8 nghề độc dị trong quá khứ mà ít ai tin nổi, câu chuyện đằng sau khiến tất cả mở mang tầm mắt! (P2)
Cùng khám phá tiếp những ngành nghề độc đáo trong quá khứ và khiến chị em phải trầm trồ nhé!
Ở phần trước, chúng ta đã tìm hiểu về 3 nghề độc dị trong lịch sử loài người mà đến nay không còn xuất hiện. Đó là nghề gõ cửa báo thức, nghề quật mộ và nghề bắt chuột. Hãy cùng vén màn bí mật thêm về 5 nghề độc đáo không kém nhé!
1. Nghề "não tướng học"
Phrenologist (nhà não tướng học) là thuật ngữ để chỉ bộ môn khoa học đo lường năng khiếu và cảm nhận tính cách của ai đó thông qua hình dạng đầu họ. Xuất hiện từ thế kỷ 19, nhà não tướng học sẽ đưa ngón tay của họ lướt qua đầu một đứa trẻ hoặc thậm chí là người trưởng thành. Thao tác ấy giống như phù thủy lướt trên quả cầu pha lê ma thuật. Mục đích là để tìm kiếm những mảng cao thấp, vết lõm, từ đó nhà não tướng học hiểu thêm về nhân vật.
Một nhà não tướng học vào năm 1912 đã phân tích đầu của một bé gái và kết luận rằng bé sở hữu nhiều phẩm chất tốt đẹp. Đầu bé gái này tròn đầy hai bên, tượng trưng cho năng lượng dồi dào, sự can trường và sức mạnh nội tại. Phương pháp thậm chí còn được một vài công ty thời đó áp dụng để sàng lọc ứng viên, giúp họ tuyển chọn được những người tốt nhất về cả năng lực lẫn đạo đức.
2. Nghề kể chuyện tấu hài
Thời xưa, khi các phương tiện giải trí chưa xuất hiện, con người chỉ biết làm việc, chăm chỉ liên tục trong nhiều giờ liền đến nỗi nhàm chán. Có lẽ hình thức khiến họ giải tỏa đầu óc nhất là đọc sách hoặc nghe kể chuyện, tấu hài. Nhưng đang trong giờ làm việc, thật khó để đọc sách đúng không nào? Chính vì thế, nghề kể chuyện cho công nhân ra đời.
Từ những năm 1800, trong các nhà máy xì gà ở Cuba đã xuất hiện công việc này. Vì tính chất, môi trường làm việc nên công nhân thường cảm thấy mệt mỏi. Giải pháp hữu hiệu thời đó là mỗi công nhân sẽ trích một phần tiền lương của mình để thuê một đồng nghiệp hoặc thậm chí là người quản lý để đọc truyện trong giờ làm. Khi đọc truyện, người này còn cần diễn tả bằng ngôn ngữ hình thể để tăng phần sinh động.
Nếu công nhân thích màn trình diễn, họ sẽ đập dao vào thớt thay cho tràng pháo tay. Ngược lại, khi không hứng thú lắm, họ sẽ tỏ vẻ mặt chán nản và đòi đổi người khác lên kể.
3. Nghề "mõ làng"
Nghề mõ làng, hay còn gọi là nhân viên truyền tin, được biết đến như một hình thức lan tỏa các tin tức quan trọng đến với người dân. Thời đó, điện thoại chẳng có, ti vi cũng không, và thậm chí mọi người còn mù chữ nên rất cần một ai đó đọc các thông cáo quan trọng.
Thông thường, những người làm nghề "mõ làng" được bảo vệ bởi luật pháp và bất kỳ kẻ nào xâm hại tinh thần, tính mạng của họ sẽ bị xử lý nghiêm. Thậm chí còn bị coi là phản quốc, chống lại lệnh vua chúa.
4. Nghề xếp con ki gỗ
Chơi bowling ngày chưa chẳng hề có máy tự động xếp con ki gỗ mà phải dùng tới sức người. Thông thường, các trung tâm giải trí thời ấy sẽ thuê trẻ em đến để thực hiện công việc này. Thao tác sắp xếp ki gỗ cần nhanh chóng để người chơi liên tục ném bóng về phía cuối dãy bowling. Nếu chỉ cần chậm vài giây, những đứa trẻ cũng có thể bị chấn thương. Mặc dù mức lương không quá cao nhưng với những đứa trẻ ngày đó, công việc này tựa như trúng số độc đắc vậy!
5. Nghề gọi tên
Nomenclator là thuật ngữ để chỉ những nhà danh pháp hoạt động trong thời La Mã cổ đại. Cụ thể, nhiệm vụ của họ là đọc tên các vị khách trong buổi tiệc hoặc chỉ dẫn chỗ ngồi trong mỗi sự kiện ấy. Nguồn gốc của công việc này tới nay vẫn còn là một điều bí ẩn. Tuy nhiên giả thiết được đưa ra nhiều nhất là vì có quá nhiều người tham dự một tổ chức nào đó, và việc đọc tên sẽ khiến mọi người bớt bỡ ngỡ và làm quen nhau dễ dàng hơn.
Theo R.D