5 món cháo dễ nấu thích hợp cho bữa sáng, ăn ngon lại tốt cho lá lách, dạ dày và dưỡng ẩm giúp da căng mịn
Hôm nay chúng tôi gợi ý 5 món cháo sử dụng các nguyên liệu tốt cho sức khỏe, rất thích hợp ăn vào bữa sáng mùa thu.
Với chúng ta, cháo là món ăn quen thuộc trong đời sống hàng ngày. Cháo có thể ăn vào bữa sáng, trưa hoặc tối. Đặc biệt là vào mùa thu, mặc dù tiết trời trong lành nhưng không khí lạnh hơn và cái khô hanh luôn ẩn trong gió. Điều này khiến cho mỗi ngày thức dậy chúng ta có cảm thấy da căng, miệng khô... Thời điểm này, một bát cháo ấm sẽ khiến chúng ta dễ chịu hơn rất nhiều.
Ăn cháo vào mùa thu không chỉ giúp bổ sung dinh dưỡng và nước mà còn tăng cường sức khỏe lá lách và sự thèm ăn, loại bỏ chứng khô da, khô miệng, bổ phổi... Hôm nay chúng tôi gợi ý 5 món cháo sử dụng các nguyên liệu tốt cho sức khỏe rất thích hợp ăn vào bữa sáng mùa thu. Mỗi ngày hãy ăn một bát để bổ tỳ, nuôi dưỡng dạ dày và cấp ẩm cho làn da của bạn. Các món cháo này đều sử dụng nguyên liệu đơn giản, nấu dễ lại bổ dưỡng.
1. Cháo cần tây thịt băm
Cần tây là loại nguyên liệu có tác dụng thanh nhiệt gan, giải tỏa khó chịu, giải tỏa cơn buồn ngủ mùa thu. Cần tây xanh tươi mát rất giàu chất dinh dưỡng, có thể kích thích cảm giác thèm ăn, tăng cường lá lách. Thịt là một loại thực phẩm bổ giàu protein, bổ sung dinh dưỡng tốt cho cơ thể.
Nguyên liệu để nấu cháo cần tây thịt băm
150g gạo, 200g thịt băm, 5 cây nấm hương tươi, 50g cần tây, một chút bột tiêu, một chút dầu ăn, muối, hành lá, lượng gừng thái sợi vừa phải, 1 thìa canh rượu nấu ăn, một chút tinh bột.
Cách nấu cháo cần tây thịt băm
Bước 1: Thịt lợn rửa sạch, thấm khô nước. Sau đó cắt thành từng miếng rồi băm nhỏ. Cho thịt băm vào bát tô, thêm chút muối và 1 thìa canh tinh bột vào ướp trong khoảng 15 đến 30 phút. Rau cần tây cắt rời từng nhánh sau đó rửa sạch rồi xắt nhỏ. Cà rốt gọt bỏ vỏ, cắt thành miếng nhỏ hình hạt lựu. Nấm hương rửa sạch và xắt nhỏ.
Bước 2: Vo sạch gạo (bạn có thể trộn gạo lứt với gạo thông thường). Sau đó cho vào nồi cơm điện, thêm lượng nước vừa phải vào rồi ấn chế độ nấu cháo. Đặt chảo lên bếp, thêm một chút dầu ăn, khi dầu nóng thì cho thịt băm vào xào đến khi đổi màu. Thêm hành lá xắt nhỏ, gừng thái sợi và 1 thìa canh rượu nấu ăn vào xào cùng cho đến khi dậy mùi thơm.
Bước 3: Sau đó cho cần tây, nấm hương và cà rốt vào xào đều. Cuối cùng, thêm chút muối vào cho muối vừa ăn. Sau khi cháo chín nhừ, bạn đổ phần thịt băm cùng các loại rau củ vào, khuấy đều. Lấy cháo ra tô là có thể thưởng thức.
2. Cháo bí đỏ và ngô
Bí đỏ rất giàu chất dinh dưỡng như beta-carotene và vitamin C, có tác dụng chống oxy hóa và tăng cường miễn dịch. Bên cạnh đó nhờ giàu hàm lượng các vitamin và khoáng chất có lợi cho da như vitamin A, C, E cũng như các chất chống oxy hóa, mà bí đỏ giúp nuôi dưỡng và bảo vệ làn da khỏi các tác nhân gây hại từ môi trường. Dùng bí đỏ nấu cháo vừa là cách bổ sung bí đỏ vào chế độ ăn lại tốt cho sức khỏe.
Nguyên liệu để nấu cháo bí đỏ và ngô
150g gạo, 200g bí đỏ, 1/2 bắp ngô, gạo, lượng đường phèn thích hợp.
Cách nấu cháo bí đỏ và ngô
Bước 1: Rửa sạch bí ngô, gọt vỏ và bỏ ruột cùng hạt. Cắt bí đỏ thành các miếng nhỏ và để riêng. Ngô bạn tách lấy hạt, rửa sạch rồi cho vào tô để dùng sau.
Bước 2: Gạo vo sạch rồi cho vào nồi cơm điện cùng với lượng nước vừa phải. Sau đó cho bí đỏ và ngô vào rồi nhấn chế độ nấu cháo. Thông thường nấu cháo bằng nồi cơm điện mất khoảng 25-30 phút là cháo chín nhừ.
Bước 3: Sau khi cháo chín bạn thêm đường phèn vào. Đậy nắp nồi cơm điện lại om thêm một lúc nữa để đường phèn tan. Sau đó bạn khuấy đều cháo, lấy ra tô là có thể thưởng thức. Tùy thuộc vào khẩu vị mà bạn nêm lượng đường phèn thích hợp.
3. Cháo yến mạch, khoai lang
Nguyên liệu nấu cháo yến mạch, khoai lang
35g yến mạch nguyên hạt, 1 củ khoai lang vàng, 120g gạo.
Cách nấu cháo yến mạch, khoai lang
Bước 1: Gạo và yến mạch nguyên hạt bạn vo sạch sau đó cho vào nồi cơm điện. Thêm lượng nước vừa phải vào. Khoai lang bạn gọt bỏ vỏ, rửa sạch sau đó xắt miếng hình hạt lựu to.
Bước 2: Tiếp theo bạn đậy nắp nồi cơm điện lại và ấn chọn chức năng nấu cháo. Sau khi nấu được khoảng 15 phút bạn cho khoai lang vào và tiếp tục nấu cho đến khi cháo chín nhừ.
Bước 3: Cuối cùng món cháo yến mạch, khoai lang có vị ngọt, mềm và dẻo đã hoàn thành. Món cháo này ít chất béo, nhiều chất xơ nên tốt cho sức khỏe và ngon miệng.
4. Cháo táo đỏ, hạt sen và củ hoa huệ
Nguyên liệu nấu món cháo táo đỏ, hạt sen và củ hoa huệ
6-8 quả táo đỏ, 30g hạt sen khô, 60g gạo, 50g bột ngô, 20g củ hoa huệ, lượng đường phèn thích hợp.
Cách nấu cháo táo đỏ, hạt sen và củ hoa huệ
Bước 1: Vo sạch gạo, để ráo nước. Ngâm táo đỏ, củ hoa huệ và hạt sen trước nửa giờ. Sau đó bạn cho táo đỏ, hạt sen và củ hoa huệ vào nồi. Thêm lượng nước thích hợp sau đó đun sôi.
Bước 2: Sau khi nước trong nồi sôi, bạn cho bột ngô và gạo đã vo sạch vào nồi. Dùng muỗng khuấy đều tiếp tục nấu cho đến khi nước sôi lại. Giảm lửa xuống mức vừa và đun trong khoảng 10 phút. Sau đó bạn hạ lửa xuống mức nhỏ và tiếp tục đun trong 20 phút.
Bước 3: Sau khi các nguyên liệu đã chín nhừ, bạn thêm đường phèn vào cho vừa khẩu vị. Nếu không thích ăn đường bạn có thể thay bằng chút xíu muối. Lấy cháo ra bát là có thể thưởng thức.
5. Cháo nấm tuyết và lê
Nguyên liệu nấu cháo nấm tuyết và lê
120g gạo, 1 quả lê, 1 cây nấm tuyết, lượng đường phèn thích hợp, một ít hạt kỷ tử.
Cách nấu cháo nấm tuyết và lê
Bước 1: Ngâm nấm tuyết cho nở đều, cắt bỏ phần chân màu vàng. Sau đó rửa sạch nấm tuyết, vớt ra để ráo rồi cắt thành từng miếng vừa ăn. Gạo vo sạch, để riêng. Lê rửa sạch, gọt vỏ và cắt thành từng miếng hoặc bạn có thể dùng khuôn nhấn để tạo hình hoa.
Bước 2: Cho nước vào nồi và đun sôi. Sau khi nước sôi thì cho nấm tuyết vào, đun sôi trở lại thì thêm gạo và lê. Đun nhỏ lửa cho đến khi chất keo trong nấm tuyết tiết ra, gạo chín nhừ.
Bước 3: Cuối cùng bạn cho đường phèn vào nấu đến khi đường phèn tan hoàn toàn thì tắt bếp. Lấy cháo ra khỏi nồi, thêm vài hạt kỷ tử lên trên là có thể thưởng thức.