3 bước giúp chị em công sở xây dựng niềm tin vững chắc trong lòng sếp lẫn đồng nghiệp, điều số 2 mọi người thường bỏ qua
Củng cố niềm tin về bản thân mình trong mắt người khác là cơ sở để chị em được trao quyền làm các nhiệm vụ quan trọng.
Niềm tin là một điều quan trọng với môi trường công sở nói riêng và với cuộc sống nói chung. Con người làm việc được với nhau đều dựa trên niềm tin, uy tín của đối phương. Phải có niềm tin thì mới tạo nên động lực cố gắng.
Với chị em công sở, niềm tin là vũ khí để được sếp thăng quan tiến chức và hơn cả là giao cho bạn những trọng trách lớn. Kể cả khi chúng ta tài giỏi mà không có độ uy tín thì cũng thật khó để cấp trên tin tưởng giao phó. Chính vì vậy, việc tạo dựng/tái tạo dựng niềm tin trong lòng người khác là một trong những nhiệm vụ cần thiết trên chặng đường phát triển sự nghiệp.
Hãy làm theo 3 bước dưới đây nhé!
Bước 1: Chân thật (Authenticity)
Sự chân thật được hiểu chúng ta thể hiện ra ngoài bản chất trong con người mình. Chân thật giúp cho chị em gây được thiện cảm trong mắt người khác, rồi mới tạo nên được niềm tin.
Ngày nay, có nhiều dân công sở đi làm và giữ tư duy "Tôi không cần một ai hết, tôi chỉ cần làm việc tốt là đủ!", tuy nhiên đôi lúc họ vẫn cần giao tiếp và mở rộng mối quan hệ để hiệu quả công việc cao hơn. Từ sự ép buộc này mới dẫn tới tình huống cư xử thảo mai, giả tạo. Tức là chị em sẽ cố gắng để nịnh nọt và làm mọi cách với đối phương nhằm đạt được một mục đích gì đó.
Tuy nhiên, lâu dần sự giả tạo, thảo mai ấy cũng dễ bị bại lộ, thành ra bạn sẽ trở thành một kẻ không đáng tin trong mắt người khác. Chính vì vậy hãy luôn chân thành và thật thà với mọi người. Tất nhiên trong một số trường hợp thì nói dối vẫn cần thiết nhưng nên đảm bảo nó ở chừng mực vừa phải.
Bước 2: Lý trí (Logic)
Người ta thường nói trong giao tiếp, hành xử giữa người với người nên đảm bảo "thấu tình - đạt lý" nhưng thực tế gần như mọi tình huống chỉ có thể đạt 1 trong 2 mà khó cân bằng tất cả yếu tố ấy.
Nhiều khi vì quá nặng về tình - lý mà nảy sinh ra trường hợp "giấu đầu hở đuôi". Tức là bạn đang cãi lý với người khác nhưng khi đuối lý lại lôi tình ra để tranh luận. Mối quan hệ ấy sẽ đi vào bế tắc, sếp hay đồng nghiệp chẳng thể tin tưởng một người "ba phải" như vậy đúng không nào?
Vì vậy, hãy thật lý trí và luôn biết bảo vệ quan điểm của mình đến tận cùng. Tất nhiên chúng ta cũng nên lắng nghe ý kiến của người khác để phân tích, trình bày quan điểm của mình rành mạch hơn.
Bước 3: Cảm thông (Empathy)
Chị em hãy biết đặt mình vào vị trí, hoàn cảnh của người khác để thấu hiểu và thông cảm với nỗi niềm tâm tư. Thường thì sếp hay đồng nghiệp cũng luôn muốn trao niềm tin với những ai hiểu họ và không phán xét. Cảm thông giúp trái tim xúc động và dễ đạt được những mục đích ở môi trường công sở. Hãy học cách lắng nghe để biết sẻ chia nỗi niềm hơn nhé.
Tuân thủ theo 3 bước trên và chị em công sở sẽ dễ dàng lấy được niềm tin từ mọi người trong cơ quan. Nhưng trước hết hãy đặt niềm tin ở chính bản thân mình, tin rằng mình làm được và mình có thể khiến người khác cũng có cảm giác như vậy nha.