Yêu trên từng ngón tay - Chuyện đời "thường mà thấm"
Những trang viết “Yêu trên từng ngón tay” của Trần Trà My được chắt chiu từ tâm hồn và khát khao sẻ chia với những mảnh đời bé nhỏ.
Hầu hết các tác phẩm của Trần Trà My đều chứa chan niềm tin về cuộc sống. Những trang viết đầy tính nhân văn chắt chiu từ tâm hồn và khát khao sẻ chia với những mảnh đời bé nhỏ. “Yêu trên từng ngón tay” - tập truyện ngắn thứ ba của nhà văn - cũng không nằm ngoài thế giới quan và nhân sinh quan ấy. Cuốn sách hay này được ấp ủ suốt 2 năm với mong muốn “bứt phá chính bản thân mình, thoát khỏi thân thể để cảm nhận hạnh phúc, cảm nhận tình yêu lứa đôi thực sự”.
Để lại ấn tượng sâu sắc trong tôi là truyện ngắn “Yêu trên từng ngón tay”, cũng là tên chủ đề của tập truyện. Nó mở đầu bằng lời tự sự: “Người ta vẫn bảo, hai người yêu nhau thực sự thì bất kỳ tiếp xúc nào cũng là làm tình”… Trong khuôn viên bệnh viện tĩnh lặng - nơi có thể nghe thấy tiếng lá khô tách mình rụng xuống, nơi thời gian nhỏ giọt rơi khi sự sống cô gái chỉ còn tính bằng ngày bằng giờ - là lúc tôi nhận ra: Trên đời này có tình yêu sâu đậm đến mức, một cái nắm tay còn nồng cháy hơn cả lúc ân ái trên giường.
Một cô gái sắp ngã quỵ vì ung thư, một chàng trai khổ đau bất lực. Họ yêu tha thiết suốt ba năm nhưng âm thầm không thổ lộ. Để giờ đây, cách thể hiện tình cảm cho nhau chỉ là ánh mắt trìu mến và những cái nắm tay như không muốn rời xa. “Chiều nào họ cũng ngồi ở cái ghế đá đó, dựa vào nhau với đôi bàn tay đan chặt, không một lời trò chuyện… như để cảm nhận hết sự yêu thương về tinh thần và hơi ấm về xác thịt”.
Một thế giới thánh thiện như hiện hữu trước mắt tôi, thế giới mà tình yêu thực sự là yêu bằng trái tim chứ không phải bằng dục vọng!
Những câu chuyện riêng lẻ, vỏn vẹn chưa đến 100 trang nhưng“Yêu trên từng ngón tay” đã mang đến cho độc giả cái nhìn chân thực về cuộc sống. Mỗi nhân vật gắn liền với một số phận. Đấy có thể là bà cụ đau đớn bởi vết thương trên lưng cùng tiếng thở dài xa xót: “Nằm một chỗ mới biết lòng con cháu”; là người đàn bà tuổi 40 khát khao làm mẹ đến nỗi nước mắt chỉ chực ứa ra khi bắt gặp “một cái bụng bầu lướt ngang qua mặt”, là ông chồng “Ăn phở” giữa nắng trưa mà trong đầu còn vang lên lời vợ “chiều không có lương thì đừng vác xác về nhà!”…
Lật giở từng trang trong cuốn sách, ta có thể cảm nhận bức tranh thị thành dày đặc, sống động và rõ nét. Nhịp sống hối hả khiến việc chuẩn bị “Một bữa cơm chiều” cũng trở nên khó khăn. “Những đứa trẻ thành phố” khác gì trẻ mồ côi vì “có thấy ba mẹ đâu, chỉ toàn người giúp việc!”. Trong guồng quay của thời đại tên lửa thiếu đi chữ “Nhẫn”, ta chẳng lạ gì cái cảnh “hôm qua còn đám cưới xa hoa, hôm nay đùng đùng dắt nhau ra toà ly dị”, cũng chẳng bất ngờ khi đứa con dùng tiền thuê điều dưỡng còn hơn tự tay chăm sóc mẹ già…
Thiếu vắng những xung đột nội tâm gay gắt hay mâu thuẫn đẩy lên đỉnh điểm, tác phẩm của Trà My nhẹ nhàng như một “Bản tình ca cuộc sống”, nơi bạn nhận ra đằng sau ánh hào quang của những con người thành đạt, thực chất chỉ tồn tại như một loài “Cây cô độc”.
Bằng cốt truyện gần gũi, văn phong dung dị, nhà văn đã chuyển tải xúc cảm thông qua lời nhân vật một cách nhẹ nhàng mà sâu sắc, thâm thuý mà không hề gượng ép. Chị ví mỗi người như một nốt nhạc, may mắn thì được làm nốt bổng bay cao, bất hạnh thì làm một nốt trầm đến mức không ai nhận ra sự tồn tại của mình.
Trần Trà My không chỉ là một nhà văn trẻ mà còn là tấm gương cho nghị sống kiên cường. Cô gái trẻ có giọng nói ngọng nghịu, cơ thể yếu ớt cùng đôi chân tật nguyền, chỉ sử dụng một ngón tay để đánh máy nhưng từ ngón tay ấy cho ra đời những sáng tác văn chương như nguồn cảm hứng bất tận của cuộc đời…
Trà My từng tâm sự: “Có người bảo em thành công, nhưng với em đó là hạnh phúc. Hạnh phúc khi viết được những suy nghĩ của mình về xã hội, tình yêu, cuộc sống. Con người ta chỉ thực sự thành công nếu biết quên đi số phận nghiệt ngã của mình để cố gắng!”… Phải rồi, chỉ có thể xuất phát từ tâm hồn, nghị lực đáng trân trọng thì mới cho ra đời những câu chuyện xúc động lòng người đến vậy!