5 nghề trong lĩnh vực tài chính chịu áp lực và căng thẳng nhất
Theo cuộc khảo sát của tổ chức UNI Finance tại 26 quốc gia trên thế giới, nhân viên ngân hàng đang là nghề áp lực và căng thẳng nhất. Ngoài ra còn có nghề tư vấn tài chính, bán hàng, cố vấn...
Tiêu chí để đo lường áp lực và sự căng thẳng của những nghề nghiệp này dựa trên khối lượng công việc, số giờ làm việc, thời hạn phải nộp công việc,…
1. Nhân viên ngân hàng
Ngân hàng được coi là ngành nghề có nhiều vất vả, căng thẳng và áp lực nhất. Đặc biệt là trong lĩnh vực ngân hàng đầu tư. Các nhân viên ngân hàng có trách nhiệm nắm giữ, quản lý tài chính của các tổ chức, cá nhân, một quyết định xấu sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới rất nhiều người và cả bản thân nhân viên ngân hàng.
Theo cuộc khảo sát của tổ chức UNI Finance tại 26 quốc gia trên thế giới, nhân viên ngân hàng đang là nghề áp lực và căng thẳng nhất - (Ảnh minh họa)
Khi làm việc trong lĩnh vực ngân hàng đầu tư, thời giờ của bạn sẽ luôn bị bó buộc cùng công việc, khối lượng công việc nặng nề. Chuyện phải đi làm muộn, cũng như giải quyết công việc trong thời gian gấp là không thể tránh khỏi.
Để giảm bớt căng thẳng và suy kiệt vì áp lực, nhiều nhân viên ngân hàng sử dụng cách tập thể dục điều độ, thường xuyên và cố gắng thu xếp thời gian nghỉ ngơi, cách ly hoàn toàn khỏi công sở.
2. Tư vấn quản lý tài chính
Chuyên viên tư vấn quản lý tài chính rất bận rộn. Họ thường xuyên phải di chuyển, đi công tác xa nhà, tham dự các cuộc họp căng thẳng, phức tạp về chuyện sử dụng tiền để đầu tư, kinh doanh. Trong khi người có khả năng chịu đựng có thể tăng cường khả năng, tốc độ làm việc thì rất nhiều chuyên viên tư vấn quản lý tài chính bị stress, hao mòn do phải đi lại liên tục và áp lực chỉ tiêu công việc quá cao.
Cố gắng giữ cân bằng cho bản thân, ngủ đủ giấc là điều những chuyên viên tư vấn quản lý tài chính phải lưu ý nếu muốn tiếp tục làm công việc căng thẳng này.
3. Nhân viên tư vấn sale
Công việc bán hàng luôn rất vất vả, bởi thu nhập, cuộc sống của bạn liên quan trực tiếp đến doanh số hàng hóa, dịch vụ mà bạn bán được. Hầu hết các công ty đều đang áp chỉ tiêu doanh số rất “khủng” cho các nhân viên sale, nếu không đạt chỉ tiêu sẽ bị trừ lương, thậm chí cho nghỉ việc.
Nghỉ ngơi, ngủ đủ giấc là điều cần thiết để giảm tải áp lực công việc - (Ảnh minh họa)
Việc phát triển công nghệ, dẫn đến khách hàng có thể tự đặt mua hàng online, hoặc gọi điện thoại trực tiếp yêu cầu cung cấp hàng hóa, dịch vụ khiến các nhân viên sale càng vất vả hơn.
Muốn làm tốt nghề này, bạn cần phải có năng khiếu và sự chăm chỉ. Một khi đã làm tốt, thì mạng lưới khách hàng sẽ tự động nhân rộng và bạn chỉ cần thụ hưởng.
4. Cố vấn tài chính
Nghề này cũng làm việc dựa trên nền tảng bán hàng và cung cấp dịch vụ. Tuy nhiên, tư vấn tài chính và quản lý tài sản cho một khách hàng không có nghĩa bạn chỉ quan tâm đến khách hàng của bạn mà còn phải để ý đến những mối quan hệ có liên quan đến tài chính của anh/cô ấy như gia đình, bạn bè. Công việc này không chỉ liên quan đến tiền, mà là cách bạn giải quyết các mối quan hệ.
Bạn phải rất linh hoạt, khéo léo và cẩn trọng bởi mỗi khách hàng lại có những nguồn tiền, mục đích, cách thức đầu tư khác nhau, dẫn đến các mối quan hệ xung quanh cũng khác nhau. Phải giải quyết “mớ bòng bong” liên quan đến tiền bạc và các mối quan hệ phức tạp của khách hàng khiến những người làm cố vấn tài chính luôn áp lực, căng thẳng.
Cố vấn tài chính là một trong những nghề có áp lực công việc cao nhất - (Ảnh minh họa)
5. Quản trị và giám sát tuân thủ rủi ro tài chính
Những người làm nghề này chịu sự căng thẳng và áp lực tương đương với các nhân viên ngân hàng đầu tư. Họ vừa phải giám sát các nhân viên trong công ty, lại phải cập nhật, sát sao các quy định của pháp luật. Họ thường bị đồng nghiệp coi như “kẻ thù”, đặc biệt là các nhân viên bán hàng.
Để giảm bớt căng thẳng, những người làm trong ngành tài chính nên xem xét chế độ nghỉ ngơi, tăng cường, cải thiện các phần mềm công nghệ và thuê một trợ lý để giảm tải cho công việc.