đều không có tác dụng gì nhiều. (Ảnh minh họa)
Thỉnh thoảng tôi lại đưa vợ đi bệnh viện, nhưng chỉ lấy cớ là kiểm tra định kỳ và bồi bổ cơ thể. Thế nhưng thuốc men, nỗ lực và cả tình yêu của tôi đều không có tác dụng gì nhiều. Một biểu hiện nặng gần đây của cô ấy là không kiểm soát được được chuyện tiểu tiện. Cô ấy nói cảm thấy mót nhưng chưa vào đến toilet đã giải quyết ra quần.
Vợ tôi bắt đầu biết cô ấy đang có vấn đề gì đấy. Tôi càng lo lắng và suy sụp hơn rất nhiều. Cô ấy vốn rất tiêu cực, nếu tâm trạng xuống dốc sẽ đẩy bệnh tình càng phát triển nhanh hơn.
Chưa bao giờ tôi thấy mình yếu đuối và bất lực đến như vậy. Lúc trước bị phá sản, gia đình có nguy cơ ra đường sống, tôi cũng không suy sụp như bây giờ. Mỗi đêm tôi chỉ biết ôm cô ấy, lẳng lặng thay áo quần và thay chăn gối nếu đêm ấy cô ấy nhỡ bậy ra giường.
Ngoài bố mẹ tôi thì không ai hay chuyện. Họ cũng khuyên tôi nên thẳng thắn nói với vợ để cùng chữa trị. Nhưng làm sao tôi có thể nói ra điều không khác gì tuyên án tử thần cho vợ? Biết phải nên làm gì?